(VTC News) - Tử thi được quấn kín bằng vải, chỉ hở khuôn mặt và ngón tay, ngón chân, đặt nằm ngửa trên tấm gỗ, treo lơ lửng trên tường, ngay dưới bàn thờ. Cuộc sống của họ cổ sơ, còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó, tục cúng ma tiễn người về trời khiến người chưa một lần chứng kiến phải rùng mình sợ hãi.
Bản Lũng Khoai A (Suối Tọ, Phù Yên, Sơn La) hiện ra trong mây mù, với những ngôi nhà làm bằng gỗ pơ-mu. Từ cột, kèo, cửa, đến mái cũng lợp bằng gỗ bằng pơ-mu, đã lên màu đen bóng. Tôi và Sùng A Lừ (Chủ tịch xã Suối Tọ) đang trò chuyện rôm rả thì nghe văng vẳng từ phía sườn núi bên kia tiếng khóc than ai oán lẫn với tiếng chiêng, tiếng trống. Sùng A Lừ bảo phải sắm sửa quần áo để chuẩn bị đi làm lễ tiễn ma về trời cho bà Mùa Thị Mỵ.
Trong ngôi nhà xập xệ, chênh vênh trên vách núi khói hương bốc lên nghi ngút, người già, trẻ con ngồi lố nhố tràn ra cả hiên. Được anh Lừ giới thiệu là nhà báo, con cháu bà Mỵ chạy ra bắt tay rất... vui vẻ!
Phó chủ tịch Lừ nói một hồi bằng tiếng Mông, yêu cầu mọi người khóc để tôi chụp ảnh. Người con cả của bà Le chỉ đạo mọi người, lập tức kèn trống nổi lên, chiêng gõ liên hồi, một thanh niên ôm chiếc khèn rất lớn gắng sức thổi và nhảy lò cò quanh nhà như dẫm phải than bỏng.
Kèn trống vừa dứt thì mấy cậu con trai, con gái, con dâu, con rể lao vào ôm mẹ khóc lóc thảm thiết. Tử thi được quấn kín bằng vải, chỉ hở khuôn mặt và ngón tay, ngón chân, đặt nằm ngửa trên tấm gỗ, treo lơ lửng trên tường, ngay dưới bàn thờ.
< Xác chết bà Mỵ được treo lên vách nhà.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Sồng A Khư, hiện đã 90 tuổi, được đồng bào sống quanh ngọn núi Pay Trò coi là cuốn sách sống về phong tục tập quán của người Mông. Cụ là thầy cúng và vẫn hút thuốc phiện đen đều đều. Cụ kể rằng, người Mông quan niệm con người gồm phần hồn và phần xác. Nhưng người Mông không quan tâm nhiều đến phần xác. Họ cho rằng, con người sinh ra trên cõi trần, chỉ cần nhìn thấy mặt trời ba lần cũng là một kiếp người rồi.
Người Mông đặc biệt quan tâm đến phần hồn. Họ cho rằng con người có 3 linh hồn, gồm linh hồn ở phần đầu, linh hồn ở phần ngực và linh hồn ở phần rốn. Khi con người chết đi, linh hồn ở đỉnh đầu sẽ bay lên tầng cao nhất của Trời, đó là tầng của tổ tiên, trên đó có cuộc sống đầy đủ như ở trần gian.
< Cụ Sồng A Khư là thầy cúng nên hiểu rất rõ tục cúng ma của người Mông.
Linh hồn vùng ngực sẽ bay lên tầng Ngọc Hoàng và đầu thai vào kiếp khác. Nếu người sống có lương tâm thì đầu thai vào kiếp người, sống ác thì đầu thai vào kiếp con vật. Còn linh hồn ở phần rốn thì ở lại canh mộ và thường xuyên quấy nhiễu cuộc sống con người.
Xuất phát từ quan niệm có 3 thế giới linh hồn mà trong tang lễ của người Mông có rất nhiều nghi lễ phức tạp, diễn ra trong nhiều ngày. Trước tiên, khi trong nhà có người chết, gia chủ làm lễ báo tin cho xóm giềng xung quanh bằng 9 phát súng, 3 hồi tù và. Sau đó, mỗi ngày, cứ đến bữa ăn, trưởng họ đều bắn 3 phát súng kíp để đuổi tà ma.
Người chết có bao nhiêu con cái thì phải mặc bấy nhiêu bộ quần áo, thể hiện sự hiếu thảo của con cái. Bên ngoài được quấn bằng bộ quần áo truyền thống, vải lanh đen. Bất kể người chết là đàn ông hay đàn bà đều quấn 3 dải vải màu xanh, đỏ, vàng, chân đi tất, quấn xà cạp, là trang phục của phụ nữ.
< Thổi khèn nhảy múa trong lễ cúng ma.
Đời trước truyền lại rằng, tục này có liên quan đến một câu chuyện xa xưa. Người Mông bị giặc Hán ở phương Bắc đánh đuổi, bao nhiêu đàn ông đều bị giết hết. Để bảo tồn nòi giống, đàn ông đều ăn mặc quần áo đàn bà trong quá trình chạy trốn.
Có lẽ, câu chuyện lịch sử đau thương đó vẫn còn tiềm ẩn trong ký ức người Mông và họ cho người chết mặc quần áo phụ nữ cũng là tránh không để giặc Hán bắt hồn đi. Người chết một ngày sau được Dở mổ (thầy cúng lễ chỉ đường) làm lễ cúng ma tươi. Trong không khí lặng ngắt như tờ, ông thầy cúng sau khi múa một bài thì ngồi xuống nền nhà, cạnh xác chết đọc bài khúa khê (chỉ đường) cho hồn người chết về với tổ tiên.
Bài khúa khê có đoạn như sau: "Mình chết thật hay mình chết giả. Mình chết giả thì mình dậy đi. Lúc này người và vũ trụ u buồn lạnh ngắt. Mình chết thật thì quay mặt lại. Lắng tai nghe Dở mổ ta hát ba mươi sáu bài. Chỉ đường, chỉ lối cho biết đường về cùng tổ tiên". Ngoài lễ cúng của Dở mổ, còn có lễ thổi khèn, đánh trống, chiêng. Đội khèn trống làm lễ vài lần trong ngày và kéo dài trong suốt quá trình Dở mổ làm lễ ma tươi.
Tiếng khèn có nội dung là lời của hồn người chết chào từ biệt mọi người để về với thế giới tổ tiên. Tùy vào vị trí người chết trong dòng họ mà nội dung bài khèn khác nhau. Bài khèn của bà Mỵ được già bản Sồng A Khư dịch một đoạn như sau: "Mẹ chết. Mẹ thoát khỏi con đường đau khổ nơi trần gian đất đỏ. Mẹ trối trăng. Mẹ thương các con ở lại khổ thật khổ. Mẹ thương các con không lấy nổi chồng, nổi vợ, không nuôi nổi nhau...".
Sau bài khèn thì diễn ra lễ đuổi tà ma. Nếu nam chết thì có 9 người, nữ chết thì có 7 người cầm gậy, dao chạy quanh người chết để đuổi tà ma, không cho tà ma bắt linh hồn người chết đi. Tiếp đó là dằng dặc vài ngày, cứ đến giờ cúng là Dở mổ lại đọc bài chỉ đường. Nội dung của bài chỉ đường kể về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người, các dòng họ, cách thức sinh ra cây cỏ, chim muông, chặng đường đi về với tổ tiên qua bao nhiêu khó khăn, gặp bao nhiêu thú độc...
Theo cụ Khư, cách đây mấy chục năm, có nhà giàu ở Tà Xùa (Bắc Yên) còn mổ tới 15 con trâu để "chiêu đãi" cả mấy bản quanh đó trong suốt 15 ngày diễn ra lễ tang ma. Điều đó có nghĩa là, xưa kia, người Mông để xác người chết trong nhà suốt 15 ngày mới chôn.
Theo VTC New
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét