(iHay) - Muốn rình… ma, các phượt thủ có thể lang thang trên các cung đường heo hút chinh phục 4 cực, 1 đỉnh, 2 ngã ba biên giới, các tháp Chàm hay nhiều ngôi nhà ma ngay trong thành phố lớn.
“Linh hồn” giữa miền sơn cước
Hiếm phượt thủ nào có thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những con đèo quanh co, bên vực bên núi, đường đất lầy lội, sỏi đá xóc tung xe, những câu chuyện thú vị, con người thân thiện… trên cung đường đến những nơi địa đầu Tổ quốc.
Bốn cực Đông, Tây, Nam, Bắc của đất nước, đỉnh Fansipan, ngã ba biên giới Việt - Lào - Trung Quốc, Việt - Lào - Campuchia là những chốn xa xôi, đường đi lại nhiều thử thách và nguy hiểm nên các phượt thủ đều cố gắng lên lịch trình đi sáng, về sáng, tránh cảnh bơ vơ nơi heo hút, có thể “thấy những điều hiếm thấy”...
Anh Trần (Bình Dương) - một “lãng tử lang thang” thích độc hành chậm rãi nối tiếp câu chuyện mùa Halloween: “Không biết được à nha, nhiều khi người ta ở ngay bên cạnh mà mình không biết. Mọi người không để ý trên Fansipan đó, có cả bát hương, bài vị… Đi qua người nào cũng cúi đầu cầu bình an. Còn trên đường phượt, khắp những khúc quanh nguy hiểm đâu phải tự nhiên mà hay có miếu còn nhang nghi ngút, đều là do có người gặp rồi đấy".
"Nhất là mấy nơi như cực Tây, ngã ba biên giới, đường tuần tra biên giới... nhiều người cả dân và lính đã ngã xuống để giữ đất, do vậy những chốn này còn nhiều linh hồn lắm. Bao lần đi qua mấy nơi kiểu như vậy, lúc nào cũng thấy như có người đi theo hay đi bên cạnh, chẳng dám quay lại hay quay sang bên, cứ thẳng đường mà bước. Các bạn tuổi trẻ tài cao, thử đi một lần, canh đúng giờ đêm đến những chốn này “săn ma” xem sao, chắc cũng kích thích không kém như khi đổ đèo đâu”, anh Trần kể.
Anh Thuận (Long An), tiếp lời: “Ở các tháp Chàm nữa chứ. Ghé qua mấy cái tháp đó dù rất thích và ngưỡng mộ nhưng vẫn có cảm giác sợ. Có lần mình đi thăm Yang Prong, trời nắng nóng khủng khiếp nhưng vừa đi khỏi lộ, bắt đầu theo đường nhỏ vào tháp là thấy khác liền. Cây cối um tùm, cao lớn, tiếng chim, tiếng thú bao quanh, giữa trưa mà khu vực ấy ngỡ như đang chiều tối, âm âm, mờ mờ. Nó làm mình nhớ đến lời đồn về chuyện ông Hàn Mạc Tử hẹn hò bà Mộng Cầm ở gần tháp Phú Hài - lầu ông Hoàng (Phan Thiết). Sau đó về mới bị bệnh phong. Chẳng biết có phải do ông bị ám không".
Anh kể tiếp: "Lại còn chuyện ở khu tháp cổ Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) nhé, người già ở đây còn kể mãi chuyện kì bí về những đêm không trăng, hàng đoàn người không đầu hiện lên than khóc. Đến đây nhìn cảnh hoang tàn đổ nát, chẳng ai dám dừng lại để chờ đến đêm kiểm nghiệm lại câu chuyện này hết á. Nói chung là tới những địa điểm này cảm thấy rờn rợn như đi vào mấy nhà tù thời thuộc địa như Hỏa Lò, mấy nghĩa trang liệt sĩ vậy. Thêm vài điểm cho những người muốn gặp ma đấy, bạn nào có gan thử rồi cho bà con biết với”.
“Tour săn ma” trong lòng phố lớn
Mà thực ra, chẳng phải đi đâu xa, ngay trong thành phố lớn từ Hà Nội, Đà Lạt, TP.HCM đều có một loạt nơi được coi là chốn không dành cho người yếu bóng vía.
Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM (Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) chẳng hạn, đó vốn dĩ là biệt thự của một nhà giàu người Hoa. Ngôi nhà có không khí khá lạ, âm u, cây um tùm. Nghe nói, cứ đêm khuya, ai có duyên, thế nào cũng được diện kiến cô gái trẻ, mặc đồ trắng lang thang lướt đi qua các dãy hành lang lúc ẩn khi hiện rồi biến mất. Sau đó là tiếng khóc lóc rấm rứt nghe đau thương lắm.
Một căn nhà trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lâu lắm không có người ở, mà có người mới dọn vào thì chỉ vài ngay sau lại nhanh chóng dọn đi. Người dân ở đây truyền nhau cái lý do đáng sợ là hàng đêm, người trong nhà hay thấy bóng dáng người lấp ló ngoài cửa sổ, tiếng gió qua khe cửa phát ra những tiếng lạ khiến không ai yên giấc, thậm chí, còn bị bóng đè thường xuyên.
Tuy nhiên, nói đến nơi gặp ma, phải nhắc đến Đà Lạt, thành phố mù sương. Phố núi này buổi tối, chỉ đến 9 – 10 giờ tối là vắng hoe, không khí lạnh lẽo và gió rít qua rừng thông làm người ta không muốn bước chân ra ngoài đường.
Và du khách càng không bén mảng đến những căn biệt thự ma: căn biệt thự nằm trên đường Trần Hưng Đạo theo kiến trúc Pháp, căn nhà số10 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 2 căn biệt thự trên đèo Prenn.
Mỗi ngôi nhà đều có câu chuyện của riêng mình, nhưng tựu trung, nó đều cho cảm giác ghê rợn, nhiều âm khí mỗi khi bước vào. Nhiều phượt thủ kể từng chẳng may đi qua nhìn thấy dải lụa trắng phất phơ hay nghe nhiều âm thanh kỳ quái, tiếng nói tiếng cười mà không thấy người thì lại càng tránh xa. Chưa ai thử đến và xác minh ở các địa điểm này, nhất là khi mặt trời khuất núi nên thực hư thế nào vẫn còn là một bí ẩn.
Hà Nội cũng dấu trong mình những chuyện liêu trai như thế, ngôi nhà số 300 Kim Mã, 138 phố Hàng Trống là ví dụ. Không ít người kể từng nghe tiếng kêu rên thảm thiết và nhìn thấy những cái bóng dật dờ ám mãi nơi này.
Vậy các phượt thủ gan dạ hãy thử đi một “tour bắt ma” thay vì đi ôm cua, đổ đèo để xem thế nào? Bạn dám không?
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Theo Tạ Ban (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
Bóng ma trên những con đèo (P1)
Bóng ma trên những con đèo (P2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét