Người săn được vé máy bay giá rẻ thì tranh thủ đi chơi tết ở nước ngoài, còn chúng tôi chọn cách trek (đi bộ) lên rừng với phong cách ba không: không người dẫn đường, không người khuân vác đồ, không nghỉ ở các trạm dịch vụ.
“Chưa biết gì đâu đấy. Đi qua nhìn lên chỉ thấy các đỉnh nối nhau, trùng trùng, điệp điệp, vời vợi, thăm thẳm”- thủ lĩnh của nhóm quảng cáo về hành trình sắp tới- đèo Khau Cọ, nửa mời gọi nửa thách thức. Vậy là đủ khiến gần chục đứa cả nam lẫn nữ ngứa ngáy chân tay, lục đục chuẩn bị ba lô, túi ngủ để tết này lên đường.
Người ta có nhiều lý do buộc phải chia tay gia đình sớm, như là sự thúc ép của công việc, hấp dẫn hơn chút nữa là có một người đặc biệt đang chờ đợi ở đâu đó. Tôi thì chỉ đơn giản là đi theo tiếng gọi của sự ham chơi và mê thích khám phá những vùng đất mới.
Chinh phục chính mình
Du lịch bụi đã trở thành thú vui rất phổ biến của người trẻ và chưa già ở thành phố. Người săn được vé máy bay giá rẻ thì tranh thủ đi chơi nước ngoài, đa số chọn những địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước để chơi xuân. Còn chúng tôi, chọn cách lên rừng và… đi bộ (dân phượt quen gọi là đi trek) với đích đến ưa thích là Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Đã ba bốn cái tết, tôi khoác ba lô hăm hở lên đường khi cành đào trong nhà vẫn còn đầy nụ. Thường thì phải bịa ra một lí do khẩn thiết nào đó để giải thích với cha mẹ nên cũng có chút áy náy trong lòng.
Bập ngay vào món khủng là chinh phục đỉnh Phan Xi Phăng cùng nhà Long Nhong vào Tết Dương lịch năm 2008, chuyến trek đầu tiên trong đời với tôi là một chuyến đi bão tố. Hàng ngàn người đã hăm hở chinh phục đỉnh cao đầy thách thức này, vài trăm người trong số đó đã ngậm ngùi quay về vì không đủ sức dù được sự hỗ trợ đắc lực từ những người dẫn đường và khuân vác đồ lành nghề người Mông.
Ác thay, nhà Long Nhong chỉ sùng bái phong cách “nhiều không”: không người dẫn đường, không người khuân vác đồ..., lại chọn đúng đường Sín Chải, con đường được coi là khó nhất để khởi hành. Vậy là tôi chinh phục đỉnh Phan với ba lô đựng vật dụng cá nhân và đồ ăn, thức uống, chừng hơn 10kg nặng trĩu trên vai. Ba lô của đám con trai còn nặng hơn nhiều, vì phải thồ thêm cả lều bạt, nồi niêu.
Ngày đầu tiên của chuyến đi. Những con dốc thẳng đứng nối tiếp nhau hiện ra như trêu ngươi. Hàng chục lần có cảm giác mình sắp ngất đi. Vài giờ đồng hồ kể từ lúc khởi hành, ý nghĩ quay về đã bắt đầu thấp thoáng. Chỉ đến khi bắt gặp vẻ mặt vô cùng nhẫn nại của trưởng nhóm khi lặng im đứng chờ mình ngồi nghỉ lấy sức, một ý chí vô hình mới trỗi dậy, đẩy lùi hoàn toàn ý định đầu hàng đáng xấu hổ.
Sau này, mỗi khi định đầu hàng cái gì đó trong cuộc sống, tôi thường nghĩ lại giây phút ấy. Nếu như dừng lại lúc đó, tôi sẽ không bao giờ biết đến cảm giác bình yên và tự do tuyệt đối khi ngả lưng trên một đỉnh núi trong ánh nắng chiều, giữa thiên nhiên hùng vĩ. Hay cảm giác ấm áp đến trào nước mắt khi 4, 5 người lớn chia nhau một miếng lê bé xíu. Người nọ giả bộ bảo không thích ăn để nhường người kia dù đang đói meo và khát khô họng.
Trưởng nhóm của chúng tôi thông thạo đường lên Phan không thua gì người Mông nên hai đêm đầu của hành trình, chúng tôi đều chọn được những nơi rất đẹp trong rừng trúc để nghỉ chân. Rừng trúc trên Hoàng Liên Sơn đẹp không thua gì cảnh phim Anh hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu nổi tiếng. Trong khi đám con trai khẩn trương đi dựng lều, lấy nước, kiếm củi để nổi lửa nấu cơm thì lũ con gái cứ ngồi lì một chỗ vì quá mệt.
Có vẻ như lười biếng là một đặc quyền của phái nữ trong những chuyến đi vất vả như thế này. Buổi sáng, lũ con gái cũng nằm cố. Chỉ đến khi tiếng củi cháy nổ lép bép cùng mùi thơm của mì tôm hoặc cà phê bay vào trong lều mới chịu chui ra khỏi túi ngủ, chạy đến tranh ngay những chỗ đẹp bên bếp lửa để sưởi ấm và tranh thủ ăn xúc xích nướng.
Trải nghiệm thú vị hơn đích đến
Thử thách thực sự đón đợi chúng tôi là vách đá dựng đứng, gần như phẳng lì nằm khá gần đỉnh Phan. Cách duy nhất để vượt qua là đu dây thừng mà leo lên. Nước uống bị thiếu, một số thành viên láu cá vì quá mệt, đã giả vờ bỏ quên chai nước của mình lúc nghỉ chân để giảm tải.
Cả đoàn 11 người còn lại chừng 1/3 chai lavie. Trưởng đoàn lẳng lặng lấy nửa quả chanh tươi vắt vào chai nước, tỉ mẩn rót từng nắp nhỏ chia cho mọi người để uống lấy sức trước khi vượt qua thử thách. Lúc bắt đầu cầm tay vào dây thừng, tôi có cảm giác tim mình ngừng đập và không nhớ nổi là đã vượt qua cái vách núi hãi hùng đó như thế nào.
Rồi đỉnh Phan Xi Phăng cũng hiện ra. Thực lòng thì đó không phải là một cảm giác kỳ thú như tưởng tượng. Phan Xi Phăng không phải là một ngọn núi mà là một đỉnh nằm trong dãy Hoàng Liên. Đặt chân lên nó cũng từa tựa như cảm giác đặt chân lên hàng chục đỉnh núi khác mà chúng tôi đã vượt qua trong suốt hành trình. Có thành viên đã đứng lặng hồi lâu vì hụt hẫng. Quả thực, sự thú vị của mỗi cuộc hành trình không hẳn nằm ở đích đến, mà là ở những trải nghiệm trên đường đi.
Chuyến đi của chúng tôi chỉ thực sự bão tố trên đường xuống, dù chọn con đường dễ nhất và ngắn nhất là đường Trạm Tôn. Góp phần lớn làm nên bão tố không ai khác chính là người viết bài. Ngón chân cái dài quá khổ bắt đầu chúc vào mũi giày khi liên tục xuống dốc, từ từ trở nên bầm tím và đau buốt theo mỗi bước chân.
Non nửa chặng đường trở xuống tôi phải di chuyển bằng cách bò hoặc vịn vào đồng đội để đi ngang, làm chậm tốc độ của cả đoàn. Thay vì 7h tối có thể vui vẻ ở thị trấn Sa Pa như dự định, tôi khiến cả đoàn 10h khuya vẫn mò mẫm trên núi trong đói, rét và lạc đường vì bóng tối.
Cảm giác bất lực với bản thân khi để mình trở thành gánh nặng của đồng đội khiến tôi òa khóc như đứa trẻ. Sau 6 giờ đồng hồ mệt lả trong bóng đêm, chúng tôi đến được trạm gác rừng dưới chân núi đúng vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm 2007 và năm 2008. Về tới Hà Nội, tôi ốm liệt đúng một tuần sau đó.
Đỉnh núi không thể tới
Hai tháng sau, khi hai đầu ngón chân cái của tôi vừa hết cảm giác đau, chúng tôi lại tiếp tục lên đường vào tối mùng 4 Tết Nguyên đán. Đó là những ngày nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét khủng khiếp hoành hành ở miền núi phía Bắc mà có lẽ nhiều người chưa quên.
Lần này là đi tìm ngọn núi cao thứ hai của dãy Hoàng Liên. Nghe đồn, nó nằm ở khu vực gần bản Nậm Cang, bản tận cùng của huyện Sa Pa, cách thị trấn chừng 40km. Hỏi thăm dân bản: Ở đây, ngọn núi nào cao nhất? Núi nào cũng cao. Nhưng có thú, nhiều bẫy thú nữa. Chúng mày đi vào rừng sẽ trúng bẫy đấy. Vậy thì đi hướng nào? Đi hướng kia kìa. Men theo bên kia mờ suối rồi đi lên dãy núi mờ mờ sương ấy.
Chúng tôi rời bản đi tìm ngọn núi cao với một lời chỉ dẫn mơ hồ như thế. Sau hai đêm rét run người trong rừng thảo quả trên núi, chúng tôi đành quay về vì không thể xác định được phương hướng. Bù lại cho nỗi thất vọng không đạt được mục tiêu là đêm thứ ba dựng lều bên bờ suối đẹp như mơ ở gần bản. Cho tới giờ, ngọn núi đó vẫn còn là nhức nhối với các thành viên nhà Long Nhong.
Nhà Long Nhong là gì?
Nhà là cách gọi thân mật của dân phượt để chỉ một nhóm thành viên của các diễn đàn trên mạng hay đi du lịch bụi cùng nhau. Chỉ riêng ở Hà Nội, có tới cả trăm nhà đã được thành lập và thường phượt bằng xe máy. Chinh phục những cung đường, khám phá những nơi rừng sâu núi cao, các bản làng xa xôi bằng chính đôi chân có lẽ chỉ có nhà Long Nhong.
Nhà Long Nhong ra đời năm 2001, sau một cuộc hội ngộ tình cờ trên đường đi Phan của 5 thành viên chủ chốt là Long Nhong (trưởng đoàn), Mã Viện, Kỳ đà mốc, Sóc và Ăn xin. Họ đều là họa sĩ và có chung niềm đam mê trek.
Mỗi năm, nhà Long Nhong chỉ thực hiện 1-2 chuyến đi vào Tết Dương lịch hoặc âm lịch, vì không thể trek giữa mùa hè. Những cung đường núi non kỳ thú ở núi rừng Tây Bắc như Mù Căng Chải (Yên Bái)- Văn Bàn (Lào Cai), Văn Bàn- Nậm Cang, Mường Hum- Y Tý (Lào Cai), rừng nguyên sinh Chế Tạo từ Yên Bái đến Sơn La hay con đường đá đi tuần của người Pháp trên dãy Nhìu Cồ San nối từ Y Tý (Lào Cai) sang Phong Thổ (Lai Châu)… đều đã in dấu chân nhà Long Nhong.
Kỷ niệm kinh hoàng nhất mà họ từng trải qua trong gần 10 năm là chuyến đi từ Văn Bàn đến Nậm Cang năm 2007. Trưởng đoàn Long Nhong nhớ lại: “Lúc đó vừa đi qua một rừng vầu, bỗng dưng nghe thấy tiếng nổ như pháo phía sau lưng, khói mù mịt. Kinh hoảng nhận ra là cháy rừng. Vậy là dẫn cả đoàn cắm cổ chạy về phía rừng già trước mặt. Chạy mãi cho tới khi đụng phải một đỉnh núi dựng đứng, không thể vượt qua được nên quay lại.
Rừng vầu rộng lớn trước đó đã biến mất, chỉ còn trơ lại những khoảng đất cháy đen thui. Vừa đi qua vừa rùng mình tưởng tượng nếu buổi sáng cả đoàn không chạy kịp…”.
Trưởng đoàn Long Nhong tên thật là Nguyễn Ngọc Anh, chỗ dựa tinh thần tin cậy của cả đoàn. Có lẽ sẽ đến 2/3 thành viên nhà Long Nhong không bao giờ xách ba lô lên đường nếu không có vị trưởng đoàn nhỏ nhắn và thư sinh này. Anh Long Nhong bắt đầu những chuyến đi từ năm 1999, vì quá mê chương trình Thế giới động vật trên tivi. “Càng đi càng thấy mê hơn. Ban đầu chỉ là thỏa mãn nhu cầu được khám phá, dần dần có được nhiều bài học cho cuộc sống nhờ những chuyến đi”- Long Nhong chia sẻ.
Không thể không nhắc đến Sóc, nhiếp ảnh gia của nhà Long Nhong. Sóc tên thật là Thành Thế Vinh. Sóc trek chuyến đầu tiên vào năm 19 tuổi, bắt đầu từ sự hiếu thắng của tuổi trẻ. Dần dần cậu bị mê hoặc bởi âm thanh của tiếng súng kíp, tiếng suối vọng giữa núi rừng và những khó khăn lúc băng rừng, vượt suối giúp cho chàng họa sĩ hiểu rõ mình hơn. Kho ảnh của Sóc, nếu mang ra triển lãm có lẽ sẽ là một triển lãm sinh động nhất về cuộc sống của người dân các bản làng men theo dãy Hoàng Liên.
Gần 10 năm tồn tại, sự gắn bó của các thành viên nhà Long Nhong đã vượt xa mối quan hệ giữa những người quen nhau qua mạng để trở thành một gia đình thực sự. Có lẽ chính vì thế, Long Nhong trở thành một cái tên đặc biệt giữa hàng trăm cái tên trên mạng TTVNOL.
Tết này, nhà Long Nhong chúng tôi lại đi đèo Khau Cọ, bạn có đi không?
So với phượt bằng xe máy, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những người bạn đồng hành khi trek lớn hơn nhiều. Phần lớn bản tính tốt xấu của mỗi người sẽ được bộc lộ trong những lúc khó khăn của chuyến đi. Nếu như có ai đó là người đồng hành tốt của bạn sau một chuyến trek dài ngày và nhiều thử thách thì hãy tin tôi, họ sẽ là người bạn tốt của bạn trong cuộc sống.
Du lịch, GO! - Theo Baomoi, internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét