(Infonet) - Ngày 3/12/2013 đã diễn ra Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, đồng thời khánh thành tượng Phật hoàng ngay tại núi An Kỳ Sinh. Ngay từ sáng sớm, lối vào Yên Tử đã chật kín phương tiện và người từ khắp nơi đổ về. Chưa kể, một số lượng lớn người đã ở trong Yên Tử từ tối hôm trước.
Ước tính có gần 6 vạn người về dự Đại lễ, một con số kỷ lục cho sự kiện tổ chức trong thời điểm nhất định từ trước đến nay ở Yên Tử. BTC đã phát miễn phí 20 nghìn suất xôi, 4 nghìn chiếc bánh chưng, 1500 suất cơm trưa…Trong 2 ngày tổ chức Đại lễ, Công ty CP Tùng Lâm đã miễn phí toàn bộ vé cáp treo.
Sự kiện Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2013) và khánh thành, an vị tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông do UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đã thu hút một lượng du khách, tăng ni, phật tử kỷ lục đổ về Yên Tử.
Sau hơn 5 năm khảo sát và thống nhất ý kiến, Hội đồng nghệ thuật và các nhà sử học, chuyên gia đã quyết định chọn vị trí xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm trong tuyến bộ hành đường đá tự nhiên, từ khu vực tượng đá An Kỳ Sinh lên chùa Đồng, khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). (Theo Sử sách ghi Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, tức vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ và mất ngày 16 tháng 11 năm 1308 tức vào ngày 03 tháng 11 năm Mậu Thân).
Đây là tượng Phật đầu tiên được đúc nổi trên vị trí núi đá cao với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông hiểm trở, không có địa bàn thi công, mưa, mây mù, ẩm ướt quanh năm.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái - Bắc Ninh, Ý Yên - Nam Định và được đặt tại khu An Kỳ Sinh, Yên Tử. Do địa hình thi công trên cao, mặt bằng chật hẹp mà khối lượng vận chuyển lên núi tới 2500 tấn, nhà thầu đã đưa ra phương án đúc tượng ngay trên bệ bê tông, lò nấu đồng nằm trên giàn giáo thép, bố trí trên 4 tầng, nằm xung quanh khuôn tượng, dẫn trực tiếp nước đồng vào khuôn theo hệ thống máng dẫn chảy"
Được biết, do khối lượng đồng lớn hơn 138 tấn, chiều cao tượng 12,6m và tượng để ngoài trời nên thịt đồng phải dày trung bình 4cm. Ban quản lý dự án thay đổi phương án thi công - đúc trượt ba lần: đài sen cao hơn 2 mét, thân tượng chân dung tượng (phần ngực, cổ và đầu) cao 9,9 mét. Tượng được dựng trên khu đất rộng 2.200 m² gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các công trình khác.
Quá trình thi công, phải tiến hành đúc thử lần 1 (3 tấn) để khẳng định khả năng nấu chảy đồng trên độ cao 920m so với mực nước biển, khả năng chịu nhiệt của bệ tượng (nơi tiếp giáp đồng với khuôn, bệ bê tông). Sau đó tiến hành đúc thử lần thứ 2 để kiểm tra khả năng nấu chảy của lò (7 tấn), hệ thống gió, móng lò, hệ thống đóng mở cửa lò, điều khiển nhiệt độ đồng.
Với tổng số vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa lên tới trên 75 tỷ đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đánh giá là công trình kỉ lục, đảm bảo theo phê duyệt, sau lễ khánh thành sẽ tạo nên sức hút mới cho khu di tích danh thắng Yên Tử, phục vụ nhu cầu tâm linh tưởng niệm đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc cân đối ở tư thế ngồi ở trạng thái tĩnh tại, ung dung thư thái. Tượng sẽ phù hợp với bối cảnh và địa hình chung, được lấy từ bản gốc bức tượng đá đang được thờ tại Tháp tổ chùa Hoa Yên. Khu vực xây dựng tượng Trần Nhân Tông là một phần quan trọng trong hệ thống di tích chùa tháp tại Yên Tử và ở khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, góp phần tạo thành một quần thể di tích lịch sử danh thắng tâm linh nổi tiếng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Trưởng ban dự án chia sẻ: “Ngoài việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công trình, thì khó khăn nhất phải kể đến là biện pháp thi công, mà trước đó là việc chọn mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi nghiên cứu kỹ 7 mẫu tượng đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân tại Ban Quản lý di tích Yên Tử, chúng tôi cùng với nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất lấy mẫu pho tượng Trần Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang với tư thế ngồi thiền hai tay bắt quyết, ngài mặc áo của dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ thoát tục. Bốn mặt bệ đá đặt tượng của ngài được chạm khắc hoa văn hoa cúc và hình ảnh con rồng thời Trần.
Phật hoàng Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3. Không chỉ vậy, Ngài còn là vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Đây là Thiền phái mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Việc xuất gia tu đạo của Ngài khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.
Do vậy, ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn đã trở thành ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam và của lịch sử văn hóa dân tộc.
Theo Infonet
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét