(Tiếp theo) - Rời vùng biển đẹp và yên bình Cà Ná, bọn mình theo QL1 hướng về Liên Hương. Diện mạo Liên Hương ngày nay có nhiều thay đổi so với dăm bảy năm trước.
< Trên quốc lộ 1, hướng về Vĩnh Hảo. Trong ảnh là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang được xây dựng bên bờ biển - đoạn cuối của biển Cà Ná.
Đường sá giao thông bây giờ thuận lợi - Cửa tiệm, hàng quán khang trang mọc ra dọc hai bên đường nói lên đời sống kinh tế của người dân đã khá hơn nhiều.
< Vượt núi Tàu, nơi mà cụ Tiệp đã và đang truy tìm 4.000 tấn vàng từ nhiều năm nay: tiền của mất đi nhưng vàng vẫn... chưa thấy.
Qua các con phố Nguyễn Huệ, Võ Thị Sáu… ta cũng sẽ bắt gặp những hình ảnh tương tự.
Hình ảnh khu thương mại và chợ Liên Hương nhộn nhịp đông người qua lại càng tạo thêm sự phấn khởi. Ở đó, bạn có thể mua bất kỳ món hàng gì mình cần. Vậy nhưng, tại Liên Hương vẫn còn tồn tại những khu phố cổ, bạn có biết không?
< Ngã 3 Liên Hương đây, gọi theo thói quen chứ ngày nay nó đã thành ngã 4 từ lúc nào rồi. Nếu rẽ phải sẽ đi hồ Lòng Sông (hồ thủy lợi), đi xã Phú Lạc.
Còn quẹo trái như bọn này thì đến Liên Hương.
Nơi ấy có những dãy nhà xưa nằm san sát. Lối kiến trúc nửa ta, nửa Tây vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nổi bật nhất là khu phố xưa nằm đối diện miếu Thanh Minh. Nhiều ngôi nhà cao lớn, mang nét rêu phong, như thách thức với thời gian...
< Liên Hương thay đổi quá nhiều, lạ lẫm đến mức mình chạy quá chợ một đỗi rồi phải bọc vòng lại, tìm đường đi Cổ Thạch.
Long Hương là tên cũ của vùng đất này, còn Liên Hương là do chế độ Sài Gòn đặt lại vào năm 1956. Từ một vùng đất ven biển ngập mặn, hoang vắng, Long Hương nhanh chóng trở thành thôn ấp trù phú, kinh tế phát triển. Long Hương được chọn làm lỵ sở của nhiều thời kỳ lịch sử là vì có được ba yếu tố: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”.
< Con đường năm kỉa năm kia còn lộn xộn vì đang nâng cấp, nay đã phẳng phiu với 2 làn riêng biệt. Đây chính là đường Võ Thị Sáu, thị trấn Liên Hương.
Từ thời Minh Mạng, Long Hương đã có chợ. Chợ được xây dựng ở gần miếu Thanh Minh và đình làng. Ban đầu, chợ lộ thiên có nhiều khum nhỏ, quầy hàng kết bằng tre lá theo kiểu mỏ quạ. Thời Pháp thuộc, năm 1910 chợ có diện tích 800m², có hai gian, mái che 400m² xây theo lối song hành. Sân trước, sân sau chợ đều lót gạch.
< Có lẽ bạn biết rồi, cổng khu du lịch Cổ Thạch đây. Mình rẽ vào định chụp ít tấm ảnh nhưng thấy quầy vé vẫn hoạt động nên trở ra: chơi thì được nhưng ngắm sơ sịa mà phải mua vé thì thôi.
Dọc hai bên đường lớn có khoảng mười tiệm tạp hóa của người Hoa. Phố chợ bán đủ mặt hàng từ cá khô, nông sản cho đến hàng mỹ nghệ... Những dãy phố sầm uất mà chúng tôi đi qua cũng được hình thành từ thời xa xưa ấy. Những gia đình làm ăn khá giả người Việt lẫn người Hoa đã chọn những vị trí đẹp gần chợ để xây cất nhà cửa.
< Rời Cổ Thạch, mình chạy theo đường ven biển đi Phan Rí. Biển nơi này thuộc xã Bình Thạnh.
Ngày nay khi đến Liên Hương, càng đi sâu vào khu trung tâm huyện lỵ cũ, ta không khó nhận ra quang cảnh sầm uất của thời điểm lịch sử vài trăm năm trước. Những ngôi nhà cổ được xây từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với ngói âm dương, bây giờ đã ngả màu. Vậy nhưng những kiến trúc này vẫn còn nguyên vẹn như mãi trường tồn với thời gian. Con cháu của họ vẫn còn gìn giữ và coi đó như là di tích của gia tộc cho đến ngày nay. Điều ấy đáng quý vô cùng.
< Đường ven biển đa phần nơi nào cũng đẹp, xã biển Bình Thạnh này cũng vậy: con lộ phẳng phiu, hai bên rợp mát bóng cây.
< Trào lưu 'du lịch' khiến mọi nơi có bãi biển tốt đều trở mình: nhà nghỉ, nhà hàng, resort đã mọc lên khá nhiều trên cung đường này.
Từ giã thị trấn Liên Hương, mình trực chỉ về Phan Rí theo đường ven biển. Nhưng trước khi đến Phan Rí Cửa, mình phải ngang qua Cổ Thạch, vượt xã Bình Thạnh, qua Chí Công... cái đã. Cổ Thạch là một khu du lịch tâm linh và biển, trong Du lịch, GO! đã có rất nhiều thông tin nên mình không đề cập lại. Vậy 2 địa danh còn lại thì sao?
< Nhà nghỉ phục vụ cho cái này, bãi biển Bình Thạnh. Biển Bình Thạnh kéo dài từ mũi La Gàn đến tận Hòn Son, dài khoảng 10km.
< Nửa kia của mình đây. Thúng để sẳn, ta chèo ra biển khơi không nào?
Trước tiên, xin đề cập đến địa danh Tuy Phong. Tuy Phong là huyện phía bắc của tỉnh Bình Thuận, giáp với tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 90 km. Huyện ly là thị trấn Liên Hương. Trong huyện còn một thị trấn nữa là Phan Rí Cửa. Các xã của huyện gồm: Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, Phước Thể, Bình Thạnh, Chí Công, Hoà Minh, Hoà Phú.
< Nàng Win, con xế còi vượt vạn dặm.
Bình Thạnh là một xã thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Xã Bình Thạnh có diện tích 27,74 km², dân số năm 1999 là 2509 người, mật độ dân số đạt 90 người/km². Trước kia, khi nói đến xã Bình Thạnh huyện Tuy Phong thì người ta sẽ nghĩ ngay đến mũi La Gàn (Lá Gan), nơi có chùa Hang, có bãi biển Cổ Thạch.
< Mình đây, đang đứng trên gò. Cái tật thích những nơi cao cao... nhưng vừa phải thôi, cao quá trèo không xuể.
< Như mọi khi: ngắm nhìn cho thỏa rồi đi. Sàigòn phồn hoa không thể có được cảnh biển này ngoại trừ vùng biển nông Cần Giờ.
< Quái vật ven đường! Bạn trông nó giống con gì nào? mình thấy hao hao khủng long.
Ngày nay, kỹ nghệ không khói phục vụ du lịch xanh, du lịch biển nở rộ khắp nơi thì Bình Thạnh cũng không nằm ngoại lệ. Được thiên nhiên ưu đãi, Bình Thạnh có hàng chục kilômét bãi biển đẹp kéo dài từ mũi La Gàn, vượt Gành Rái đến tận Gành Son của phường Chí Công... với địa thế như cánh cung khổng lồ, phía ngoài là biển Đông, phía trong có cánh đồng điện gió tuyệt đẹp Tuy Phong.
< Bò là của hiếm ở đây, đó là điều may mắn cho người lái xe - đường tốt, chạy nhanh, vướng 'xe tăng' là khốn khổ.
< Rồi cũng đến Gành Son. Lần này mình tìm đường ngắm ở hướng đối nghịch: hướng Đông.
Bạn thấy đấy, ngày nay người ta đã xây các bậc thang xuống bãi biển, một sự canh tân.
< Nhìn rồi thấy lo cho bọn trẻ trên này, rong chơi kề cận các sợi dây điện câu móc lung tung.
Đặc biệt trên cung đường này, bạn sẽ qua Gành Son: Gành Son là những dãy núi thấp màu đỏ với hang động cheo leo gập gềnh như bức tranh sơn thủy tuyệt vời được thiên nhiên khắc họa.
Một bên là những đồi cát đỏ thẳm nhô cao, một bên là màu biển xanh ngắt: tất cả nổi bật dưới ánh nắng khiến nơi đây có một vẻ đẹp hài hòa song cũng không kém phần hư ảo.
< Săn ảnh nhưng chưa chắc đẹp hơn cái máy còi của bà xã đang chộp.
< Rời Chí Công, bọn mình về Phan Rí. Phan Rí từng ghé nhiều lần nên kỳ này đi luôn.
Bên cạnh Gành Son là một xóm chài trên cát gọi là làng Giuồng. Sở dĩ có tên gọi này là vì xưa kia lúc quân nhà Nguyễn vào đuổi Chiêm Thành, người Việt đến định cư tại đây và bị giết nhiều (Cáp Duồn). Trải qua bao nhiêu đời, nay chỉ còn tiếng Giuồng đọc trại đi.
Từ xóm chài ra đến Gành Son không xa lắm nhưng phải lội cát lên dốc nên sẽ khá mệt. Đúng là ghềnh, vì khoảng bờ biển bạn đang đứng cao hơn mặt nước chừng 20m.
< Qua cầu Song Lũy, chuẩn bị hướng về Hòa Phú.
Nếu đến để đón mặt trời mọc thì lúc trời sáng hẳn bạn sẽ thấy rõ một vách đá màu hồng, chạy dài một khoảng xa, nước xoi mòn thành khe. Bãi cát hẹp, phẳng lì, khá sâu, vì cách bờ có một chút mà nước đã xanh biếc...
Chính xác thì Gành Son là một đồi đất sét đỏ, cứng, do mưa gió bào mòn từ bao đời nay, để lại một vùng cảnh quan khá đặc biệt. Tưởng như ở một hành tinh nào xa lạ...
< Hướng về Hòa Thắng. Đây là đoạn đường ven biển đẹp mà bọn mình rất thích và đã trải qua lần này là lần thứ 3.
< Lần đầu đi từ Phan Rí về Mũi Né, đường xấu nên bầm đập tả tơi. Lần 2 chạy từ Mũi Né lên Phan Rí, do lộ vừa được trải đất - lu lèn nên chạy thật thảnh thơi, lúc nào tốc độ cũng trên 40km. Còn lần này thì sao?
< Trong chuyến này, do vừa qua mùa mưa bão nên đất mịn trôi hết, nền đường lòi đá ong lởm chởm, đầy ổ gà. Vậy nên chỉ một đoạn tầm 20 cây số nhưng cứ tưởng như chạy hoài không đến được.
Máy gầm rú, chỉ làng tàng mươi cây số giờ với số thấp để né đá nhọn, né ổ trâu - lưng tưng rêm mình mẩy: cảnh đẹp nhưng không còn hồn để quan tâm!
< Những đồi cát trăng chập chùng, cao vút của Bàu Trắng bắt đầu lộ ra...
... Nếu đứng dưới mé biển nhìn lên mới càng lạ: Ghềnh cao thật cao, hai màu, dưới trắng xám, trên đỏ sậm. Đâu đó nhô ra một lùm cây xanh, một bức ảnh đẹp ít thấy. Gành Son một bối cảnh tuyệt vời cho việc sáng tác và mở rộng tầm mắt. Gành Son quả là một tặng vật của thiên tạo nhưng chưa được nhiều người chú ý đến.
< Mình thở phào, con xế cũng thở dốc giữa cái nắng trưa. Vậy nhưng còn phải chạy thêm mươi cây số nữa với đường đất đỏ, ngại gì chứ?
< Vậy nhưng đoạn đường từ đây về ngã 3 TL716 về Hồng Chính còn hàng chục kilômét nữa.
Vượt Gành Son, bọn mình về Phan Rí Cửa. Phan Rí Cửa là thị trấn ven biển nằm phía Nam của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Thị trấn nằm ven biển nhưng có vị thế thuận lợi. Về mặt đường bộ có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, ga Sông Mao, ga Sông Lòng Sông.
< Mèn ơi, nếu trời u không nắng: bọn mình sẽ 'xử' mấy cái đồi cát này, đẹp quá!
Đường thuỷ có sông Lũy chảy qua phía tây dài 5 km nối với các xã của huyện Bắc Bình và ngay cửa sông có cảng cá tương đối lớn. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề đánh cá (lao động biển chiếm khoảng 2/3 tổng số lao động). Tại đây có một cảng cá với quy mô khá lớn. Năm 2011, thị trấn Phan Rí Cửa mở rộng đã được công nhận là đô thị loại IV.
< Vào thôn Hồng Thắng, vị trí tại đây.
Đến nơi này, lại nhớ cái 'tiêu điểm 1' mà đến nay, bọn mình vẫn chưa chinh phục được.
Thắng cảnh của Phan Rí Cửa có tháp Chàm Pô Klông Mơnai, bãi biển Đồi Dương, và Ghềnh Son thuộc Chí Công đã kể trên.
< Vùng đất cằn khô Hòa Thắng? Vậy nhưng bạn đừng quên nơi đây có Bàu Ông, Bàu Bà: những hồ nước ngọt lớn giữa vùng sa mạc.
< Thế nên những mảnh ruộng, vườn xanh mướt mắt không thiếu trên vùng đất này đâu.
< Bàu Trắng không chỉ có Bàu Ông, Bàu Bà mà còn một bàu nước ngọt khác khá lớn ở đây. Ngoài ra, ở đây còn nhiều hồ nước nhỏ khác nữa.
Ngày nay, đi trên khoảng đường này: ta sẽ thấy ngoài Khu du lịch sinh thái Bàu trắng thì cón có nhiều KDL khác đã và đang dựng xây... chứng tỏ là nhiều du khách chú ý tới vùng sa mạc độc đáo này của Hòa Thắng.
Nơi đây, mình đã viết nhiều, thông tin trong Dulichgo không thiếu nên không nhắc lại. Vậy nên tong bài sau, mình sẽ đề cập tới điểm đến mà trước nay 'chưa hề ở', bạn đón xem nhé.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét