Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam không chỉ có bờ biển đẹp dài trên 5km, có cồn cát di động Phước Dinh: khi thì tiến ra phía biển khi thì lùi sâu vào đất liền. Nơi đây còn có một cây đèn biển nằm chót vót trên ngọn núi Mũi Dinh cách mặt nước biển gần 180m.
Hải đăng Mũi Dinh có từ năm 1904 khi toàn quyền Đông Dương Pôn Bô Paul Beau ký lệnh xây đèn biển Mũi Dinh phục vụ những chuyến hải trình ở khu vực. Kiến trúc sư Cva-nat (Chavanat), người thiết kế đèn biển Mũi Dinh đã chọn vị trí đắc địa ở độ cao 178m để dựng đèn. Nơi mà trước khi có đèn biển, dân làng biển Sơn Hải chưa một lần chạm chân nhưng cũng chính vì thế mà nơi đây còn nhiều nét hoang sơ để mọi người cùng khám phá.
Nếu so với hải đăng mũi Kê Gà hay hải đăng mũi Điện thì hải đăng mũi Dinh không nổi tiếng bằng. Mũi Dinh thuộc làng Sơn Hải, xã Phước Dinh (Ninh Phước - Ninh Thuận) chỉ cách biển Cà Ná một vòng cung núi, cách Phan Rang chưa đầy 40 km.
Ngày trước, khi đường đi còn khó khăn - nếu đi từ Phan Rang khoảng 15 km theo quốc lộ 1A đến làng Chăm Văn Lâm rẽ trái và băng qua vùng bằng lăng khoảng 8km là đến chỏm núi Đại Bàng. Sau đó đi thêm 7km nữa là đến Sơn Hải, từ đây đi xe thẳng vào sa mạc, đến cột mốc cuối cùng thì buộc phải để xe lại cho thiên nhiên giữ hộ - người đi phải vượt thêm một trảng cát dài và khoảng hơn 1km dốc núi là đến hải đăng Mũi Dinh.
Trước mắt, một sa mạc cát rộng lớn nằm dưới chân núi sát bờ biển bao la. Một ngôi làng nhỏ sát mép biển, những đàn dê nhởn nhơ, những khối đá lớn có hình thù lạ mắt đáng để bạn chụp ảnh. Tuy không nằm ở trên đảo xa, nhưng ngọn hải đăng Mũi Dinh cũng heo hút và vắng bóng người. Từ đó đến nay đêm nào nó cũng đỏ đèn, nhấp nháy để báo hiệu cho tàu thuyền vị trí chuyển hướng quan trọng trên đường ra bắc vào nam. Với tầm sáng bán kính khoảng 30 hải lý, đèn biển Mũi Dinh chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Phan Rang cho đến Tuy Phong (Bình Thuận). Công suất bóng đèn là 1.000 W với chu kỳ của vòng xoay là 12 giây.
Muốn lên đến Mũi Dinh phải đi bộ, leo núi, đường dốc ngoằn ngoèo cả tiếng đồng hồ. Bù lại, cái mà Mũi Dinh có thể chiêu đãi khách đầu tiên là gió, và ngắm cảnh bốn bề. Vì nằm ở vị trí có thể hứng cả gió tây nam lẫn đông bắc nên mùa nào gió kéo qua đây cũng lên đến cấp bảy. Gió rít qua các khe cửa hú lên những tràng dài suốt đêm. Trong ngôi nhà có tường dày nửa mét theo phong cách kiến trúc của người Pháp với những chiếc cửa cao, hành lang dài hun hút, tiếng gió rít gợi lên cảm giác thật lạ.
Để duy trì cho "mắt biển" hoạt động suốt năm, sáu người đàn ông đã hơn 20 năm thầm lặng bám trụ, duy trì hải đăng hoạt động liên tục. Dù nắng mưa hay giông bão, cứ khi trời sẩm tối thì ngọn hải đăng lại tỏa sáng, chỉ đường cho tàu thuyền ra bắc vào nam.
Công việc có vẻ đơn giản, nhưng để duy trì ngọn đèn hoạt động liên tục, họ phải thường xuyên bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, bình ắc-quy và máy phát điện luôn tư thế sẵn sàng cho những ngày mưa bão.
Suốt đêm, ngọn hải đăng lặng lẽ quét những luồng sáng dài trên mặt biển. Khi đứng ở hải đăng mới thấy được luồng sáng này; còn khi ở xa, trong vòng bán kính 60 km, các tàu đi biển sẽ thấy ngọn đèn nhấp nháy như một vì sao theo chu kỳ.
Ngày xưa, lúc chưa có máy phát điện, hải đăng Mũi Dinh thắp bằng đèn dầu và vòng kính hội tụ xoay bằng một quả tạ nặng chừng 10kg được nhân công kéo lên, quả tạ rơi xuống sẽ làm đèn xoay. Hải đăng được dân đi biển gọi bằng cái tên thân thương là "mắt biển".
Một mình với ngọn đèn biển, phiên trực của người gác đèn biển kéo dài suốt đêm và thật vắng vẻ. Xa xa, ánh đèn thị xã Phan Rang - Tháp Chàm hiện ra lung linh quyến rũ. Đứng trên "mắt biển" Mũi Dinh thấy trời biển sao sáng lung linh.
Nhìn xuống mặt biển tối như bưng, ngọn đèn nhấp nháy hẳn không chỉ làm lộ tiêu cho những chuyến tàu đi biển ra bắc vào nam mà còn làm yên lòng hàng vạn chiếc tàu đánh cá đang thả lưới trên vùng ngư trường phong phú và giàu có.
Nếu đèn gặp sự cố thì tàu thuyền sẽ mất phương hướng, vì thế dù cô đơn và nhàn rỗi giữa biển khơi nhưng những người gác hải đăng vẫn đêm ngày bám trụ để giữ ngọn đèn luôn nhấp nháy giúp các tàu lưu thông trên biển bắt được tín hiệu, từ đó xác định được vị trí mình đang ở hải phận nào. Và cứ thế, đèn biển Mũi Dinh uy nghi trước trùng khơi lộng gió.
Như đã kể trên, trước kia có hai cách để ra Mũi Dinh, một là đi đường bộ từ Phan Rang khoảng 15km theo quốc lộ 1A đến làng Chăm Văn Lâm thì rẽ trái và băng qua vùng bằng lăng khoảng 8km là đến chỏm núi Đại Bàng. Sau đó đi thêm 7km nữa là đến Sơn Hải. Từ đây, bạn đi xe thẳng vào sa mạc cát, vượt thêm một trảng cát dài là đến Mũi Dinh. Cách thứ hai nhẹ nhàng hơn là bạn có có thể đi theo tour bằng canô từ biển Cà Ná.
Tuy nhiên ngày nay (xem bài), con đường rộng rãi đã được thi công xây dựng nối từ Phú Thọ kéo dài đến Sơn Hải, vượt ngang làng biển này dẫn đến dốc núi (nơi chỉ cách Núi Dinh tầm 200m) và tương lai sẽ kéo dài đến tận Phước Diêm, Cà Ná.
Đây chính là dự án đường ven biển của Ninh Thuận, mở đầu cho nhà máy điện hạt nhân.
Đường đi đã rất thuận tiện rồi, vậy bạn hoàn toàn có khả năng chinh phục đồi cát Phước Dinh, hải đăng Mũi Dinh và những bãi biển hoang sơ cạnh đấy.
Còn chờ gì nữa nào?
Du lịch, GO! - ảnh Meogia (iHay.Thanhnien)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét