Mùa không chiêm bái và hành hương, thánh địa La Vang an trú trong sự yên tĩnh bao la của đất trời, ngôi tháp chuông - dấu vết kiến trúc xưa còn sót lại sau những biến động của lịch sử trầm mặc giữa sân lễ, chốn dành cho đức tin tự bao giờ đã mướt xanh những tản đá cổ thụ.
Du lịch Miền Trung - Mùa không chiêm bái và hành hương, thánh địa La Vang an trú trong sự yên tĩnh bao la của đất trời, ngôi tháp chuông - dấu vết kiến trúc xưa còn sót lại sau những biến động của lịch sử trầm mặc giữa sân lễ, chốn dành cho đức tin tự bao giờ đã mướt xanh những tản đá cổ thụ.
Từ thành phố Huế đi 58km, về hướng bắc là đến giáo phận La Vang của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nơi được công nhận là trung tâm hành hương lớn của người Công giáo.
Nét xưa
Thời các chúa Nguyễn vào khai phá Đàng Trong, nơi đây nằm trong khu vực được gọi là Dinh Cát (dinh xây trên cát). Nói đến La Vang là nói đến số phận chìm nổi của một hệ thống công trình tu viện cổ và cả những huyền ngôn của người và đất xứ này.
Theo tác giả Trần Quang Chu, người đã dày công sưu tầm các tư liệu về thánh địa thì vào năm 1894, nhà thờ đầu tiên ở đây đã được xây dựng và khánh thành nhân dịp đại hội La Vang lần thứ nhất. Khi đó, giáo đường được lợp ngói, không gian bên trong được thiết kế theo kiểu Việt Nam, trang trí bên ngoài thì theo phong cách phương Tây.
Giai đoạn rực rỡ nhất của thánh địa là lúc bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang được đặt trong ngôi nhà thờ ngói vào năm 1900 và ngày giếng Đức Mẹ được khơi dòng năm 1903, mang đến cho mọi người mạch nước tinh khiết mát ngọt. Rồi sự kiện ngôi đền thánh La Vang được mở rộng vào năm 1928 để đón tiếp dòng người mộ đạo từ khắp nơi.
Theo tư liệu mô tả thì hình ảnh thánh đường với hai tầng mái và hai cánh thánh giá cổ điển, cùng với cây tháp vuông hai tầng cao nhất luôn nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa. Trải qua thời gian, nhà thờ bị hư hại nặng. Đến năm 1959, cuộc đại trùng tu với hệ thống tường gỗ được thay bằng sắt đã mang đến cho nhà thờ một diện mạo mới. Chưa kể, Linh đài bát cũng là một trong những công trình trọng điểm của hệ thống thánh địa. Linh đài bát giác hiện nay đã không còn nữa mà nhường chỗ cho Linh đài ba cây đa nhân tạo tồn tại cho đến tận bây giờ.
Và thánh địa của những ngày mai
Trong cái bắt tay giữa hiện thực và mộng ảo, người ta đã chọn diễn đạt khả năng kết hợp vi diệu này bằng ngôn ngữ của các không gian kiến trúc tâm linh. Những công trình xây dựng ở La Vang còn tồn tại hiện nay là do chính bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Trái tim của công trình tái tạo cảnh quan này chính là hình tưởng ba cây đa bằng bê tông cốt thép cao 16,5m đến 21m (khởi công năm 1963). Chúng vươn mình trên một đồi đá hình đa giác. Để đến được với chiếc bàn đá được làm bằng đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn, du khách phải men theo hệ thống các bậc thềm to nhỏ, rộng hẹp, cao thấp khác nhau. Hơn 40 năm đã trôi qua, công trình này vẫn giữ được nguyên vẹn hiện trạng ban đầu, chỉ thay đổi phần trang trí mỹ thuật bên ngoài.
Đến với La Vang hiện nay, du khách có thể dừng chân viếng nhà nguyện Đức Mẹ. Tại đây có đặt bức tượng Mẹ trong bộ trang phục truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, công trường Mân Côi cũng đã được tái thiết hầu như nguyên trạng ban đầu với thành bao quanh, sân cỏ với lối đi cũng là lộ trình kiệu được lát gạch chạy thẳng từ cổng tam quan đến lể đài. Là hình ảnh thu nhỏ đàn tế Nam Giao ở Huế, lễ đài dưới có nền vuông tượng trưng cho đất và phần lễ đài trên hình tròn tượng trưng cho trời.
Từ hai nền đất vuông tròn ấy vươn lên tám chiếc lọng vàng (thấp), xanh (cao) thoe hình tứ trụ. Một chiếc độc lập, cao hẳn trấn thủ đỉnh đài, tạo cảm giác đường bệ uy nghi. Tại đây chính là nơi cử hành các thánh lễ đồng tế , vừa dùng làm sân khấu cho những đêm diễn nguyện .
Ngoài ra, công trình còn có nhà truyền thống với mỗi phòng đều là nơi cất giữ các tư liệu khảo cứu về lịch sử Đức Mẹ La Vang. Gần đó là quãng trường có tên Thánh tâm chúa Giêsu được tái hiện gần như nguyên bản bốn mươi năm trước, trên nền vị trí cũ. Vẫn còn nguyên đó di tích tháp chuông cổ bên cạnh công trình mới - nhà hành hương - đang làm hồi sinh lại vẻ tráng lệ của không gian thánh địa một thời.
Với diện tích trên 4.000m2, được chia thành các phòng cá nhân, tập thể, nhà nguyện, phòng sinh hoạt, nhà ăn... không gian nơi đây dành để phục vụ cho số người hành hương trong và ngoài nước đến với thánh địa vào các dịp đại hội, mùa hành hương.
Du lịch, GO! - Theo DNSGCT, ảnh internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét