Du khách thăm chùa Địch Lộng sẽ đi từ Hà Nội, theo đường quốc lộ 1A về phía Nam qua cầu Đoan vĩ (còn gọi là cầu Khuất), rẽ tay phải đi khoảng 1km nữa là đến. Chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Chùa ở lưng chừng núi Địch Lộng, có độ cao so với chân núi khoảng 80 mét. Hệ thống kiến trúc đình, đền, ở đây được xây dựng dưới chân núi theo thế chữ Tam" trên một khu đất rộng hơn 1ha. với ngôi đình 5 gian mọc sừng sững được gọi là Đình Đá, vì tất cả các cột, tảng, xà đùi, cái bẩy đều bằng đá.
Trước khi lên chùa, du khách vào ngôi đình đá này để tưởng niệm thánh Nguyễn Minh Không và thưởng ngoạn một công trình kiến trúc đình chủ yếu bằng đá. Tám cột đá bằng đá xanh nguyên khối, tròn, to, cao hơn 4m đều được trạm nổi những con rồng lớn đang uốn lượn trong mây để hút nước, cá chép theo nước vượt lên. Có khắc rồng, du khách có cảm giác như được xem một đàn rồng lớn đang bay. Mỗi con rồng quấn quanh cột đều có một dáng vẻ khác nhau rất sống động.
Tám cột quân to, tròn như cột cái khoảng 3m, hai hàng trước sau, mặt tiền đều được trạm khắc nổi các câu đối chữ hán ca ngợi cảnh đẹp nơi đây với những ý tưởng sâu sắc. Tất cả 16 cột đá này đều được đặt trên những tảng đá cổ bồng lớn cao 0,60m. Rất hiếm có ngôi đình nào có toàn bộ phần chính của nhà được làm bằng đá xanh nguyên khối trạm khắc công phu và tỷ mỉ như vậy! ở đây đã thể hiện tài năng trạm khắc đá của các nghệ nhân vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử.
Hai bên tả hữu cửa động là 2 tượng Hộ Pháp đối diện nhau như đứng canh cổng chùa, tạo cảm giác tự tin, ấm áp . Vách động bên tay trái du khách ở trên cao 8m, treo 1 quả chuông lớn cao hơn một mét, nặng khoảng một tấn ,đúc ở thời Nguyễn.
Du khách bước sang bên tay phải là đến động thờ Phật. Đây chính là chùa Địch Lộng quay hướng Nam. Trước cửa chùa có các khối đá giống hình voi chầu ,hổ phục ,sư tử chầu như đang canh giữ bảo vệ cửa Phật. Ở đây còn có rất nhiều nhũ đá đẹp lấp lánh như cái dù che, rủ xuống như chuông treo.
Trong chùa có bầy nhiều tượng Phật, các pho tượng phật uy nghiêm, nhân từ do con người tạo dựng hoà nhập với các nhũ đá của thiên nhiên. Tất cả hiện lên linh nghiêm trong ánh đuốc bập bùng và những loé đỏ của hương trầm phảng phất mùi thơm cõi thiền.
Hang Tối nằm ở phía trái, vào hang du khách sẽ thấy ngay khối nhũ đá to, tròn, nhẵn lì mọc từ nền hang nhô lên. Đó là bầu sữa mẹ của tạo hoá, có nhiều nhũ đá từ trên nóc động chẩy xuống trông giống như những cột chống trời. Tại đây, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào cõi trùng điệp của đá có đủ mọi hình dạng ngoại mục. Mỗi không gian của vách động, trần động là một bức tranh nghệ thuật, những nét trạm khắc tuyệt vời của thiên nhiên, đạt đến mức tinh xảo mà con người không thể nào làm được.
Đi hết hang Tối là đến hang Sáng, vì ở trên cao cửa hang Sáng thắt hẹp lại, có khoảng lộ thiên, khi có gió thổi mạn vào trong động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo. Vì vậy động mang tên là Địch Lộng (Địch nghĩa là sáo, Lộng nghĩa là gió).
Điều độc đáo ở hang Tối và Hang Sáng là các thạch nhũ, lấy đá gõ vào thì lanh lảnh như tiếng chuông. Đó là những thạch cầm của thiên nhiên. Đặc biệt hơn nữa là những rải nhũ đá trong hang lấp lánh bảy sắc cầu vồng và mầu sắc thay đổi theo ánh sáng mặt trời.
Chùa Địch Lộng hàng năm đều tổ chức lễ hội vào thời gian từ ngày 6 đến 10 tháng giêng Âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3.
Theo Tin tức Du Lịch
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét