Tết đem lại niềm hy vọng cho tất cả mọi người, kể cả những con người có số phận hẩm hiu, khốn khổ nhất. Tết là của chung, của tất cả. Tết hun đúc từ khí hạo nhiên của đất trời, khởi đầu một mùa xuân- mùa tràn trề sức sống nhất trong năm.
Tết cũng đồng nghĩa với cái đẹp của đất trời của con người và chuyên chở những niềm hy vọng xanh tươi. Đó cũng là lý do người ta thường chúc xuân bằng những lời có cánh với đầy đủ phúc-lộc-thọ.
Tết sớm
Với người Việt Nam, Tết rất quan trọng và cũng đến…rất sớm! Có lẽ người phương Tây hết sức ngạc nhiên khi người Việt chuẩn bị đón Tết từ vài tháng trước đó. Chuyện đó bình thường nếu cách đây vài chục năm khi nước ta có đến 90% dân làm nông nghiệp.
Không khí Tết chớm về khi gia chủ trồng những cây vạn thọ con con, gầy những chậu hoa cúc, chăm cây mai cây đào để nở hoa đúng Tết. Người ta chuẩn bị từng ang, giạ nếp, lo trước từng cụm lá dong, lá chuối hột để gói bánh chưng.
Mùa xuân dọ dẫm từng bước để rồi khi cả làng dậy nức mùi hương mứt gừng, mứt bí, mứt dừa…thì Tết đã đến thật gần. Và khi nồi bánh chưng reo vui trên ngọn lửa hồng ấm áp trong những căn nhà thì Tết đã đến thật rồi…
Ngay cả hiện tại, khi mà tốc độ đô thị hóa đang rất cao, nhịp sống đô thị chi phối con người, người nước ngoài càng trố mắt kinh ngạc khi biết rằng còn đến vài tháng nữa mới đến Tết mà người dân ở các thành phố lớn ở Việt Nam đã tranh nhau mua vé tàu, vé máy bay, xe đò để chuẩn bị về quê ăn Tết.
Dân số Việt Nam gần 87 triệu người, ước có khoảng hơn 10 triệu người di chuyển trong dịp Tết. Con số đó có thể cao hơn và ngành giao thông vận tải không tài nào có thể đáp ứng được. Con số đó nói lên một yếu tố khác của văn hóa Tết, rằng Tết chính là sự đoàn tụ gia đình.
Tết là sự đoàn tụ hạnh phúc. Sự đoàn tụ truyền thống đó thể hiện qua bữa tất niên ấm áp để tổng kết một năm cũ, nghênh đón năm mới với nhiều hy vọng, đón ông bà về ăn Tết cùng con cháu, cùng cả nhà đón giao thừa thiêng liêng…Còn gì buồn hơn, nếu một cái Tết nào đó bạn phải tha phương, rưng rưng, đắng lòng đọc câu thơ của Thế Lữ: “Rũ áo phong sương trên gác trọ/Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”…
Ăn Tết
< Những quả "độc" xuất hiện trong tết.
Ở các nước phương Tây người ta không gọi “ăn Tết”, chỉ gọi là “nghỉ Tết”. Tết dương lịch với họ đơn giản chỉ là dịp đón năm mới, được nghỉ một vài ngày, thậm chí có 1 ngày. Giải bóng đá vô địch nước Anh còn không nghỉ ngày 1-1 nữa là, cho thấy Tết Tây với họ thật đơn giản.
Còn ở ta, Tết là “ăn Tết”. “Ăn” ở đây không chỉ là vấn đề ẩm thực mà phải hiểu là “ăn” nhiều thứ, có thể “ăn” cả mùa xuân với hoa lá, đất trời, với thịt heo, thịt bò mà cả làng chung nhau giết mổ, với những món ngon nhất, hấp dẫn nhất có thể.
Không chỉ có người sống “ăn” mà còn mời cả ông bà đã khuất về “ăn Tết” với con cháu. Nói một cách khái quát nhất, “ăn Tết” là “ăn” cả mùa xuân, cả khí hạo nhiên lẫn những phẩm vật của đất trời, tinh thần lẫn vật chất và cả những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
< Những cặp dưa hấu hình thỏi vàng có giá ngang ngửa cả cái Tết của người nghèo.
Các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng cách “ăn Tết” của Việt Nam mang đậm phong cách của một quốc gia nông nghiệp. Điều đó đúng. Một gia đình nông dân có thể quanh năm chấp nhận sống khổ cực nhưng những ngày Tết phải tươm tất, thậm chí tiêu hoang đi một chút họ cũng sẵn sàng. Giờ đây đời sống người dân, đặc biệt người nông dân đã khá lên, khi tốc độ đô thị hóa tăng cao, nước ta chỉ còn khoảng 60% dân làm nông nghiệp, việc ăn Tết cũng có thể khác đi.
Nhiều gia đình ở các thành phố lớn, có thu nhập cao thường xem ngày Tết là những ngày nghỉ ngơi, đi du lịch thư giãn. Mùng 1, mùng hai Tết, nếu bạn đến sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài thì sẽ thấy nhiều tour du lịch “đi chơi Tết” ở nước ngoài. Nhưng đó vẫn là số ít, chủ yếu nhiều thị dân vẫn xem ngày Tết là những ngày nghỉ ngơi, giải trí chứ không phải “ăn Tết” theo kiểu cổ điển. Họ không phải bận bịu với việc sắm sửa vì siêu thị đã có sẵn mọi thứ, miễn là có tiền. Cái thú nấu bánh chưng, làm bánh mứt Tết bây giờ thuộc về… siêu thị mất rồi!
Và Tết hội nhập
< Bà con vùng biên ăn Tết với bộ đội.
Việt Nam, Trung Quốc (cả Đài Loan và Hồng Kông), Nhật Bản, là những nước ăn Tết theo âm lịch. Từ thế kỷ 19, Nhật Bản đã không còn ăn Tết âm lịch mà ăn Tết theo dương lịch. Đó là kết quả của quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và những thay đổi về xã hội, bởi đa số người Nhật theo đạo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, nên họ ăn Tết theo dương lịch cũng dễ hiểu.
Hàn Quốc vẫn ăn Tết âm lịch dù đó là một quốc gia công nghiệp cao, hội nhập hoàn toàn với thế giới, một nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, nhưng 50% dân số vẫn theo đạo Phật, thờ cúng ông bà, đạo Khổng, Lão…họ vẫn coi trọng Tết âm lịch truyền thống.
< Tết quê.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên ăn Tết theo dương lịch để dễ hòa nhập, vì cho rằng ăn Tết kiểu cổ điển chỉ thích hợp với một nền kinh tế nông nghiệp, rất mất thời gian. Các nhà đầu tư ngước ngoài ở Việt Nam có lẽ ủng hộ đề nghị này, vì họ trút bỏ được nỗi lo hai kỳ nghỉ liên tục Giáng sinh-Tết Tây và Tết ta.
Nhưng ý tưởng đó khó thành hiện thực bởi Tết với người Việt không chỉ là “ăn Tết” mà đó là nét văn hóa độc đáo làm nên văn hóa Việt đã tồn tại hàng ngàn năm nay, thành máu thịt, tinh thần của nhân dân. Tết Nhâm Thìn năm nay, các cơ quan chức năng vừa có đề xuất nghỉ bù, làm bù để công chức, người lao động có thể nghỉ được 9 ngày, cho thấy Tết Nguyên đán với chúng ta rất quan trọng, không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà ở thì hiện tại nó còn là kỳ nghỉ có tính kích cầu.
Tết Nguyên đán chỉ có thể “hiện đại” hơn chứ không thể mất đi. Khi truyền thống gia đình, việc thờ cúng ông bà và cả khi… mùa xuân còn, thì người Việt còn “ăn Tết”...
Du lịch, GO! Theo Datviet và nhiều nguồn ảnh khác
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét