(Tiếp theo) - Như mình đã đề cập ở phần trước: Khu vực Suối Nước là một quần thể khu du lịch dã ngoại thuộc Mũi Né - Hòn Rơm. Lãnh địa Suối Nước kéo dài từ bãi đá Hòn Rơm (phía Bắc Hòn Rơm) đến khi con đường TL716 chạy sát kề cận với bãi biển thì hết... đất (nhưng vẫn còn bãi biển).
Khu vực này ngoài một khu dân cư nhỏ đã có từ xưa (chính vì vậy mà có bến xe buýt) còn có rất nhiều KDL, khách sạn, nhà nghỉ, resort - một số hoàn thành và đi vào hoạt động từ lâu nhưng có một số dang dở, bỏ hoang.
< Buổi sáng sớm, trước bungalow.
Những nhà nghỉ, resort tại đây một số cũng từng có một thời kỳ huy hoàng sau khi được người ta xây dựng và trang bị khá hiện đại trên một vùng biển hoang hóa.
Vậy nhưng có lẽ do suy thoái toàn cầu, do cung vượt quá cầu nên sự phát triển dần lụi tàn. Hàm Tiến vẫn còn khách lai rai trong cả mùa vắng, Hòn Rơm cũng vậy nhưng khó khăn hơn, còn Suối Nước: do xa hơn nữa nên ảnh hưởng khá nặng nề - hiu quạnh mùa vắng là điều hiển nhiên.
< Đoạn đường đầu khu Suối Nước, gần chỗ rẽ vào đường mòn vô bãi đá Hòn Rơm.
Suốt con đường chạy dọc theo biển Suối nước, resort nhà nghỉ nhiều vô kể - Cái này kề cận cái kia và mỗi chỗ mỗi vẻ khác nhau. Một số đóng kín cửa, không bóng người. Số khác thì trước cổng có bản ghi nguệch ngoạc dòng chữ: 'Khách đến gọi cho số sau: 090...' - tức là muốn thuê phòng thì xin gọi, sẽ có người đến giao phòng. Phần còn lại, ví dụ như Biển Đông nơi mình đang ở thì có chủ và họ gắng cầm cự trong mùa vắng để chờ mùa lễ tết, mùa hè.
< Biển Suối Nước trước lúc mặt trời lên. May mắn, những ngày mình ở đây rất hiếm con mù mắt.
Vậy nhưng Biển Đông resort cũng từng có thời khắc huy hoàng đấy: Theo mình biết, hồi mới khai trương, trên một mảnh đất ven bãi biển dài 200m x 140m, người ta đã xây 12 bungalow, 20 phòng deluxe villa, 5 căn familly house, 2 phòng tập thể có thể đón cùng lúc hàng trăm khách...
< Hai khách quen của bà chủ resort, đến tối hôm trước và sáng lên thì đi...
Không người, những ngày sau chỉ có ta và ta làm chủ cả một bãi biển.
... Các phòng đều xây theo phong cách thân thiện với môi trường, dân giã nhưng vẫn trang bị đầy đủ tiện nghi buộc phải có. Và, thuở ấy (5 năm trước) người ta cũng tính tiền bằng đô la mà bét nhất phải chi 10$ cho phòng tập thể, còn cao nhất là 100$.
< Bình minh ở biển Suối Nước.
Qua thời vàng son, bọn mình ghé vào và chi trả 150k cho bất kỳ căn nào mình chọn cho dù khi trước nó là thứ deluxe ngày xưa. Dĩ nhiên, khi một thời đã qua và giá đã 'sụt lún' thì ta không thể đòi hỏi là sao vòi sen này phun không đều, sao tủ lạnh kia hư rồi, sao wifi không có... v.v... do chung quy: giá khá bèo mà!
< Chái nhà hàng trong nắng mai.
Căn bungalow bọn mình ở có cửa chính - cửa sổ nhìn ra biển. Vách hai bên cũng có cửa kính che rèm. Phòng rộng rãi, toilet cũng mênh mông, có tủ chìm, có bàn ghế. Nhà tắm trang bị toàn đồ Inax nhưng do nước nhiễm phèn nên có vết ố vàng, trông thấy bẩn.
< Nghe nói có cà phê nên mình gọi ủng hộ một ly nhưng thường thôi, không ngon. Hôm sau sẽ ra cà phê Sương.
Giường nệm mền mùng thì tha hồ: những 2 giường đôi và 1 giường chiếc. Phòng có TV ê a, có máy lạnh chạy tốt, có tủ lạnh mini - nhìn kỹ thấy không xài được bao nhiêu nhưng bị hơi biển làm mục ruỗng viền cửa nên dù chạy vẫn có thể chạy nhưng không giữ được hơi. Thích xài thì tùy ta hoặc có thể đổi phòng khác.
< Chạy ra Mũi Né ăn sáng rồi rửa xe chỗ này, cả 2 trên đường Huỳnh Tấn Phát: xe dính đầy đất đỏ của Hòa Phú - Hòa Thắng, giá 15k - lên giá rồi (lần trước chỉ 10k)!
< Ghé chợ mua hải sản rồi về, hôm nay bã xã có dịp trổ tài trong bếp đây nhé.
Hơi muối của biển tàn phá dữ dội dãy bungalow sát biển - gió làm tung những hạt nước muối bay trong không khí vào tận bàn ghế trước hiên nhất là vào giấc chiều, vì vậy cũng không lạ khi những thứ có liên quan đến kim loại đều mục hết. Ấy là khi xây dựng, người ta đã chủ ý sử dụng gỗ để trang bị cho phòng rất nhiều rồi đấy.
< Mặt sau phòng tiếp tân, nhà hàng của resort Biển Đông.
< Cây cầu nhỏ ngăn cách khu đất phía ngoài và phía ven biển.
Cũng chính do hơi nước muối nhiều nên khi mang hành lý vào xong, chiều tối đó mình lại đem chiếc Win ra nhà tiếp tân để đậu. Tối, khi mình không còn đi thì có người sẽ dẫn vào kho và khóa cửa cho an toàn - nói chung thì chả phải lo nếu bạn không đi bằng SH. Mà SH đã sao: cứ chịu khó đem xe vào phòng: ta ngủ với hắn là chắc cú.
< Dòng nước phía dưới phủ đầy sen: vậy tức là nước ngọt nhé.
< Nửa kia tấn công vào bếp.
Chị chủ nói giọng Bắc nhưng là người Đà Nẵng. Kỳ lạ không: người xứ biển, lại là Đà Nẵng (thành phố đáng sống) nhưng thích vào Mũi Né - Bình Thuận để làm ăn! Khi ấy, bạn bè bảo chị hâm! Vậy nhưng hâm gì thì hâm, chị vẫn thuê đất để gầy dựng tạo nên nơi này, có lẽ với số vốn ban đầu rất lớn và hoàn thiện hợp đồng thuê đất 50 năm bằng cái resort!
< Hải sản mua được bữa đầu ở chợ tạm Mũi Né: mực sữa, tôm tích. Mua được cả 'phụ tùng' nấu lẩu.
< Còn mực mua bữa sau đây, những mấy rổ. Mực sữa còn sống, thân trong veo... giá chỉ 50k/kg. Uống xong cà phê mới đem về nên nó die hết, trở thành thế này đây!
< Trong lúc chờ nhà bếp 'hành sự' thì mình đi lang thang...
3 ngày bọn mình ở đây, đi loanh quanh chưa hết chỗ vì các ngõ ngoắc ngoéo, nó cũng quá rộng. Sự xuống cấp lộ rõ do một số căn mục nát hay hư hỏng nặng - không còn được tu bổ nên phải bỏ không. Vậy nhưng lang thang trong những căn nhà khá tang hoang này, ta cũng thấy rõ thời vàng son ngày ấy qua cách thiết kế, qua các món đồ gỗ còn lại đang phơi sương - tiếc thật!
< Khung cảnh nhà hàng, thuở huy hoàng chắc đông khách, nay chỉ ta làm khách.
< Từ đây nhìn ra cổng chính.
Do chợ Mũi Né giấc sáng có bán nhiều mực, lại rất tươi (nửa kia mê thứ này lắm, ở Sàigòn làm sao mà có được thứ mực sữa nho nhỏ và tươi ngon đến trong vắt này) nên hỏi chị chủ về chuyện 'mượn nhà bếp' - chị đồng ý ngay.
< Cổng chào resort Biển Đông thế này.
Vậy là suốt 2 buổi sáng, ngày nào bà xã mình cũng mua lỉnh kỉnh mực cùng các thứ hải sản về tự nấu. Rau, búng mua luôn ở chợ - còn gia vị muối mắm bếp ga xong chảo có sẳn trong nhà bếp. Tha hồ đung nấu, mỗi bữa chị tính 20k - Thật thỏa mãn cái sự 'thích nấu nướng' của nửa kia - vài bữa trước đã cày thì nay gọi là an dưỡng mà.
< Lang thang ở các phòng.
Do không có nguồn nước máy nên khu vực Suối Nước này xài toàn nước giếng - mỗi resort đều có giếng riêng, có hồ chứa, có máy bơm. Nước của giếng hơi có màu hơi vàng nhưng theo đường ống: càng vào sâu bên trong thì nước trong trẻo hơn, tới bungalow của mình thì gần như nước máy, không lạnh. Người ta vẫn xài vậy bao năm nay, chả ai 'quy tiên' vì nước nhiễm phèn nên không đáng ngại - nước uống ta cứ tợp bằng nước đóng chai.
< Rồi ngồi đốt thời gian với mấy cái game trên netbook, tai nghe sóng biển dạt dào. Tự dưng thấy thanh tịnh lạ lùng!
Máy nước nóng trong phòng mình không chạy nhưng cũng chả cần (thoạt đầu chị chủ khuyên lấy phòng phía ngoài mặt tiền - dạng deluxe này ít hư hỏng nhất, máy nước nóng ok). Mà ngộ, gió lộng: cứ ngỡ từ biển bước lên chắc lạnh lắm nhưng không, vào phòng tắm nước ngọt lại thấy ấm mới ngộ hè.
< Mặt hiên trước. Lúc này đã ngửi thấy mùi thơm của lẩu rồi.
Mát nên thường mình cũng chả cần chạy máy lạnh ngoài các buổi chính ngọ, ngủ trưa. Tối cũng cho chạy liu riu do mình đóng hết các cửa kính, khuya lạnh thì tắt.
< Ham ăn nên... quên chụp, vậy nên thế ảnh mực bóp thấu ngày hôm sau.
Dzô nào!
Nói chung, deluxe hay bungalow có vẻ hơi tàn một tý nhưng giá thía này thì không luyến tiếc gì - thậm chí còn hả hê như bọn mình đã ở luôn 3 bữa: khung cảnh tuyệt quá mà, ít khách càng thoải mái - một sự tự do hoàn hảo được mua với giá bình dân!
< Mình cắn mực thì sứa cắn mình: tên này đang phơi thây oằn oại trên bãi biển.
Lúc bọn mình đến chỉ 2 bungalow đang có khách, lại toàn khách Tây. Ông Hindu phòng ngoài cùng trông mặt dữ khiếp nhưng hóa ra cũng bình thường. Trông hay nhất là lúc ông này chấp tay, xá nhẹ để chào trả lễ lại bọn mình - cứ giống như cách chào hỏi ở Thái Lan. Ông này có cô Tây ở chung, trẻ và đẹp và thường có nụ cười trên môi.
< Sứa 'cắn' nửa kia thế này đây, ngay trong ngày thứ 3 bọn mình tắm biển. Trông nhẹ nhưng đừng tưởng bở...
Bữa tắm lần thứ 3, bà xã bị sứa độc cắn nên vội vàng chạy ra khu bếp lấy dấm thoa. Khi trở vào đây, cô Tây thấy bà xã chỉ vào tay, hiểu ngay và tức tốc chạy vào phòng lấy ra một chai thuốc gì đó thoa ngay vào chỗ bị sứa cắn, vết đau dịu nhanh. Tối từ chợ về, bà xã mua 2 trái thanh long bự rồi đem tặng cô Tây đền ơn, cô cười cảm ơn.
< ... vì đến ngày sau nữa khi trở về nhà, vết sứa cắn trở mọng nước như vết bỏng!
Kinh nghiệm: Khi bị sứa quất, cần rửa ngay bằng nước biển để lấy bớt các gai sứa - sau đó thoa dấm hay nước đường. Kinh nghiệm rất hay mà cả người nước ngoài áp dụng là sử dụng nước tiểu rửa sau khi bị sứa tấn công để tầy độc.
Có chơi có chịu, đành thế thôi!
< Ông bà Tây Hindu láng giềng. Bạn biết không, hai ông bà đã thuê dài hạn ở đây cả năm rồi đấy!
Còn 2 ông Tây một già một trẻ bên cạnh nữa: hai ông này đẹp giai, dáng bộ trí thức nhưng chỉ ở bữa mình đến, hôm sau là đi rồi. Trước khi rời đây còn chào tạm biệt bọn mình bằng những nụ cười thật tươi, chúc lên đường bình yên.
< Đường chạy dọc khu Suối Nước.
Vậy thì lời khuyên của bọn mình là: thích hoang sơ, thích tự do, thích rộng rãi, thích giá mềm > bạn hoàn toàn có thể chọn nơi đây hoặc những resort kề cận khác. Nhiều lắm bạn ơi, rất có thẻ nhiều resort nhà nghỉ ở Suối Nước cũng chỉ tầm giá này nhưng có thể đẹp hơn, sạch hơn nữa đấy - tất cả là ăn thua ta có chịu khó tìm và tìm được hay không thôi. Riêng bọn mình, đây là chốn... tiên, đủ thỏa chí vài ngày an dưỡng vừa qua.
< Rất nhiều resort khác trên con đường, nếu ở thì bạn có thể thoải mái lựa chọn.
< Có những đoạn nhìn ra thấy bãi biển.
Bài sau mình sẽ đề cập đến chuyện địa điểm ăn uống tại Mũi Né và khám phá đỉnh Hòn Rơm, bạn chờ xem nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét