Khuất ở tít lưng trời biên ải, Sín Chéng là một xã nghèo, tận cùng xa xôi của “vừng trán nhô cao của Tổ quốc” Si Ma Cai, Lào Cai. Không dữ dằn khốc liệt với đá núi và rừng sâu, cũng không tân thời để nhoài theo sự phát triển bằng mọi giá mà mai một bản sắc văn hóa. Sín Chéng lúc này giữa bồng bềnh mây và sậm sùi rét sương.
Cũng như nhiều vùng khác, muốn hiểu Sín Chéng thì hãy ra chợ. Tuy mưa rét, lấm lem bùn đất, mộc mạc như cây rừng, thơ ngây như những bông hoa không ai biết tên gọi là gì dọc lối đi, nhưng Sín Chéng sẽ ngấm vào bạn với bao nhiều ảo diệu.
Chợ Sín Chéng nằm ở trung tâm xã Sín Chéng, cách huyện lỵ Si Ma Cai khoảng 10 km, họp vào thứ tư hàng tuần. Vì nằm ở một xã khá xa trung tâm huyện, nên chợ Sín Chéng ít bị các yếu tố của nền văn hoá công nghiệp làm mờ đi những nét đặc trưng của chợ vùng cao. Chợ là nơi hội tụ của nhiều đồng bào dân tộc: Mông, Nùng, Tày, Thu Lao... đến giao lưu, trao đổi, buôn bán.
< Hội xuân Say Sán đông vui và đầy màu sắc.
Chợ Sín Chéng tầm ban trưa là lúc đông nhất. Nhìn từ xa, chỉ thấy màu đỏ váy, áo những cô gái Mông, màu xanh của trang phục người Nùng và nhiều màu sắc khác của hàng hoá. Chợ là nơi tìm bạn, kết bạn; nơi hò hẹn lứa đôi; nơi các cô gái Mông khoe bộ váy mới vừa thêu; chàng trai thể hiện điệu múa khèn tình tứ; những cụ già ngồi nhâm nhi chén rượu; những cô, những bà vừa bán hàng, vừa thêu thổ cẩm bằng đôi bàn tay in dấu thời gian...
Chợ là nơi giao lưu giữa các dân tộc với nhau, cũng là nơi giao thoa của nhiều vùng, miền văn hoá. Chợ Sín Chéng còn giữ được rất nhiều nét bản sắc độc đáo mà bất kỳ nhà nghiên cứu văn hoá nào nếu chỉ đọc qua sách vở cũng không thể tìm thấy hết được. Đến chợ phiên Sín Chéng cho ta niềm tin vào sự bền vững của những giá trị văn hoá.
Hội xuân Say Sán
Có một lễ hội mùa xuân ở rất sâu sau những dãy núi cao, nơi đầu nguồn sông Chảy, nơi sa mộc reo vi vu trên những đỉnh đồi gió lộng, nắng lấp lánh trên những chiếc ô màu và chân váy căng phồng của người Mông ở Simacai. Xuân về, bạn hãy cùng chúng tôi đi “say sán” ở Sín Chéng (Simacai, Lào Cai).
< Đi hội xuân còn để thưởng thức những món ăn ngon.
Người dân tộc thiểu số ở các vùng đất khác nhau có nhiều cách gọi tên cho lễ hội đón xuân: người Tày ở Tây Bắc xuống đồng vui hội Lồng Tồng, người Mông ở Pha Long, Sa Pa chơi hội gầu tào thì người Mông, Tày, Nùng ở Sín Chéng vui hội Say Sán, theo tiếng địa phương có nghĩa giản đơn là “đi chơi núi”.
Rời Hà Nội trên chuyến tàu đêm đi Lào Cai, chúng tôi khao khát được hít thở hương xuân giữa đất trời lồng lộng, được ngẩn ngơ trước những cành đào rừng đỏ thắm khỏe khoắn và hoa mận trắng tinh khiết, được sống với cảm xúc mùa xuân cùng đồng bào miền biên thùy…
< Mùa xuân bắt đầu trên những cánh đồng.
Từ Simacai ngược dòng sông Chảy, chúng tôi rời con lộ đi Pha Long - Mường Khương rẽ lối vào Sín Chéng, xã trung tâm của huyện Simacai, cách huyện lỵ khoảng 10km.
Buổi sớm tinh mơ và sương khói trên con đường đá sỏi nhấp nhô, hai bên núi và núi, cây và cây. Nắng sáng bừng trên những ngọn sa mộc tạo nên một khung cảnh thơ mộng trên đường vào thôn Mào Sao Phìn của Sín Chéng. Mặt trời chưa đủ ấm để xua tan cái lạnh ẩm ướt đang la đà trên mặt đường.
Mùa xuân đang “say sán” qua đây.
< Bà chủ hàng phở không ngơi tay.
Mới vào xuân nhưng đã thấy có người dắt trâu lên núi, thấp thoáng bóng phụ nữ cắt cỏ trên đồi, chiếc váy Mông xòe to lẫn vào cây bụi. Trong khi rất nhiều người đang say sưa chơi hội, trên cánh đồng bà con đã cày bừa. Trẻ theo cha mẹ ra đồng, đứa lớn cuốc đất, đứa bé ngồi chơi trên bờ cỏ. Phải chăng mùa xuân cũng bắt đầu từ trên những cánh đồng?
Sín Chéng nằm trên vùng cao hùng vĩ, hiểm trở, độ dốc lớn, lại bị chia cắt thành những thung lũng sâu và nhỏ nằm chen với những dãy núi, tạo thành vách đứng nên có được một khoảng đất khá rộng ở thôn Mào Sao Phìn để tổ chức hội Say Sán quả là lý tưởng.
< Hát giao duyên dưới gốc cây nêu.
Say Sán ban đầu là nơi giao duyên, hò hẹn của trai gái người Mông sau một năm làm việc vất vả; dần dà phát triển với ý nghĩa rộng lớn: lễ tế tổ tiên, cầu phúc cho người Mông được che chở, sống một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, con cái sum vầy.
Trên sườn đồi người ta dựng cây nêu cầu phúc, phần ngọn là một cành mai để nguyên lá cuộn tròn tượng trưng vầng nhật nguyệt, có một dải dây màu đỏ và đen tượng trưng đất và trời.
< Các bé theo mẹ đi hội.
Phần lớn phụ nữ và đàn ông trung niên tụ tập quanh gốc nêu để uống trà và hát giao duyên, trong khi cánh thanh niên chia làm nhiều nhóm nhỏ đứng ngồi khắp nơi, bất kể mặt trời lên đốt cháy quả đồi cát bụi và những quán ăn không có mái che, chỉ có bàn gỗ, ghế gỗ và nồi nước dùng bốc hơi nghi ngút hòa vào với nắng trưa tạo nên một thứ sương khói lung linh, bảng lảng.
Chúng tôi bị cuốn theo những nhịp váy xòe của người Mông ở Simacai. So với nhiều nhánh dân tộc Mông khác, trang phục truyền thống của họ đặc biệt hơn: chiếc váy thổ cẩm rộng và dài xuống tận gót chân, sắc hồng tươi lấp lánh, xòe bung dưới nhịp chân uyển chuyển của các bà các cô, uốn lượn như những đợt sóng trào, gợi cảm và quyến rũ.
Bạn tôi sà vào một quán phở nằm giữa trung tâm hội, ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ rồi đi xuống cuối con đường hội phủ đầy hàng quán để mua xôi màu, trứng luộc, mía tím… mà vẫn tiếc nuối vì chưa kịp mua con gà thì chủ quán đã chặt hết để bán phở!
Tôi ngơ ngẩn trên sườn đồi, nghe hương xuân hội hè ồn ào và rộn rã chảy miết quanh mình. Tiếng hát gầu plềnh bay cao hơn ngọn nêu về với trời cao, về phía núi hay về phía những trái tim yêu. Lời hát chở đầy yêu thương và tin tưởng: Nước chảy, mặc nước chảy… Đất không chảy được đâu… Anh đi anh cứ đi… Em không đi em sẽ phải lên núi, lên đồi em khóc…
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Tin 108, TTO, internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét