Không khí Tết khởi sự từ những phiên chợ Tết đầu tháng Chạp cho đến tận đêm giao thừa. Mọi thứ hàng hóa theo các ngả đường từ miền Tây và miền Trung đổ về thành phố mang theo hương vị Tết làm náo nức lòng người. Mọi nhà đều lo chuẩn bị sắm Tết.
Người Sài Gòn ăn Tết không cầu kỳ như người Hà Nội hay người Huế nhưng tiêu xài cho ngày Tết rất tốn kém. Món ăn của người Sài Gòn thật đơn giản. Họ chỉ thích uống rượu lai rai. Bởi uống lai rai thì món nhắm phải thật nhiều. Bởi vậy, nhiều nhà thường mua trữ những loại đồ khô như cá khô, tôm khô, thịt khô, lạp xường đã được chế biến ngon lành để cho ngày Tết, mỗi khi cần là nướng lên uống rượu cho đỡ công.
Cũng giống như miền Trung và các tỉnh Nam Bộ, ngoài bánh mứt, nhà nào cũng sắm khá nhiều hạt dưa để cắn cho vui và tiếp khách. Món ăn no bụng là bánh tét, nhà nào bận công việc làm ăn, buôn bán thì đặt bánh ở các tiệm hay mua ngay ở chợ.
Nhiều nhà giàu còn gói bánh tét có vẻ cầu kỳ, nhân bánh thêm lạp xường, tôm khô. Mâm cỗ Tết ở Sài Gòn bao giờ cũng có bánh tét, thịt kho, dưa kiệu, nem bì, dưa giá... Dưa giá được muối chung với măng luộc thái mỏng, củ kiệu thái lát, ớt chua và cà rốt thái nhỏ. Nem bì thì làm bằng thịt heo luộc và thịt ba chỉ rán vàng thái chỉ, sau đó trộn thính với gia vị. Bánh tráng cuốn nem với rau sống, chấm với nước mắm ớt, tỏi kèm kiệu chua. Ngoài ra còn có món thịt hầm lấy từ bắp đùi heo hầm cho nhừ với vài vị thuốc bắc, để ăn chơi chứ không ăn với cơm. Một món khác là thịt kho tàu (thật ra người Tàu ở Chợ Lớn lại không ăn phổ biến món này).
Người ta dùng thịt ba chỉ (ba rọi) cắt từng miếng to, vuông vức, mỗi bề chừng 4cm cho vào nỗi kho với một quả dừa xiêm để món thịt kho ấy có vị dịu thơm. Thịt kho tàu thường kho nhạt nước, miếng thịt chín nhừ, mỡ trong mà không nát, ăn vào miệng thấy mát và cứ như tự nó tan ra ở trong miệng. Nhiều nhà còn cho thêm cả chục trứng vịt luộc vào nồi kho chung với thịt. Thịt kho tàu thường ăn kèm với dưa giá và dưa kiệu vừa giòn vừa dai, ăn ngon mà không ngấy.
Món rau thì có một thứ rất được ưa thích và phổ biến là món dưa giá, khác với dưa hành miền Bắc, dưa món miền Trung. Còn món ăn tráng miệng nhất thiết phải là dưa hấu. Có những quả to như cái thúng, thịt dày, xốp, ngọt lim. Dưa vừa bổ, nước mật tươm rít cả lưỡi dao, thịt thì óng ánh như hạt đường cát mịn. Ai bổ dưa hấu ra vào ngày đầu năm mà ruột tái nhợt thì buồn da diết vì tin rằng thời vận trong năm mới không đỏ! Đó là tàn dư mê tín dị đoan của tục bói dưa hấu đầu năm.
Ngày Tết, trong mâm cỗ còn có món chả giò. Chả giò là món ăn giống như nem rán ở ngoài Bắc nhưng cây chả giò ở đây chỉ to bằng ngón tay cái, khi ăn không phải cắt làm đôi hay làm tư. Thịt vịt người Sài Gòn không kiêng cữ vì họ quan niệm, vịt không mang lại điềm xấu, cho nên ngày Tết, vẫn dùng bữa như ngày thường. Thịt gà thì quen ăn xé phay mà không chặt. Gà luộc đem xé miếng, trộn dấm kèm hoa chuối, bắp cải tươi thái mỏng thêm rau răm và các loại rau thơm khác. Hầu hết các món ăn đều để nguội, chỉ có món chân giò hầm với mấy vị thuốc bắc và món mướp đắng (trái khổ qua) khoét ruột nhồi thịt heo băm nát vào đó rồi hầm nhừ để ăn nóng.
Trong 3 ngày Tét, người Sài Gòn, ngoài món bánh tét, dưa hấu, thịt kho, nem bì còn phải kể đến các loại mứt, hạt dưa và một số bánh cúng.
Trên bàn thờ, mâm ngũ quả bao giờ cũng có đu đủ, quả sung để quanh năm cầu cho đủ ăn, sung túc. Rồi quả cam mật Cái Bè, vú sữa Cần Thơ, quýt đường Vĩnh Long, bưởi Biên Hòa, xoài Cao Lãnh... nghĩa là nhiều quả chứ không phải ngũ quả! Đó là chưa kể hai quả dưa hấu bày hai bên bàn thờ. Trên mỗi quả còn dán thêm giấy hồng điều gần bằng bàn tay cho đẹp. Có nhà lại bày mâm ngũ quả theo sự mong ước "Cầu- Vừa - Đủ - Sài" tức bốn loại quả "mãng cầu, quả dừa, quả đu đủ và quả xoài" - nói theo giọng Nam bộ, quả dừa tức là "vừa", quả xoài tức là "xài".
Bước sang mồng 4 Tết, sau khi ăn thịt kho, thịt hầm, lạp xường đã ngán, người ta bắt đầu đổi món, tức ăn loại món ăn nhẹ bụng, có nhiều gia vị dễ tiêu. Họ nấu cháo cá ám, bún cá quả, gà luộc. Nhà đông người cúng nhiều con gà cho đủ ăn. Có nhà ăn cháo gà với thịt gà xé phay. Món cháo cá ám nấu rất kỹ, để nguyên con cá không chặt khúc và khi nấu cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám).
Các món ăn trong 3 ngày Tết mỡ nhiều, qua mồng 4 ăn tô cháo cá ám có kèm rau ghém xắt nhỏ, chuối cây non và rau thơm vừa nhẹ nhàng cái bụng lại thêm ngon miệng.
Du lịch, GO! Theo Theo lananhbirds và nhiều nguồn ảnh khác
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét