(BCT) - Tiếng người như vọng ra từ núi. Những cô gái người Giáy, người Dao, người Mông… như bước ra từ làn sương mơ hồ. Đó là cảm nhận đầu tiên của du khách lần đầu đặt chân đến Sa Pa – vùng đất đã phát triển du lịch 110 năm. Dịp này, tour đi bộ lên bản Lao Chải là điểm nhấn của chương trình du lịch Sa Pa.
Lao Chải là một xã của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trong thung lũng rộng và đẹp nhất – nơi có thể nhìn thấy từ thị trấn Sa Pa hay trên đỉnh Hàm Rồng. Cách trung tâm huyện chừng 7 cây số, Lao Chải không xa nên không ít người cuốc bộ từ thị trấn đến tận bản này.
Từ thị trấn men theo đường Mường Hoa qua khỏi những phố phường nhộn nhịp và sầm uất, du khách bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống khác, đúng nghĩa của những bản làng. Sau lưng vẫn là chốn huyên náo, phồn hoa của Sa Pa nhưng trước mặt là không gian bình dị. Nếu không có những hàng cột điện đưa ánh sáng về bản, không có con đường trải nhựa dẫn đến bản thì nơi này đúng "chất" cuộc sống các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Tày… bản địa. Có thêm những tiện nghi hiện đại nhưng người bản địa vẫn giữ nguyên nét văn hóa và nếp sinh hoạt truyền thống. Đó cũng là nét thu hút du khách trong và ngoài nước.
Vẫn theo con dốc Mường Hoa, đi trên con đường quanh co của đồi núi song song với dãy Hoàng Liên để đến Lao Chải. Đó là một bản làng khá đông đúc nằm cách đường lớn một con suối. Từ trên cao, du khách có thể quan sát những nếp nhà bình dị san sát nhau, rất đặc trưng của "phố xá" bản làng. Xen lẫn vào đó là những chuyến xe 16 chỗ ngồi đậu ngay ngắn ở một góc bản. Thông thường, khách theo tour phải xuống xe tại đây và bắt đầu hành trình khám phá đời sống văn hóa bản.
Phát triển du lịch, người dân bản địa thích nghi khá nhanh. Nhà ở phố được tận dụng buôn bán, làm dịch vụ du lịch. Từ người già đến trẻ con đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, một ít nói được tiếng Pháp. Vì thế, khi nghe những cô gái trong bộ váy hoa, trang phục thêu hoa văn độc đáo của cư dân bản địa phát âm thuần thục ngoại ngữ, du khách quốc tế rất thích thú. Họ trò chuyện luyến thoắng suốt đường đi. Những câu chuyện về văn hóa, cuộc sống đời thường trở thành những đề tài thú vị, hấp dẫn du khách.
Lao Chải nằm sâu dưới thung lũng. Bao quanh là núi và những thửa ruộng bậc thang. Ruộng ở đây được xếp hạng đẹp nhất Lào Cai và là một trong những danh thắng quốc gia.
Từ bản nhìn ra xung quanh là dãy Hoàng Liên án ngữ, bên còn lại là dãy Hàm Rồng, rồi đến các tầng bậc thang trồng lúa nằm ở cấp thấp hơn. Ruộng kéo dài đến tận cửa nhà. Tưởng chừng như đó là những bậc thang nối liền Lao Chải với các ngọn núi để hòa mình vào mây lên tận trời cao.
Tầm tháng 9 trở đi, kéo dài đến tháng 4 năm sau là "mùa" của Lao Chải. Đó là lúc bản đẹp nhất. Thời điểm này, Lao Chải đang mùa thu. Những thửa ruộng bậc thang cao chót vót từ thung lũng sâu vắt lên lưng chừng trời vàng rực màu lúa chín. Mùa thu Lao Chải không chỉ có tiết thời ấm áp mà còn là mùa của lúa vàng, của tiếng gọi mời du khách.
Mùa này sương khá nhiều nhưng không quá dày đặc và cũng nhanh chóng tan đi khi mặt trời lên cao. Nếu ngủ đêm lại Lao Chải hoặc đến đây khi mặt trời chưa mọc, du khách sẽ cảm nhận được thời khắc kỳ thú của đất trời.
Từ sớm, đã có người ở các bản xa đến đây buôn bán. Người ta không nhìn thấy mặt nhau mà chỉ nghe tiếng nói, tiếng trò chuyện. Đến gần chừng vài mét mới trông rõ mặt. Cứ như những cô gái ấy vừa bước ra từ rặng cây trước mặt. Khi mặt trời lên khỏi núi, sương dần tan, tầm nhìn ra xa hơn, những dãy núi, nếp nhà hiện ra sau những đám mây, hư hư thật thật, huyễn hoặc du khách. Lao Chải hiện ra từ mây và đóng lại sau bức màn mây. Đó là kết thúc một ngày ở bản làng xinh đẹp và trữ tình này.
Đến Lao Chải có đi bộ mới cảm nhận được hết nét đẹp văn hóa. Nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ. Phải ngủ lại mới cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống đúng nghĩa Lao Chải – bản làng hiện ra từ mây!
Hướng dẫn thêm
Đi du lịch Lao Chải bằng cách nào?
Từ Hà Nội muốn đến Lao Chải, du khách có thể đi bằng xe lửa hoặc xe khách vào ban đêm đến Lào Cai rồi chờ sáng tiếp tục lên Sa Pa khi sương đã tan dần để đảm bảo an toàn. Sau khi thưởng thức không gian buổi sớm ở thị trấn trong mây này và dùng điểm tâm, khách đi tiếp đường Mường Hoa để đến Lao Chải. Tổng chiều dài đoạn đường này khoảng 400 cây số.
Thời tiết ở Lao Chải
Thời tiết dao động khoảng từ 20-250, rất lý tưởng cho một kỳ nghỉ ngắn. Du khách nhớ mang theo áo ấm và giày đi bộ. Với không gian lãng mạn này, không ai nỡ đi xe để lướt qua.
Mùa du lịch Lao Chải
Tầm tháng 9 trở đi, kéo dài đến tháng 4 năm sau là "mùa" của Lao Chải. Đó là lúc bản đẹp nhất. Thời điểm này, Lao Chải đang mùa thu. Những thửa ruộng bậc thang cao chót vót từ thung lũng sâu vắt lên lưng chừng trời vàng rực màu lúa chín. Mùa thu Lao Chải không chỉ có tiết thời ấm áp mà còn là mùa của lúa vàng, của tiếng gọi mời du khách.
Mùa này sương khá nhiều nhưng không quá dày đặc và cũng nhanh chóng tan đi khi mặt trời lên cao. Nếu ngủ đêm lại Lao Chải hoặc đến đây khi mặt trời chưa mọc, du khách sẽ cảm nhận được thời khắc kỳ thú của đất trời. Từ sớm, đã có người ở các bản xa đến đây buôn bán. Người ta không nhìn thấy mặt nhau mà chỉ nghe tiếng nói, tiếng trò chuyện. Đến gần chừng vài mét mới trông rõ mặt. Cứ như những cô gái ấy vừa bước ra từ rặng cây trước mặt. Khi mặt trời lên khỏi núi, sương dần tan, tầm nhìn ra xa hơn, những dãy núi, nếp nhà hiện ra sau những đám mây, hư hư thật thật, huyễn hoặc du khách. Lao Chải hiện ra từ mây và đóng lại sau bức màn mây. Đó là kết thúc một ngày ở bản làng xinh đẹp và trữ tình này.
Ăn uống khi đi du lịch bản Lao Chải
Ẩm thực Sa Pa rất phong phú nhưng để thưởng thức trọn vẹn ẩm thực của vùng đất này, ngoài những món trong thực đơn nhà hàng, quán xá, du khách nên dành thời gian cho một bữa ăn ở bản. Bữa ăn ở bản đơn giản, được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm nuôi trong nhà, với các loại rau củ xung quanh nhà.
Nhiều du khách khi đến Sa Pa luôn dành thời gian vào bản để thưởng thức một bữa ăn đúng nghĩa của người dân bản địa.
Nhà người Mông, người Giáy hay người Dao đều có rau cải đầy vườn, gia súc, gia cầm cạnh nhà. Heo ở bản ăn toàn rau củ, một ít cám, hoàn toàn không có chất kích thích tăng trưởng. Nuôi cả nửa năm trời, heo nặng chưa tới 20kg. Con nào ăn khỏe, đào bới, leo núi nhiều thì nặng khoảng 25 kg là cùng. Thịt chúng rắn chắc như heo rừng. Người dân bản địa khi đi chợ thì kẹp ngang nách, mang heo xuống chợ bán hoặc đổi lấy những thứ mình cần nên heo nuôi ở bản thường được gọi là "lợn cắp nách".
Một con heo chừng hơn 10 kg, người dân địa phương có thể chế biến hơn 5 món cho khách ăn. Thực khách cảm thấy ngon miệng bởi khẩu vị lạ, rất ít gia vị. Có khi, gia vị chỉ đơn giản là muối và một ít hương liệu từ củ quả trên ngàn. Cải xanh, cải mèo hoặc su su được luộc lấy nước làm canh, rau ăn kèm với thịt.
Cơm của người bản địa thường được nấu từ nếp nương, thơm và dẻo. Phụ nữ ở bản khéo léo lấy nước màu từ các loại lá để tạo màu cho cơm nếp, ăn rất lạ miệng. Có khi, người ta làm đến 5 màu khác nhau để cúng bái tổ tiên hay thết đãi khách từ phương xa đến.
Trong bữa ăn, người ta thường nhấm tí rượu ngô hoặc nếp nấu còn ấm ấm. Giữa triền đồi gió lạnh, một bữa cơm bản với chén rượu ngô, rượu nếp vừa giúp tiêu hóa vừa làm ấm bụng thực khách, kích thích ăn nhiều hơn và ngon miệng hơn. Một bữa ăn ở bản, khách được đối đãi bằng chính cái tình, cái nghĩa chân chất của người dân bản địa.
Lưu ý khi du lịch Lao Chải
Trẻ con ở các bản làng rất thích người lạ. Du khách đừng quên mang theo truyện tranh cũ, bánh kẹo làm quà cho các cháu. Tuyệt đối không cho các cháu tiền vì sẽ làm hỏng các cháu cũng như phá vỡ môi trường du lịch của vùng đất này. Chính quyền địa phương khuyến cáo du khách như thế.
Xem thêm >
Theo Nguyễn Đức (báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét