(ANTĐ) - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) mùa này đang ngập trong sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vào mùa gặt. Đó cũng là thời điểm để những người chơi ảnh, những đoàn du lịch bụi tìm đến với những cái tên như Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình… nhưng với đỉnh Trống Pá Sang không phải ai cũng biết để mà tìm tới.
Nói vậy bởi con đường từ Ngã Ba Kim (thuộc xã Púng Luông) lên tới địa phận Trống Pá, một bản hẻo lánh thuộc xã Cao Phạ cũng chỉ vỏn vẹn hơn chục ki lô mét. Nhưng để lên được tới đây phải vượt qua những con dốc lởm chởm toàn đá, suối chảy tràn hết cả mặt đường, rồi lội qua những vũng bùn nuốt trọn hai bánh xe, qua những con đường đất hẹp chỉ vừa đủ một bánh xe qua.
Phải mất tới gần 2 tiếng đồng hồ bạn mới chinh phục được hết con đường độc đạo dài hơn 10km, với địa thế hiểm trở, dốc cao chạm trời, không có hộ dân cư nào sinh sống ven đường và không cả sóng điện thoại này. Vào những ngày mưa gió, vách núi ở trên lúc nào cũng như trực chờ sập xuống cô lập bản Trống Pá với thế giới bên ngoài.
Nhưng, hình như càng cách biệt với bên ngoài bao nhiêu thì khung cảnh của nơi đây càng ảo diệu bấy nhiêu. Ngọn núi Trống Pá Sang cao 2.200m, đó là theo số liệu mà thiết bị GPS chúng tôi mang theo chỉ ra chứ kỳ thực địa danh này còn chưa có trên bản đồ đường bộ, đây được coi là điểm cao nhất của hai xã La Pán Tẩn và Cao Phạ.
Từ đỉnh cao nhìn ra xung quanh có thể bao quát toàn bộ La Pán Tẩn, một phần Chế Cu Nha và trông sang cả Nậm Khắt và phía đèo Khau Phạ. Cảm giác đứng trên biển lúa với những lớp sóng vàng nối tiếp nhau chạy dài phía dưới thật kỳ thú và khác lạ vô cùng. Những bậc thang dát vàng bắt từ chân lên tận đỉnh những ngọn núi vốn quanh năm chìm trong mây giờ bỗng như thu nhỏ lại dưới chân người lữ khách. Phía dưới thung lũng, con suối vắt ngang qua những thửa ruộng đang tung bọt trắng xóa mang lại nguồn nước cho sự trù phú, no ấm của các bản làng.
Đến với Trống Pá Sang để cảm nhận vẻ đẹp ban sơ, ảo diệu của đất nước và để trải lòng mình với con người nơi đây. Dẫu cho cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng những cụ già, em nhỏ và người dân bạn gặp trên đường vẫn luôn nở nụ cười thân thiện chào đón khách đường xa. Rời Trống Pá Sang, trong lòng mỗi người đều mang theo một lời hứa sẽ quay lại, sẽ mang theo chút thảo thơm của người miền xuôi tới bản làng như một lời cảm ơn chân tình nhất.
Theo Tuấn Linh (báo An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét