Nằm trên bãi bồi giữa cửa biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, miếu Bà Chúa Ngọc (còn được gọi miếu Bà Chúa sông Cu Đê) đã có hàng trăm năm tuổi và gắn liền với lịch sử của vùng đất nơi đây.
Đây là gò đất “nhất thiên” nằm giữa lòng sông Cu Đê nơi ngôi miếu cổ thờ Bà Chúa Ngọc mang trên mình nhiều câu chuyện huyền bí.
Hình thành và tồn tại hơn 400 năm trên gò đất bồi giữa lòng sông Cu Đê miếu Bà trở thành nơi được người dân không những làng Thủy Tú mà cả người dân khắp vùng tôn kính. Tại sao miếu Bà Chúa Ngọc lại được xây dựng trên chính gò đất giữa lòng sông Cu Đê đến nay vẫn không ai biết rõ.
Bí ẩn ngôi miếu cổ
Cụ Trần Út (89 tuổi) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được các vị cao niên trong thôn kể về ngôi miếu này, theo như những gì các bậc cao tuổi kể thì ngôi miếu này được xây dựng từ thời Chăm Pa có niên đại hơn 400 năm”. Như lời cụ Út thì xưa kia gò đất nơi có ngôi miếu thờ bà Chúa sông Cu Đê chỉ là một hòn đá nổi lên giữa lòng sông do bão lớn. Theo thời gian lũ từ thượng nguồn sông Cu Đê kéo theo đất đá mà hình thành nên gò đất như ngày nay.
Trước kia làng chài Thủy Tú chủ yếu sống dọc bên bờ nam của con sông Cu Đê hung dữ bằng nghề chài lưới và chăn nuôi trâu, bò. Cuộc sống càng trở nên khó khăn, vất vả bắt buộc người dân phải tìm nơi trồng lúa và chăn nuôi gia súc mới. Gò đất nổi lên giữa sông như chiếc phao cứu sinh càng tiếp thêm sức mạnh cho những người muốn vượt sông sang bên bờ bắc để khai phá đất trồng và chăn thả gia súc. Nhưng kỳ lạ là từ khi gò đất hình thành người dân và gia súc đi qua đoạn sông này chết do đuối nước ngày càng nhiều hơn".
Sự hình thành của ngôi miếu đến nay dù không ai biết rõ nhưng trong tâm tưởng người dân vùng đất sông nước nơi đây ngôi miếu Bà hình thành ẩn chứa những câu chuyện huyền bí. Ông Út kể tiếp: “Được tin nhiều người cùng bầy gia súc chết do đuối nước, người dân làng Thủy Tú hết sức hoang mang và không dám vượt sông.
Thế rồi, một người phụ nữ trong làng bỗng dưng “lên đồng” nói rằng người dân làng Thủy Tú “phải” xây dựng một ngôi miếu thờ Bà thì mới được bình an vô sự. Vậy là ngôi miếu được hình thành từ đó”. Sau một hồi lâu trầm ngâm ông Út nói tiếp: “Sau khi ngôi miếu được xây dựng thì dân làng Thủy Tú - Nam Ô không còn chết do đuối nước nữa, cuộc sống trở nên bình an, vô sự, làng chài từ đó mà phát triển”.
Đi tìm sự thật
Để tìm sự thật cho những câu chuyện ly kỳ đó, chúng tôi tìm đến nhà cụ Lê Lục, người được dân Thủy Tú kính trọng và hằng suy tôn như một cuốn lịch sử của làng. Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng khi chúng tôi hỏi về ngôi miếu cổ thờ bà Chúa sông Cu Đê thì ánh mắt cụ ngời lên tỏ vẻ tinh anh.
Đôi bàn tay run run lật tìm những trang sách chữ Hán viết về điển tích bà Chúa Ngọc, rồi cụ Lục cho chúng tôi biết: “Từ thời Chăm Pa đang còn sinh sống trên vùng đất này, bà Chúa Ngọc được gọi là Po Yan Inư Nagar (thường gọi là Po Nagar) là thần Mẹ xứ sở. Bà là người tạo dựng nên vương quốc, người đã giáng sinh giữa mây trời và bọt biển.
Bà có 97 chồng, sinh được 38 người con. Bà là người tạo ra muôn loài trên trái đất, bà còn là người tạo ra cây trầm hương và sản sinh nghề trồng lúa nước ngày nay. Không những vậy, bà chính là người mang mưa thuận gió hòa cho mùa màng, thuận lợi cho xứ chài Thủy Tú đánh bắt cá trên vùng hạ lưu sông Cu Đê. Người Chăm cho rằng Po Yan Inư Nagar chính là nữ thần Uma, vợ hay thần nữ của thần Siva, còn có tên là thần Bhagavati”.
Cụ Lục cho chúng tôi biết thêm: “Cách đây hơn 400 năm người dân xứ Thủy Tú (làng Thủy Tú - Nam Ô ngày nay) rất nghèo khổ, cuộc sống chủ yếu bằng nghề chài lưới bên con sông Cu Đê hung dữ vì vậy hàng năm có rất nhiều người chết do nước lũ làm lật thuyền. Sau khi được bà “hiện linh chỉ bảo” người dân nơi đây đã cùng nhau quyên góp tre, nứa mà xây dựng nên ngôi miếu thờ bà trên chính gò đất giữa lòng sông này ”.
Lúc đầu ngôi miếu được xây dựng chủ yếu bằng tre nứa, lưng miếu tựa vào thượng nguồn sông Cu Đê, mặt miếu hướng ra cửa biển Nam Ô.
Khi thấy chúng tôi thắc mắc về hướng của ngôi miếu thì cụ Lục liền giải thích: “Sở dĩ ngôi miếu có hướng như vậy vì theo truyền thuyết của người Chăm, bà Chúa Ngọc là vị thần được sinh ra từ thân cây trầm hương, người xuôi từ sông ra biển để đi khắp muôn phương. Do đó hướng của miếu được xây như vậy nhằm mục đích nhắc nhở thế hệ sau này nhớ về nguồn gốc và công ơn của bà Chúa nước. Ngoài ra, cách xây dựng của ngôi miếu còn thể hiện tâm đức của người dân làng chài. Mong sự che chở của bà để tránh sự tàn phá của thiên nhiên, cầu mong sự bình an, mùa vụ tốt tươi”.
Đến thời vua Gia Long, ngôi miếu được dựng lại bằng gạch theo lối kiến trúc vòm cuốn. Mái miếu được tạo thành bởi 3 tầng, kiểu mái cong, các đầu đao vút lên, lợp ngói liệt, có đường cổ diêm giả. Và sắc thượng phong cho miếu bà là "Hồng Nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng thần".
Trải qua thời gian, ngôi miếu cũ đã xuống cấp trầm trọng nên năm 1980 được sự quyên góp của dân làng Thủy Tú ngôi miếu đã được tu sửa lại và xây dựng bằng vôi vữa nhưng vẫn giữ lối kiến trúc mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVI- XVII). Đặc biệt trên nóc miếu và các cột đá được gắn các họa tiết hoa văn với cặp rồng đá độc đáo. Trên tường của miếu được khắc chữ Hán cổ với nhiều hình thù động vật kỳ dị.
Là một ngôi miếu nằm trên gò đất đá nhỏ nổi lên giữa lòng sông Cu Đê, miếu Bà Chúa Ngọc không những là một di tích lịch sử mà nó còn thể hiện cho sự giao lưu văn hóa giữa người Chăm với người Việt.
Không những mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà miếu Bà Chúa sông Cu Đê còn là một chứng tích lịch sử hào hùng của người dân nơi đây trong phòng trào kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Là bộ đội chiến đấu trên vùng cửa biển này nhiều năm, cụ Lục nói thêm: “Thời kháng chiến chống Mỹ, miếu Bà không những là nơi người dân làng Thủy Tú che giấu bộ đội mà đây còn là nơi tập kết vũ khí, đạn dược và lương thực đưa vào chiến trường miền Nam. Điều kỳ lạ là có hàng nghìn bộ đội, dân quân tải gạo và đạn dược bơi qua lại nơi đây nhưng chưa bao giờ có một ai bị đuối nước chết. Mỹ nhiều lần dùng máy bay ném bom đánh phá nơi này nhưng chưa một quả bom nào rơi trúng ngôi miếu dù tất cả cây cối trên gò đều bị bom đánh gãy đổ hết”.
Cùng với thời gian, hình ảnh về một bà “Chúa nước” mang phép thuật vô hình với lòng thương dân sâu sắc đã ăn sâu vào tâm trí không riêng cụ Lục mà còn ăn sâu vào nhiều thế hệ người dân làng vạn chài nơi đây.
Theo thông lệ cứ vào ngày 20.6 (âm lịch) và dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người dân làng Thủy Tú cùng hàng trăm khách thập phương khắp nơi lại mang lễ vật về đây để tưởng nhớ, kính ơn công đức của vị thần thánh Mẫu.
Bà Chúa Ngọc hay bà Thiên Y ana Ngọc diễn phi là tên gọi được người Việt tôn xưng từ một vị nữ thần của người Chăm: thần mẹ xứ sở - mẫu đất - Po yan Ynư Nagar.
Ở những làng xã nông nghiệp miền trung nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng thì đa số các tỉnh đều thờ vị thần này với tên gọi là miếu Bà Chúa Ngọc. Những ngôi miếu này thường được người Việt xây bên trên các phế tích đền tháp Chăm, những dấu tích liên quan đến văn hóa Chăm hoặc những khu vực được coi là linh thiêng của các làng. Phần lớn những ngôi miếu được gọi tên là miếu Bà hay Chủ Ngọc miếu nhưng ở Đà Nẵng ngoài hai tên gọi đó thì miếu Bà còn được gọi với tên khác là miếu Bà Chúa sông Cu Đê. Còn ở những nơi có phế tích đền tháp hoặc có những dấu tích văn hóa Chăm được gọi tên là lùm giàng, lòi giàng, cồn giàng...
Theo Hoàng Huy (Dân Việt)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét