Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Đằng sau cánh cửa ngôi nhà người Nhật

Tóm tắt: 

Kiến trúc truyền thống Nhật Bản là kiểu nhà vườn gồm nhà chính và khu ngoại vi. Người Nhật không xem nội thất và ngoại thất như hai thực tể riêng biệt. Hiên nhà, hành lang được dùng như không gian chuyển tiếp từ bên trong ra bên ngoài.

Kiến trúc truyền thống Nhật Bản là kiểu nhà vườn (giống như ở Huế) gồm nhà chính (1 tầng) và khu ngoại vi. Người Nhật không xem nội thất và ngoại thất như hai thực tể riêng biệt. Hiên nhà, hành lang được dùng như không gian chuyển tiếp từ bên trong ra bên ngoài.

Đằng sau cánh cửa ngôi nhà ở Nhật Bản là cả một thế giới riêng

Gỗ không sơn là chất liệu chính cho nền, mặt hiên, mái lợp của ngôi nhà vì nó phù hợp với khí hậu Nhật Bản, hấp thu độ ẩm trong những tháng ẩm ướt, thoát ẩm trong mùa khô.

Ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya cũng như các vùng quê Nhật Bản, nhà của người Nhật không bày biện giường, sập như Việt Nam và các nước Tây, Tàu. Chỗ nghỉ ngơi của người Nhật được định vị là những chiếc chiếu cói (Tatami) được dệt sợi nhỏ rất đẹp có chiều dày khoảng 5 - 6 cm, có kích thước tương đương với một chiếc giường cá nhân được phủ lớp véc-ni và viền vải các mép chiếu rồi đóng chặt vào mặt sàn gỗ. Muốn biết diện tích căn nhà của người Nhật chỉ cần tính số lượng chiếu cói. Ban ngày những chiếc đệm, chăn gối được xếp lại, cất vào dãy tủ tường cùng quần áo khiến cho căn phòng trở nên rộng rãi thoái đãng hơn. Ngủ trên chiếu cói người ta có cảm giác gần gũi với chất liệu mang hơi thở của hương đồng gió nội và vẻ đẹp mềm mại cũng như sự tiện ích “ấm về mùa đông, mát về mùa hè” của nó. Bước khỏi bậc cửa là lên chiếu (Tatami) nơi nghỉ của người Nhật. Khi vào nhà giày dép được để ngay lối ra vào cửa chính để không vấy bẩn lên chiếu cói trang nhã.

Người Nhật chuyên sử dụng loại cửa kéo hoặc bức màn kéo (fusuma) có vẽ những  bức họa nổi tiếng để phân chia không gian giữa các phòng. Chỗ trang trọng trong ngôi nhà dành đặt bàn thờ gia tiên. Những cánh cửa nặng bằng gỗ có thể đóng lại ban đêm hoặc khi thời tiết khắc nghiệt.

Các cửa sổ và các vách ngăn trong ngôi nhà kiểu truyền thống đều được làm bằng loại giấy ShoJi được chế từ vỏ cây Kozo (tương tự như vỏ cây Dó ở Việt Nam) có chất lượng cao nên rất bền đẹp, thoáng khí, giữ được độ ẩm và không bị ố vàng dưới ánh mặt trời.

Buổi tối, những ô cửa phủ giấy ShoJi hắt lên thứ ánh sáng huyền ảo chẳng khác những chiếc lồng đèn treo trước cửa hiên nhà.

Trong ngôi nhà người Nhật đầy đủ các tiện nghi hiện đại: video, máy tính, bếp ga, lò vi sóng, máy điều hòa, tủ lạnh v.v…

“Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”, người Nhật không cần khóa cửa ngôi nhà của mình dù gần đường qua lối lại vì tình hình an ninh ở Nhật rất tốt.

Với người Việt đã quý trọng và thân quen nhau thì không thể không mời nhau đến nhà chơi và ăn bữa cơm thân mật. Còn người Nhật lại khác, họ thường giải quyết các mối quan hệ ấy ở một nhà hàng, khách sạn do hai bên thỏa thuận lựa chọn.

Láng giềng kề cận không bao giờ sang nhà nhau chơi, nếu cần việc gì thì qua điện thoại, hoặc đứng bên hàng rào, ngoài cửa nhà nói chuyện.

Phải chăng họ muốn giữ “thế giới riêng” trong ngôi nhà của mình?

Ngày cũng như đêm, nếu các nhà ga, bến tàu lúc nào cũng nhộn nhịp tấp nập thì các khu chung cư và phố xá ở Nhật hết sức êm đềm, tĩnh lặng đến nỗi bạn sẽ tưởng mình đi lạc vào khu an dưỡng nào đó.

Người Nhật có thói quen đi nhẹ nói khẽ ngay trong sinh hoạt gia đình nên họ đi đâu không ai rõ, về không ai hay. Phải chăng đó là sự ý tứ, kín đáo không muốn “khua chuông gõ mõ” ảnh hưởng đến người xung quanh?

Nhiều khi quên mất mình đang sống ở Nhật nên cứ nói cười thoải mái theo tính cách “bẩm sinh” của người Việt rồi bỗng giật mình, tất cả “Suỵt! Suỵt!” nhắc nhau giảm bớt volum”. Kể ra cũng “ấm ức” khi phải kiềm chế giọng điệu ở mức thầm thì nhưng đành vậy, nhưng nhập gia tùy tục mà, nếu mình làm khác sẽ cảm thấy lạc long và có lỗi với mọi người nơi đây.

Để “xả hơi” cho bõ những ngày phải “im hơi lặng tiếng” ở Nhật những khi quá cảnh ở sân bay Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, đoàn Việt Nam được dịp gọi nhau í ới và cười nói oang oang.

Những ngày ở Nhật chúng tôi thường thấy cảnh: sáng sớm và chiều tà những cụ ông, cụ bà dắt chó đi dạo và cho chó đi “giải quyết nỗi buồn” ở ngoài đường. Ai cũng cầm một túi ni lông và cái xẻng nhỏ xíu để khi chó “bậy” ra là hót phân vào đó rồi đem bỏ vào thùng rác gia đình để khỏi làm ô nhiễm môi trường công cộng.

Con cháu đi làm, đi học cả ngày có khi còn ở xa ông bà cha mẹ nên tuổi già các cụ ông cụ bà chỉ có con chó bên cạnh cho đỡ vắng vẻ cảnh nhà. Dư thời gian các cụ coi việc chăm sóc chó là một thú vui. Có cụ chăn dắt 2 - 3 con chó. Và cũng lạ thật, chó ở Nhật nuôi nhiều nhưng rất ít khi chúng tôi nghe chúng sủa dù không đeo rọ mõm. Chúng trông thật đáng yêu với bộ long cắt tỉa cầu kỳ và lúc nào cũng sạch sẽ. Con chó là sinh vật tô điểm thêm vẻ ấm cúng và thanh bình cho ngôi nhà người Nhật.

Trương Thị Kim Dung

Phụ nữ Thủ đô

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét