Gò lưng trên những chiếc xe máy cà tàng cùng dăm tạ hàng phục vụ Tết, những “tiểu thương di động” đang có mặt ở khắp các bản làng xa xôi của miền Tây xứ Nghệ, chở Tết lên ngàn cho đồng bào dân tộc.
Cuối năm, khi sạ vụ xuân vừa chớm, những thương lái từ các huyện đồng bằng ở Nghệ An như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành,… lại gom hàng Tết để chở đến phục vụ đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi. Gọi là thương lái nhưng thực ra họ là "đội quân xe thồ" buôn vặt hàng trăm thứ hàng trên những chiếc xe máy quá đát, được gắn thêm cơ man nào là giá chở hàng.
Thức dậy từ 3 giờ sáng với chiếc xe chở đầy hàng tạp hóa, đoàn xe thồ của anh Lê Quang Hòa ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu tất tả chuẩn bị đưa hàng đến phục vụ bà con các bản làng dọc quốc lộ 7.
Địa điểm đầu tiên mà anh Hòa lựa chọn là bản Cao Vều (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn). Tiếp giáp nước bạn Lào, Bản Cao Vều bị chia cắt bởi những vực cao, khe sâu, những lèn đá cao ngút và con đường độc đạo quanh co.
Để ra được trung tâm xã mua sắm trong dịp Tết, bà con dân tộc Thái ở đây phải hết sức vất vả, chính vì vậy những “tiểu thương di động” này đã có mặt kịp thời để đáp ứng nhu cầu ấy của họ.
"Trước đây, nhu cầu nhiều nhất của bà con dân bản là các loại hàng tiêu dùng như mắm muối, xà phòng, quần áo, bánh kẹo Tết, hiện nay, khi đời sống của người dân ngày càng cao, họ còn có nhu cầu mua điện thoại di động, sim, card nữa. Dịp Tết này, nhu cầu nhiều của họ là các loại băng đĩa và hàng phục vụ Tết như quần áo, bánh kẹo,...", một thương lái tâm sự.
Sau gần một ngày bán hàng ở Cao vều, chiếc xe thồ của anh Hòa cũng nhẹ đi gần một nửa, anh cùng nhóm buôn quay ra thị trấn Anh Sơn để bổ sung hàng, đưa lên các bản làng xa hơn.
Thêm nửa ngày gò lưng trên những con ngựa sắt quá đát, những ổ gà, ổ voi trên quốc lộ 7B, đoàn tiểu thương đến bản Cánh, xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn). Trong khi tốp của anh Hòa dừng lại để bán hàng ở Tà Cạ thì một nhóm khác tiếp tục dọc theo sông Nậm Mộ, vào Mường Ải, Mường Típ. Tiếng lách cách của đoàn xe thồ, tiếng thở hổn hển của những tiểu thương cứ vang lên dọc con đường nhấp nhô.
Từ nhiều năm nay, sự có mặt của đoàn buôn xe đã trở thành một nét sống mới của đồng bào quốc lộ 7B. Từng bản làng họ qua đều nhộn nhịp hẳn lên. Những người phụ nữ, thanh niên dân tộc Mông kéo đến vây kín xe hàng. Tiếng gọi nhau í ới, lời mặc cả bập bẹ bằng tiếng Kinh làm cho không khí ở đây như một cái chợ thu nhỏ.
Chị Lầu Y Xồng vừa chọn hàng vừa hăm hở: “Trước đây, muốn sắm hàng tết thì dân bản chỉ biết ra chợ Mường Xén hoặc đi chợ phiên ở Huồi Tụ, Mường Lống… Nhờ có những người dưới xuôi lên đây bán hàng, bà con dân bản mới đỡ vất vả hơn”.
Nói về chất lượng của những mặt hàng tết, một lái buôn quả quyết rằng “Mặc dù đưa hàng miền xuôi lên rất vất vả để bán cho bà con dân tộc nhưng không vì thế mà chúng tôi chọn hàng giả, hàng kém chất lượng. Các loại thực phẩm phục vụ đều được lựa kĩ lưỡng rồi mới đưa lên phục vụ đồng bào. Ngày Tết mà, ai lại bán hàng giả, hàng nhái”.
Không biết lời quả quyết của anh lái buôn kia chắc chắn đến đâu nhưng chỉ trong vài giờ đồng hồ, hầu hết số hàng trên xe của các lái buôn đều hết veo. Bà con trở về nhà với tâm trạng vui mừng, hớn hở vì sắm được hàng Tết; nhiều người chưa có tiền thậm chí còn mang các loại đặc sản của vùng đồng bào dân tộc như gà đen, lợn nít, con dao, cái khèn,... để bán lại hoặc đổi hàng cho các thương nhân.
Buổi bán hàng kết thúc cũng là lúc những người đi buôn như anh Hoàn tìm vào các gia đình trong bản tranh thủ mua các loại lâm đặc sản của vùng cao để mang về xuôi bán kiếm lời. Ai cũng nhanh chân để còn kịp về xuôi chuẩn bị hàng cho những cuộc hành trình tiếp theo. Dự kiến lần này sẽ là chuyến đi “tất niên” vì vậy họ phải chuẩn bị thật nhiều hàng phục vụ Tết cho bà con.
Vậy là, trên đường trở về xuôi, những chiếc xe thồ còn nặng gấp nhiều lần lúc lên đường với cơn man các loại sản vật vùng cao được người dân đồng bằng ưa thích như khoai sọ, bầu bí, lợn đen, gà đen, cành đào đá....
"Mỗi chuyến đi mất 200 - 300 ngàn tiền xăng nhưng nhờ mua đi, bán lại cả hai chiều nên những người chịu khó cũng có được đồng ra đồng vào, góp phần để nuôi các con ăn học, cũng nhờ vậy mà mâm cơm tất niên của gia đình thêm phần tươm tất", anh Hòa tâm sự.
Quanh năm chạy như con thoi từ đồng bằng lên vùng rẻo cao, biên giới, những tiểu thương di động không mong Tết đến sớm mà chỉ mong chân cứng đá mềm. Quen dần với những chuyến hàng ngược núi lên ngàn, nhiều người dân hai bên quốc lộ 7 cho rằng, những chuyến đi ấy đã giúp chở tới họ bao niềm vui, niềm hi vọng và không khí tết miền xuôi, góp sức xây dựng khối đoàn kết toàn dân, điều mà không phải đoàn ô tô sang trọng nào cũng làm được…
Du lịch, GO! - Theo Nguyên Khoa, VnExpress, Dantri...
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét