(Tiếp theo) - Sáng ngày thứ 3 của chuỗi ngày dừng chân tại Suối Nước, bọn mình chuẩn bị rời nơi đây sau khi đã 'vơ vét' được một số hải sản của nơi này. Chỗ sứa cắn chỉ còn là những vết đỏ nhạt khiến ta chủ quan, khi về đến nhà mới thấy nó 'bành trướng' ra thế nào.
Đường về bình thường thôi, cũng chỉ là đoạn ven biển thường đi. Vậy nhưng chính do đi con đường tránh QL1A này mà bọn mình được thấy mũi Kê Gà ở một hướng khác - một bãi đá đẹp đến mê hoặc lòng người, nhưng đó sẽ là hồi sau.
< Ba ông 'tiếp tân' của Biển Đông trầm ngâm trước resort: chắc buồn vì bọn mình chuẩn bị từ giã.
Giờ đây, về bằng con đường ven biển bắt buột phải qua Tiến Thành. Địa phương mang tên gọi này ra sao... trước nay Dulichgo chưa đề cập đến chi tiết nên lần ni mình xin có bài biết về vùng ven biển này nhé.
< Về nhưng không có gì hấp tấp cả, điểm tâm - cà phê sáng cũng chả mất bao thời gian. Vậy nên bọn mình ra Mũi Né trong ánh bình minh rực đỏ.
< Mùa vắng, cũng chả phải cuối tuần nên vùng đất biển này thầm lặng, ít người. Vậy nhưng bọn mình thích thế: vắng thì giá mọi thứ cũng sẽ mềm mại hơn, lại ít xô bồ.
< Thủ tục cuối cùng là 'thẩy xu': 3 ngày vô cùng thoải mái chỉ mất 450k tiền phòng. Đừng quên lấy CMND lại nhé, hẹn ngày tái ngộ.
Biển Tiến Thành thuộc xã Tiến Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có hàng chục cây số bờ biển chạy dài dọc theo con đường ven biển rất đẹp, xen lẫn vài làng chài. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn nằm cách thành phố Phan Thiết chừng 10 km về phía Nam, kéo dài đến tận mũi Kê Gà. Nơi đó dành cho những người yêu thích cuộc sống đời thường của làng biển, yêu thích thiên nhiên mênh mông của biển cả.
< Trên đồi cát cũng có một nhóm khách. Buổi sớm tinh sương, nếu có mặt ở đây sẽ là điều tuyệt vời đó bạn! Còn giờ này thì nắng đã lên cao...
< Con đường TL716 rộng thênh thang như cao tốc. Buổi tối, nếu bạn không 'nhát ma' thì vứt xe và bách bộ ở đây rất mát. Đoạn nên lang thang ở ven các đồi cát hoang.
Ở Tiến Thành còn nguyên nét hoang sơ của một vùng biển Nam Trung bộ. Bãi cát trắng chạy dài hàng cây số. Đã có nhiều resort cao cấp mọc lên dọc theo bờ biển này nhưng vẫn còn chỗ cho những người yêu thích thiên nhiên.
< Nhoáng cái là về Phan Thiết, vùng kinh đô cử thương hiệu nước mắm cùng tên. Ghé chợ Phan Thiết mua mắm cá cơm nhưng nơi này cũng đã dời đi để xây chợ mới: sẽ mất 2 năm đấy bạn.
< Đến nhánh rẽ vào Tiến Thành, con đường ven biển. Đây chính là con đường TL719 từ Tiến Lợi đi Tiến Thành, Kê Gà rồi nối vào TL709.
Muốn vào đường này, đơn giản nhất là hỏi đường đi Đồi Sứ. Còn muốn tự đi thì cứ theo Trần Qúy Cáp > Trước khi qua cầu Ông Nhiễu thì rẽ trái vào con đường mới mở để gặp TL719 - từ đây hướng về Tiến Thành.
< Đường vắng, 2 làn nhưng cũng có CSGT đấy bạn nhé - tỉnh lộ chỉ giới hạn tốt độ 40km/h thôi đấy.
Vậy nhưng nói chung, nếu bạn không vi phạm luật giao thông thì cũng không cần ngán ngại gì cả.
Người ta phân biệt hai khu ở đây: một là khu nhà giàu với những resort đầy đủ những tiện nghi mà khách phải trả giá cao để thụ hưởng, như: Sanhill beach resort & Spa, Green Papaya Organic Villgage, Golden Coast resort & spa, Saigon Suối Nhum resort...; hai là khu vực của những bãi biển hoang sơ, làng chài.
< Cua ngoặc trong ảnh chính là ở vị trí này đây, ta đã sắp giáp giới với biển.
Phía trái ngay cua này có một cảnh quan đẹp với một vùng trũng đất đỏ, nơi này có:
- Mạch nước từ đồi cát chảy ra biển, cảnh rất đẹp.
- Nằm gần đường ĐT 719 nên thuận lợi quan sát.
- Địa điểm tổ chức du lịch dã ngoại lý tưởng (cảnh vật xanh tươi, gió mát).
< Và đây là khoảng đường ven biển Tiến Thành với phần cuối là cua quẹo gắt: giảm tốc chứ không là tắm biển sớm đó nhé.
< Tiến Thành ngay nay có khá nhiều resort, nhà nghỉ: những chỗ này cát cứ ngay trên bãi biển.
Dù vùng này hiện đang được khai thác du lịch, xây dựng những khu nghỉ dưỡng hiện đại và tiện nghi nhưng các công trình được xây dựng hài hòa với tự nhiên. Không có những công trình cao tầng. Những mảng xanh vẫn hiện diện, che lấp những khối bê tông thô cứng giúp du khách có cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Biển rất trong lành và an toàn: cát trắng mịn màng, bãi biển thoai thoải, không có vùng xoáy.
< Có lẽ, Tiến Thành cũng là một trong số những địa điểm du lịch biển thay đổi thần kỳ trong một thời gian ngắn.
< Biển Tiến Thành là chốn du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng tuyệt vời đó bạn. Không tin, bạn hãy thử một lần xem?
Đây là một không gian lãng mạn. Dọc bờ biển, du khách có thể đi bộ hàng cây số mà không gặp trở ngại nào. Thỉnh thoảng, dọc bờ biển xuất hiện những bãi đá với những hình thù lạ mắt, trông như những chú hải cẩu, cá sấu khổng lồ đang phơi nắng. Tại những hốc đá, du khách có thể bắt được nhiều loài cua, ốc hay nhặt những viên đá cuội, sao biển về làm kỷ niệm. Những bờ đá này còn là nơi thả câu lý tưởng cho những người yêu thích câu cá.
< Tự điển định nghĩa rằng Tiến Thành là một xã thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.
Xã có diện tích 52,24 km², mật độ dân cư đạt khoảng 107 người/km². Ngày xưa, nhà cửa thưa thớt, không như bây giờ. Xóm này cách xóm kia rất xa và mỗi xóm chỉ có vài chục gia đình. Cuộc sống của họ gần như là tự cung tự cấp, ít lệ thuộc vào bên ngoài. Để đảm bảo cuộc sống, người dân Tiến Thành ngày xưa làm cả hai nghề nông và biển.
< Bây giờ thì khác hẳn rồi, người ta đã biết làm du lịch - nền kỹ nghệ không khói. Có điện, có đường, có trường học… đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Ảnh bên là chợ Tiến Thành đấy.
< Chạy ngang một khu dân cư, hoa giấy phủ đầy.
Du khách có thể phóng tầm mắt ra xa đến ngút ngàn. Tuyệt vời nhất là từ nơi này mặt trời mọc rất sớm. Du khách nghỉ đêm ở nơi này đều thức dậy từ trước 5 giờ sáng để ngắm bình minh. Một ngày bắt đầu lúc mặt trời nhô lên từ mặt biển và kết thúc khi mặt trời khuất dạng sau đồi cát màu vàng cam ở phía Tây.
< Một đoạn mà bãi biển lộ ra ven đường. Nơi này sắp đến Suối Nhum, đây là tên con suối bắt nguồn từ rừng núi chạy ngang qua xã Thuận Qúy rồi đổ ra biển.
< Trải bạt ra đây nằm đánh một giấc thì tuyệt do chốn ni có nhiều bóng cây.
Rất nhiều người đến với Tiến Thành để trải nghiệm cuộc sống dân dã của cư dân vạn chài. Tại làng chài, ban ngày, du khách có thể cùng ngư dân đánh bắt, câu cá. Người dân bản địa vốn hiền hòa và thân thiện. Khách không khó để tìm chỗ tá túc, gởi hành lý...
< Biển xanh ngắt nhưng chỉ dừng tại đây uống nước rồi đi. Chốn này bọn mình đã ghé đôi lần rồi.
Khách có thể cắm trại ngay tại bãi biển trước làng chài hoặc tại những khu vực lân cận. Hải sản luôn tươi, giá cả rẻ hơn so với giá bán tại chợ. Khách có thể nhờ người dân địa phương ướp hải sản và thuê hoặc mượn những dụng cụ cần thiết để nấu nướng ngay trên bãi biển.
< Gần đó có nhánh rẽ ra QL1, còn nếu chạy thẳng sẽ về Lagi... nhưng trước tiên sẽ qua Kê Gà.
< Mình đây, ngồi dưới bóng cây mát rượi và phì phèo nhả khói.
Ban đêm, dưới ánh sáng vằng vặc của trăng, ánh lửa bập bùng và tiếng sóng vỗ về, từng cơn gió thốc từ biển mang vị mặn và tanh tanh của biển làm mát lòng du khách.
< Đường ven biển từ Cà Ná về đến Kê Gà có 2 đoạn hao hao giống nhau: cũng ven bãi biển, cũng có nhiều resort nhà nghỉ chen cây xanh mát rượi: đó là vùng biển xã Bình Thạnh (mình đã đề cập) và Tiến Thành - Suối Nhum.
< Chỉ còn 3km nữa thôi là đến Kê Gà. Kê Gà nếu không tìm thấy điều gì khác lạ thì chắc chắn là bọn mình sẽ không ghé do đã đến nhiều lần rồi.
Cắm trại trên bãi biển, khách có thể vui chơi, hò hát thâu đêm mà không sợ phiền ai. Một chuyến đến Tiến Thành là một trải nghiệm với cuộc sống dân dã của cư dân chài. Để rồi, sau đó khách phải quay trở lại không chỉ bởi biển đẹp, thiên nhiên hoang dã mà còn bởi tình người của những ngư dân mộc mạc, chân chất.
< Rock Water Bay resort, một địa điểm có những bãi đá kề cận biển với hình dáng lạ kỳ.
Vậy nhưng nếu chạy qua khỏi nơi này, vẫn có bãi đá 'nghiêng về một hướng' mà có lần bọn mình đã ghé.
< Nhiều resort bỏ hoang, đầu tư dang dở do vụ dự án cảng biển Kê Gà.
Việc lúc cho làm du lịch, lúc lại cảng biển này khiến hàng chục nhà đầu tư du lịch mấp mé bờ vực phá sản khi vốn đầu tư của họ vào các dự án du lịch quá lớn (gần 1.000 tỉ đồng), chưa kịp đưa vào hoạt động. Giờ đây, thủ tướng đã chính thức tuyên bố “ngừng xây dựng cảng nước sâu Kê Gà”, do phương án xây dựng cảng “không mang lại hiệu quả” - không biết Bình Thuận sẽ phải xử lý ra sao.
< Hải đăng Kê Gà đã thấp thoáng trước mắt sau khi mình vượt 'bãi đá nghiêng'. Có thứ gì khác để tham quan không?
Hiện biển Tiến Thành đã có khu du lịch rộng 1 ha mang tên Hòn Giồ trên một ngọn đồi nhô ra biển. Hòn Giồ có một nhà hát trên 400 chỗ ngồi, là nơi tổ chức những buổi hội nghị, giao lưu, sinh hoạt của các đoàn khách. Phía sau là nhà hàng được thiết kế cao ráo, thoáng đãng, nơi có thể quan sát toàn cảnh khu du lịch.
< Lăm le nhìn về hướng trái, chưa đến các quán Trọng Tâm và Cây Dừa thì mình thấy con đường rải đá khá rộng, vậy là rẽ xe vào. Từ cuối đường nhìn ra thì đường nó thế này.
Nhìn thẳng ra biển và sân vườn là các nhà gỗ sơn màu xanh nước biển. Đối diện khu du lịch còn có 6 ha rừng sinh thái. Cạnh đó, đồng cỏ thảo nguyên rộng 18 ha sẽ là nơi sinh hoạt dã ngoại lửa trại và dành cho những ai thích cưỡi ngựa, thả diều...
< ... còn phía ngoài là biển với song vỗ bờ.
Biển Tiến Thành được quy hoạch là cụm du lịch phía Nam Phan Thiết với tuyến đường ven biển chạy sang bãi đá Thuận Quý, mũi điện Kê-Gà, dinh Thầy Thím và nối quốc lộ 55 chạy dọc sang Bình Châu - Xuyên Mộc.
< Còn hướng chính Nam là bãi đá. Hải đăng đâu rồi cà?
Trên bãi có căn chòi lá khá rộng, mình chạy xe vào đó tránh nắng. Trên đường cũng có chiếc xe 4 bánh đậu chờ với tài xế nằm xoải trong chòi. 'Anh chờ khách à?', anh ta gật đầu.
Vậy là bọn mình bỏ xe tại đó rồi bước về phía bãi đá. Nhìn anh thấy vậy nhưng những tảng đá to lắm đấy, cảnh quan tường tận nơi này bạn sẽ xem tiếp trong phần sau nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét