Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Bãi Trước Hòn Ngọc Mỹ Giang (P2)

Đầu cồn Nọc Giả Mỹ Giang,
Một con đò nhỏ miên man đợi người.

< Một góc cồn Nọc Giả nhìn từ hướng đất liền.

Khu vực cồn Nọc Giả khá rộng, ước chừng vài mẫu, vị trí bằng phẳng, thông thoáng, bãi biển dài hơn hai trăm mét, cát mịn trắng ngần và sóng biển nhẹ nhàng, êm dịu, phong cảnh rất nên thơ. Cồn Nọc Giả nằm trong phạm vi Bãi trước, là địa điểm gần nhất từ đảo đến đất liền. Vào mùa nước cạn, lòng biển nơi đây trơ đáy, và một bãi cát như được bồi lên chạy xuyên suốt từ cồn Nọc Giả vào đến đất liền (bờ biển làng Mỹ Giang mới). Với những ưu điểm nói trên, cồn Nọc Giả bao đời nay là cửa ngõ của người dân trên đảo vào đất liền hoặc ngược lại.

Trước năm 54, khu vực Nọc Giả còn rất hoang vu, trống vắng, cây cỏ thưa thớt và chưa có căn nhà nào dựng lên nơi này. Khu dân cư và mọi sinh hoạt làng xóm nằm một quãng cách xa mấy trăm mét. Là cửa ngõ của làng tiếp cận với đất liền, nhưng lại là vùng đất ít sự quan tâm nhất. Ngoài một cây keo mọc trơ trọi ngay đầu cồn như cột trụ thiên nhiên làm cái mốc ấn định vị trí đầu làng, và dưới bãi, một con đò nhỏ cô đơn neo đậu để đưa người trên đảo qua lại, người ta chẳng thấy một sinh hoạt nào khác khả dĩ tạo cảm giác ấm cúng khi bước chân đến đầu làng. Chung quanh nơi đây là bờ bụi, một số cây mù u, xương rồng mọc bừa bãi, càng khiến cho không gian nơi đây thêm phần hiu quạnh.

Sau ngày hồi cư vào năm 75, số dân trở về đảo nhiều gấp đôi lần trước thời điểm di cư. Khu dân cư có sẵn trước đây được mở rộng thêm và lan dần lên đến khu vực Nọc Giả. Ngoài ra, Tập đoàn lưới đăng hòn Đỏ cũng dựng lên một nhà thùng muối mắm khá quy mô ngay tại cây keo biến vùng này trở thành một xóm dân cư mới khá lý tưởng và sinh động với một không gian thoáng mát có những căn nhà nho nhỏ núp dưới những hàng dừa non mới trồng và một vùng bờ biển cát trắng như pha lê, mềm mại uốn cong như giải lụa đào ngời sáng. Vào những đêm trăng treo lơ lửng trên đầu, Nọc Giả là tụ điểm của những nhóm thanh niên nam nữ có tâm hồn lãng mạn và họ ngồi từng cụm nhỏ, đốt lửa lên, ca hát, làm thơ càng làm cho không gian nơi đây thơ mộng, yên bình.

Đầu cồn xuất hiện cây keo,Ngời xanh màu lá, thân treo lưng trời....Con đò núp bóng Bàn Than,Đêm ngày đưa khách, gian nan chẳng màng.
Ngày nay, Nọc Giả đã trở thành hoang vu, tiêu sơ. Dấu vết một thời có người cư trú nơi đây đã theo thời gian xóa mờ, có chăng còn lại những cội dừa cằn cỗi, cành lá xác xơ, đọt vàng, đọt úa vì thiếu vắng bóng người. Con đò xưa bao đời thủy chung đưa khách, cũng mòn mỏi theo thời gian để rồi mục rửa tan vào lòng biển. Cây keo ngày trước với cành lá vươn cao, tỏa rộng, từng là nơi tránh nắng của khách đi đò, giờ đây trơ trụi một gốc cây già.

Mũi Bàn Than

Bàn Than trọng trấn phương đoài,
Ngăn ngừa dòng xoáy cuốn trôi đất bồi.

Ngược theo chiều quay của kim đồng hồ,  từ đầu cồn Nọc Giả, chúng ta rảo bước dọc theo bờ biển được chừng hơn trăm mét, sẽ bắt gặp nhiều cụm đá hoa cương màu đen tuyền nằm liền nhau và bằng phẳng từ bãi cát chạy dài ra tới lòng biển. Dân làng chúng ta gọi đây là mũi Bàn Than.  Đảo Giăng có khá nhiều địa điểm có những cái tên nghe rất ngộ nghĩnh, và mũi Bàn Than là một trong những địa danh có cái tên ngồ ngộ như thế. Người dân trên đảo ai cũng quen thuộc cái tên Bàn Than chẳng phải vì âm hưởng nghe hay hay, dễ nhớ mà vì nó nằm ngay đầu làng và nổi bật lên một màu đen tuyền, kỳ ảo.

Mũi Bàn Than - Mũi Bàn than nhìn về hướng tây có nhà máy đóng tàu HVSS
Vào những ngày nước mẫy, từng đàn cá đối hoặc cá dò, cá dìa theo dòng nước kéo nhau vào ăn rong bám trên các cụm đá tại mũi Bàn Than. Những người thợ chài giỏi, tay ôm chài, yên lặng, bình thản, kiên nhẫn chờ, khi đàn cá say mồi, tỏ ý lơ là liền nhanh như chớp, quăng mẻ chài ra. Thế là hôm đó dư cá để vừa bán, vừa biếu, vừa đủ nấu bữa cơm chiều mà chẳng cần phải đi đâu xa xôi chi cho mệt. Riêng các thanh niên trong làng, ưa thức khuya, thích vui nhộn, họp nhau thành nhóm và đem lưới ra giăng tại ngay mũi Mồng Gà. Thời gian chưa đầy tiếng đồng hồ là đã giăng bắt khá nhiều con cá. Đêm ấy, sự thích thú và vui nhộn càng tăng thêm cao độ.

Đó là chúng ta nói về những năm trước, khi hòn đảo Giăng còn người dân làng chài Mỹ Giang cư ngụ. Bây giờ thì các loài cá nhỏ ven bờ trên hòn đảo này hình như cũng đã âm thầm di tản đến vùng khác, giống như cư dân nơi đây vậy.

Bãi Trước

Bãi trước Hòn Ngọc Mỹ Giang,
Lung linh sóng nước, thênh thang mây trời.
Mái chèo lơ lửng buông lơi,
Con thuyền vô định chơi vơi giữa dòng.

Bãi Trước, dải lụa đào ngời sáng của Hòn Ngọc Mỹ Giang.
Bờ biển Bãi Trước hòn Giăng có chiều dài hơn cây số. Đây là vùng bờ biển tương đối ít sóng gió nhờ nằm quay mặt về hướng nam, và được sự che chở, ngăn chận triều cường, sóng dữ của bãi Mũng Mương và mũi Mồng Gà ở mặt bấc. Khi dân làng ta còn cư ngụ trên đảo, thì vùng Bãi Trước là khu dân cư. Nhà cửa được dựng lên từ đầu mũi Bàn Than đến gần khu vực mũi Mồng Gà và sâu vào chân núi Cấm và núi Bà Hiền. Vùng biển trước bãi được chọn làm nơi neo đậu ghe thuyền còn gọi là bến ghe làng Giăng. Việc sinh hoạt nghề chài lưới rất thuận tiện vì nhà cửa và bến ghe kề sát bên nhau ở một vị trí khá hiền hòa, sóng êm, biển lặng. Tuy vậy cũng có đôi lúc gian nan, như vào những năm gió bão lớn, triều cường cao độ, nước biển dâng lên nhiều mét, đảo Giăng lại là nơi đầu sóng, hứng chịu cuồng phong và bão táp hơn những vùng trong đất liền bên cạnh. Những lần gặp phải sự cuồng nộ của đại dương như thế, dân làng ta đều sơ tán lên Bến Đò, thuộc đầm Hòn Khói lánh nạn.

Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, vùng biển Bãi Trước luôn tấp nập những chiếc ghe bầu (một loại thuyền nan đan bằng tre của vùng Bình Định). Trên những chiếc thuyền buồm to lớn này gồm nhiều thành phần, người Hoa kiều, người gốc Huế, Bình Định, v.v... Họ đến làng Giăng thu mua các loại hải sản quý như đồi mồi, sa cừ, mai rùa, cá tôm khô và bán lại các loại hàng khô giá trị như vải, lụa, đồ sứ, đồ đồng, hoặc các loại thuốc trị bệnh như hổ cao, sâm nhung, rượu thuốc trị đau nhức và cho đến những thứ vụn vặt khác từ cây kim, sợi chỉ, v.v...Nhờ sự giao thương thường xuyên và lâu dài với các thương nhân ngoài xứ, nên dân làng ta thu thập được nhiều điều hay lạ, tân kỳ, hấp thụ nhiều tư tưởng tích cực, trong đó có một số lãnh vực ảnh hưởng sâu xa đến sinh hoạt, tập quán trên đảo vào thời đó là tinh thần ưa chuộng võ nghệ và lòng ái quốc trong bối cảnh nước nhà bị đô hộ.

Bãi trước, góc nhìn về hướng tây có làng Mỹ Giang hiện tại - Trước mặt làng hòn Thẹo nằm ngang.
Vùng bờ biển Bãi Trước đơn thuần là một vùng biển nông, nước không sâu và đáy biển chỉ toàn cát lẫn bùn non, rất thích hợp để trở thành một sân chơi dành cho trẻ nít trong làng vào những mùa nước cạn. Dù không tập trung nhiều cá, tôm, cua, ốc như các bờ biển khác trên đảo, nhưng cũng có một số loài cá thích ăn vi sinh tại những đáy biển nhiều bùn như cá đối, cá móm, cá lia thia và thế là các vị con nít trong làng đã có đối tượng để vừa giải trí vừa tập làm dân chài kế nghiệp cha ông trong những chiều nhạt nắng hoặc những đêm trăng non tỏa sáng mờ mờ.

Những đứa trẻ mà chúng ta vừa nói ở trên, nay có người bước qua tuổi cổ lai hy, có người đôi ba mươi tuổi. Điểm chung của họ là ngày ngày nhìn qua Bãi Trước như cố tìm lại những hình ảnh ngọt ngào của chuỗi ngày thơ ấu để vơi đi những khắc khổ trong va chạm của dòng đời hiện tại.

Còn tiếp:
Hòn Ngọc Mỹ Giang (P1)
Bãi Trước Hòn Ngọc Mỹ Giang (P2)
Mũi Mồng Gà (P3)

Theo Tam Đạo (Ninhhoatoday.net)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét