(VLO) - Đồng Tháp Mười mùa nước nổi trắng đồng, nhiều ruộng sen ngập lút chỉ vài búp sen hồng cố ngoi lên mặt nước, người trồng sen cũng thất thu. Nhưng không ngồi bó gối, nhiều nông dân nhạy bén đã tận dụng nước nổi và sen làm du lịch. Ruộng sen “mở cửa”, cất vài cái chòi choi loi giữa đồng nước, mấy ông Hai Lúa “hổng ngờ” khách tới chơi nườm nượp!
< Dịch vụ đưa khách tham quan ruộng sen mùa nước nổi bằng vỏ lãi, giá 10.000 đ/lượt.
Những năm trước, đã có doanh nghiệp làm du lịch trên ruộng sen. Thấy có ăn, nông dân bắt chước làm theo, tạo điểm du lịch đồng sen khá độc đáo và cuốn hút.
Bơi xuồng, hái sen, tắm ruộng
Dọc tuyến đê ngăn cách một bên là rừng tràm, năng, sen thuộc phạm vi bảo vệ Khu di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười- Đồng Tháp); một bên là cánh đồng mênh mông mà từ vài năm qua đã chuyển từ lúa sang trồng sen.
Chúng tôi như bước vào “phố du lịch” giữa mênh mông tràm và nước nổi, rôm rả tiếng mời chào ngọt ngào “ghé ruộng sen em chơi đi mấy anh…”. Có nhiều điểm phục vụ khách thỏa sức “vẫy vùng” trên ruộng sen, từ bơi xuồng, đổ xà di, giăng lưới, cần câu cá, đến tắm ruộng, hái sen… Tất cả chỉ từ 3.000-10.000 đ/người cho mỗi dịch vụ.
Điểm du lịch của gia đình chú Hai Hơn đông nghẹt khách ở nhà sàn- nhà gỗ mái lá là “trạm dừng chân” để khách ngồi chờ tới lượt ra chòi. Khách thỏa thích vọc nước, chụp hình với nước, trải nghiệm trên chiếc cầu ván phập phình bắc từ cây tràm này qua cây tràm khác. Thật ồn ào và vui vẻ.
Chú Hai phải huy động con cháu, bà con họ hàng… cả chục người làm phục vụ đưa đón khách, chế biến món ăn, bưng bê mà không kịp trở tay. Từng là hướng dẫn viên du lịch nên anh Sỹ- con chú Hai Hơn- “lận lưng” nhiều kinh nghiệm quản lý, phục vụ, lên thực đơn, cả… thuyết minh khi khách yêu cầu.
< Di chuyển khách ra chòi trên cánh đồng sen ngập nước.
Hơn nữa, anh còn quảng bá điểm du lịch gia đình trên mạng xã hội Facebook giới thiệu dịch vụ, món ăn và nhờ vậy, du khách ở các nơi biết đến “Đồng Sen Gò Tháp” nhiều hơn. “Vì nhà mình có cánh đồng sen và ở cạnh Khu di tích Gò Tháp, nên gọi vậy cho khách dễ nhớ”- anh Sỹ giải thích.
Có lẽ vậy mà 6 cái chòi dường như quá tải, nên phải cắt cử thêm người chuyên lo làm chòi. Chòi ngoài ruộng đã kín, nhưng khách “hổng chịu” ăn uống tại nhà sàn mà nhất định “phải ra chòi”. Anh Bình bới tô cơm chảng ngồi ăn dưới xuồng, vừa nói: “Khách nhiều phải dựng thêm chòi. Tụi tui làm chòi 2 mái đơn giản mà chắc chắn chừng 2- 3 ngày. Chòi làm xong cho khách ra liền”.
Khách được đưa ra chòi bằng chẹt lớn cùng với thức ăn và tự do “làm gì thì làm”. Có thể câu cá hoặc tắm ruộng thoải mái, hầu như nhóm khách nào cũng chuẩn bị sẵn quần áo để… tắm sen.
Khi có nhu cầu gọi thức ăn, khách gọi điện thoại cho chủ nhà, không thì la hết ga: “Thêm nước lẩu chòi 6 nhe”, “Cá nướng, chuột nướng chòi 2, lẹ lẹ giùm”, “Cá lóc chiên xù đi. Sao lâu quá…” Và thế nào từ nhà sàn cũng có tiếng đáp lớn: “Nghe rồi, nghe rồi…”, “ra liền, ra liền”. Món kêu thêm, gói thuốc, chai rượu… sẽ được phục vụ bơi xuồng mang ra cho khách.
Đoàn khách mới cập nhà sàn, vừa bước lên cầu ván, mấy cậu bé đã líu lo chỉ trỏ những con rắn trong lồng sắt: “Bầu ơi bầu, rắn nè bầu ơi”. “Đâu đâu, em coi, em coi”. “Rắn hổ kìa, con rắn màu vàng kia…”.
Những người lớn như đã có kinh nghiệm mang theo áo phao cho mấy bé tắm ngay cạnh nhà sàn. Để an toàn, những cái ruột xe hơi lớn rải đều khắp nơi, nếu không biết bơi cũng có thể ôm vỏ xe đập đùng, đập đùng…
“Hút” khách đến với sen
Lão nông tri điền Hai Hơn năm nay đã 60 tuổi, dáng người rắn rỏi, thân thiện nói với chúng tôi: “Mở ra làm du lịch mệt thiệt. Nhưng mà vui”. Nên ngày nào chú cũng ở đây phụ hợ con cháu chống xuồng đưa đón khách, giúp mấy nhỏ móc mồi vô lưỡi câu, hay đóng thêm cây đinh cho cầu ván chắc chắn…
< Trải nghiệm cầu ván trên đồng nước.
Còn thím Hai cũng vui ra mặt vì “mấy nhỏ tới đây chơi hồn nhiên, dễ thương lắm”. Thím Hai kể có đoàn khách sinh viên ở Vĩnh Long tới, chẹt đợi sẵn hổng chịu mà cởi đồ nhảy ùm ùm bơi qua kinh. Tới đây ăn uống, câu cá, tắm ruộng cả ngày mà còn nói chưa đã. Hồi về còn để bọc quần áo lại “tụi con gửi mai mốt xuống nữa…” Thím cất giữ dùm mà “thấy thương quá trời!”
Chúng tôi đã ăn “muốn hết” món ở đây, nhưng khi chào ra về, thím Hai còn níu kéo “ở lại thêm ngày nữa, còn món gà rang muối thím làm ngon lắm!” Sự nhiệt tình, thân thiện của chủ nhà làm du khách vẫn muốn trở lại đồng sen. Bởi theo thím Hai, qua mùa nước nổi ruộng sen vẫn “mở cửa” cho khách. Đặc biệt, nhiều cặp đôi chọn ruộng sen chụp ảnh cưới.
Mùa này nước ngập lút, nên khách chủ yếu bơi xuồng, câu cá và ăn uống trên chòi. Khách tới thưởng thức đặc sản Tháp Mười, nhưng cái chính là vui và trải nghiệm mùa nước nổi nên không mấy khó tính. Tuy nhiên, anh Sỹ cho biết thực đơn tại đây chăm chút khá kỹ.
Từ món cá lóc nướng trui gói lá sen, lẩu chua cá linh bông điên điển, cá rô chiên xù, cá thiều kho tộ, chuột đồng nướng… đến dĩa cơm hạt sen thơm nhẹ nhàng đều phảng phất chút dân dã mà tinh tế, để khách có thể cảm nhận sự tươi ngon và hoang sơ của vùng đất “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” này…
Có lẽ từ những “xúc tác” đó và khi đã uống vài ly rượu sen, khách ngẫu hứng làm câu vọng cổ vang xa trên đồng nước. Dù không xa lạ gì, nhưng khi vừa lợp mái chòi chênh vênh, anh Bình cũng không nhịn được: “Ca hay quá. Tui muốn nhảy xuống sông luôn nè…”
Xem thêm >
Theo Lan Thương (báo Vĩnh Long)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét