Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Đi giữa “chảo lửa” Tây nguyên

(TTCT) - Xin nói ngay, không phải “chảo lửa” trong lĩnh vực bóng đá mà là vùng nắng nóng lạ đời ở Tây nguyên vốn bốn mùa mát mẻ.

Đến đây xem cái nóng này có khác gì “nắng như rang” ở Phan Rang và trải nghiệm những món ăn khá độc đáo...

< Đường vào “chảo lửa” đoạn qua đèo Tô Na.

Nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi, mưa nhỏ giọt, nắng hạn triền miên, vùng đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai) từ lâu được xem là “chảo lửa”, cái “rốn hạn” của Tây nguyên.

Hồn nhiên giữa thiên nhiên

Từ phố núi Pleiku, theo quốc lộ 25 xuôi về phía nam, qua đèo Chư Sê, đổ đèo Tô Na sẽ tới “chảo lửa” Krông Pa, huyện xa nhất của tỉnh Gia Lai (lộ trình khoảng 150km). Nơi đây mỗi năm chỉ có ba tháng mưa ngay trong dịp hè, lượng mưa trung bình cả năm chỉ đạt 1.600mm, vào loại thấp nhất cả nước.


< Cảnh đẹp như tranh vẽ ở “chảo lửa”.

Những ngày cuối tháng 9, trong khi các nơi mưa dầm dề,  trời ở đây nắng như lửa đốt. Dòng suối Ia MLáh vắt ngang qua thị trấn Phú Túc héo hon và khô khốc. Trên đường đi du khách có thể bắt gặp những bóng cây kơnia đứng chơ vơ bên đường. Những tán lá kơnia được kết dày đặc, vo tròn, quả thật là bóng mát quá lý tưởng cho tất thảy những ai rong ruổi trong những ngày nắng nóng Krông Pa.

Nhưng tới địa phận xã Chư Ngọc cây cối lại trù phú, cảnh vật đẹp như truyện cổ tích với mái nhà sàn, chòi canh nằm chơi vơi giữa những cánh đồng lúa xanh, vàng dài tít tắp tới những cánh rừng...  Chị Mlao ở buôn Sai, xã Chư Ngọc cho biết lúa ở đây thuộc loại  giống chịu hạn tốt, người nông dân dùng hai chiếc gậy chọc từng lỗ rồi tra hạt trên thửa ruộng nứt nẻ.

< Trồng lúa theo kiểu người Jrai.

Tưởng chừng cái nắng thiêu sẽ đốt cháy những hạt lúa nhỏ bé đó, nhưng sau hai tháng, một cơn mưa hiếm hoi cũng đủ làm cho những hạt lúa khát nước kia đâm chồi, vươn lên xanh tốt trên những thửa ruộng khô cằn. Thật ngưỡng mộ sức chịu đựng dẻo dai của nó.

Thấp thoáng trong màu xanh non của ruộng lúa, lũ trẻ con vai đeo gùi lỉnh kỉnh chai, lọ đi lấy nước. Lấy nước uống ở những mạch nước ngầm và nước sông Ba vốn đã là một phần tất yếu trong cuộc sống từ ngàn đời nay của đồng bào Jrai ở đây. Ngày nay, dù hầu hết các thôn, buôn của huyện đã có hệ thống nước máy, nước giếng khoan để phục vụ ăn uống và sinh hoạt nhưng với đồng bào Jrai “nước suối vẫn ngọt hơn”.

< Ở xứ khô nóng này, lấy nước cũng là một kỹ năng sinh tồn.

Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái hồn nhiên tắm gội dưới suối giữa trưa hè nắng gắt hay lúc chiều muộn. Đi dọc sông Ba sẽ dễ dàng bắt gặp những khoảnh khắc cực đẹp cho ống kính: đứa trẻ đen nhẻm, miệng cười đùa để hở hàm răng trắng muốt vừa tắm mát, vừa cưỡi bò qua sông để trở về nhà.

Và đặc sản “độc”


< Cưỡi bò qua sông để về nhà.

Nói đến Krông Pa không thể không nói đến đặc sản thịt bò một nắng. Nghe đâu đàn bò ở đây hiện được coi là lớn nhất tỉnh Gia Lai. Thương lái các nơi đổ về đây cũng vì chất lượng thịt tuyệt vời của bò Krông Pa. Nghề chăn thả bò ở Krông Pa cũng khác, bò không phải xỏ mũi, cột dây hay đeo lục lạc vào cổ như ở đồng bằng Bắc bộ mà chăn thả thành từng đàn, được tự do tìm bãi.

Có lẽ chính vì phải đương đầu với cái nắng cháy da cháy thịt, lại được mặc sức chạy nhảy trên thảo nguyên và nhờ dòng nước sông Ba ngọt ngào mà miếng thịt bò một nắng ở đây có vị dai ngọt, đậm đà khác biệt.


< Hòa nhịp trong vũ điệu Tây nguyên.

Bò một nắng xuất thân là món ăn của người Jrai. Khi vào lễ hội, người dân mổ bò ăn mừng, thịt không dùng hết được phơi hoặc sấy khô để ăn dần. Cũng giản dị, chân chất như người Jrai, món bò một nắng vốn được chế biến không hề cầu kỳ nhưng nay đã trở thành đặc sản làm quà cho du khách phương xa.

Ông Nguyễn Văn Mười, chủ một cơ sở chuyên bán thịt bò một nắng ở thị trấn Phú Túc, chia sẻ: “Phải làm từ thịt đùi con bò tơ, không non cũng không già. Thịt được tẩm ướp gia vị rồi phơi nắng từ 5-6 tiếng đồng hồ sao cho miếng thịt đều hai mặt và bên trong còn tươi”.
Thưởng thức bò một nắng phải ăn với muối kiến vàng, thức chấm đặc biệt của người Jrai mới gọi là ngon.

< Cá chốt nướng.

Món cá chốt sông Ba nướng cũng là một đặc sản. Thịt cá chốt ở đây chắc, dai. Dưới chân đèo Tô Na, ngồi trong lều tranh nhỏ nhìn ra dòng sông Ba chảy xiết, nhấm nháp vị cay ngọt, đậm đà của muối kiến vàng với thịt cá chốt nướng béo ngậy, thêm một ché rượu cần sẽ thật sự là một trải nghiệm mang hơi thở Tây nguyên khó quên với lữ khách phương xa.
Xem thêm >

Theo Tiến Thảnh (Tuổi Trẻ Chủ Nhật)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét