(Danviet) - Ngay sát mép nước là những căn nhà gỗ lúc nào cũng soi bóng xuống mặt hồ Hoà Bình, nhón chân một cái là từ thuyền đã đặt chân được lên nhà. Nơi đây đã có những thiếu nữ trong trang phục người Mông đợi sẵn với nụ cươi như mời như gọi...
Sinh ra ở xã Quan Thần Sán, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai, chàng trai người Mông Cư Văn Thủy đi khắp trời tây, làm nhiều nghề khác nhau. Ai cũng nghĩ anh sẽ chọn Hà Nội để sống. Nhưng cứ về phố anh lại thấy mình tù túng, cứ phải xa rừng núi là anh lại buồn. Và như một cơ duyên, anh cưới cô gái Nguyễn Thị Kiều Vân người Hòa Bình...
... và chính điều này đã khiến anh chọn hòn đảo giữa lòng sông Đà tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, để sống và làm du lịch. Anh đã đặt tên nơi đây là đảo Xanh - như một cam kết không hóa chất, không khói thuốc và không túi nilong trên đảo để bảo vệ môi trường.
Người Mông đầu tiên ra đảo sống
Bên bếp lửa bập bùng giữa Đà Giang hùng vĩ, anh Cư Văn Thủy (43 tuổi) mở đầu câu chuyện ra đảo sống bằng câu nói “Có lẽ tôi là người Mông đầu tiên ra đảo sống, vì họ hàng, tổ tiên vẫn ở núi bao đời nay”.
Anh Thủy bắt đầu câu chuyện của mình khiến nhiều người phải ngỡ ngàng:
"Tôi sinh ra ở Quan Thần Sán, huyện Simacai, Lào Cai. Năm 1978, khi cha tôi xuống Hà Nội làm việc, anh em chúng tôi đi theo ông. Học hết phổ thông, tôi sang học tập ở Tiệp Khắc rồi cắm chốt bên trời tây 15 năm. Mùa đông ở tây, lại nhớ mùa rét ở núi rừng quê nhà và rồi tôi đã về nước.
Anh chị em đều muốn tôi ở Hà Nội nhưng miền ký ức về núi rừng đã thôi thúc tôi một mình lên Hà Giang lập nghiệp. Có kinh nghiệm, có được chút vốn, năm 2003, tôi lấy Vân- người thành phố Hòa Bình. Sau đó, hai vợ chồng kéo nhau về Lào Cai sinh sống, mở công ty xây dựng và quay về Simacai mải miết đi đấu thầu, thi công hành chục công trình..., công việc làm ăn cũng lúc lên lúc xuống.
Cách đây 4 năm, vợ chồng tôi tiết kiệm được ít tiền nên đã gửi về Hoà Bình để trồng rừng keo vì gia đình có nhận được 16ha đảo để chăm sóc bảo vệ. Năm 2010, tôi đưa vợ về Hoà Bình ăn tết, lên thăm rừng keo gia đình trồng được 3 năm, thấy cây keo khép tán, đẹp quá. Nhìn hòn đảo xanh ngút ngàn trong cái màu biêng biếc của sông Đà, thú thực tôi đi cũng nhiều nhưng chưa bao giờ thấy cảnh nước non lại đẹp như vậy... Tôi bàn với gia đình, quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để xây dựng đảo thành một địa điểm du lịch, kết hợp với chăm sóc bảo vệ rừng.
Với suy nghĩ mình làm du lịch ở đây không thể phá vỡ cảnh quan, cũng như phải bảo vệ môi trường nên tôi quyết định làm du lịch xanh đúng nghĩa. Nghĩ là làm ngay, nhưng khi bắt tay vào rồi, thì 2 vợ chồng mới giật mình, chẳng có ai đi trước để học hỏi, hay tư vấn gì cả, mà chỉ nghĩ gì làm đó. Vợ tôi thì nói đùa: chắc anh là người Mông đầu tiên xây đảo. Đôi lúc công việc cũng rối tinh rối mù lên, nhưng cứ quyết là làm thôi, người Mông mà".
Thiên đường giữa Đà Giang
Từ Hà Nội, ngược quốc lộ 6 qua thành phố Hoà Bình 20km, tới cảng Thung Nai, đã có đò của đảo Xanh đợi sẵn. 20 phút bồng bềnh rẽ sóng Đà Giang là ta đã đặt chân được lên đảo Xanh. Ngay sát mép nước là những căn nhà gỗ lúc nào cũng soi bóng xuống mặt hồ Hoà Bình, nhón chân một cái là từ thuyền đã đặt chân được lên nhà. Nơi đây đã có những thiếu nữ trong trang phục người Mông đợi sẵn với nụ cươi như mời như gọi.
Và chỉ khi đặt chân lên đảo mới thấy hết được cái hài hoà giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Những bậc thang lên đảo cũng được chủ nhà kỳ công xây đắp với cọc tre đóng bao quanh, rồi lại trải lớp đá cuội lên..., tạo thành những bậc thang vàng óng ánh mà cứ mỗi bước đi lại nghe tiếng lách cách nhẹ nhẹ như những bản nhạc của núi rừng.
Trung tâm của đảo là ngôi nhà sàn lớn, bên dưới làm chỗ ăn uống, quầy bar, phía trên dành cho khách sinh hoạt, vui chơi tập thể. Còn những ai cần sự riêng tư thì đã có sẵn các căn nhà lá xinh xắn ẩn hiện trong rừng keo, nhìn ra mặt hồ nơi buổi sáng có thể ngắm mặt nước bảng lảng sương khói, còn buổi chiều mê đắm trong ánh hoàng hôn bên hồ...
Lên đảo, khách được tự do khám phá và hòa cùng thiên nhiên, thử sức cùng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, tung còn, đập bóng, kéo co hay đốt lửa trại, bơi thuyền, tắm sông. Và sẽ thật thiếu sót nếu như không kể tới các món ăn quyến rũ của nơi đây. Tuy chỉ có 3 món chủ đạo là gà, cá và lợn, và nếu khách yêu cầu thì có thêm món tôm sông nướng là chanh, nhưng không một thực khách nào có thể thờ ơ chỉ sau một lần nếm thử.
Chủ nhân của đảo chia sẻ:
"Gà và lợn thì chúng tôi nuôi ngay trên đảo. Chúng được tự do đi kiếm ăn trên khu chăn nuôi của đảo và chính vì điều này nên nhiều khi cả chủ nhà và khách "dở khóc dở cười" khi phải đi bắt... đồ ăn.
Do lợn gà được nuôi thả hoang dã nên khi khách muốn thưởng thức đôi lúc phải huy động toàn bộ người của đảo đi tìm bắt... gà, lợn. Đôi khi cũng không túm được con nào vì đảo rộng mà gà, lợn chạy như... vận động viên.
Riêng món cá thì đảm bảo 100% là toàn cá sông Đà, nhưng khách ăn phải đặt trước thì mới có được cá từ những người câu chuyên nghiệp".
"Các món ăn nếu chỉ ngon thì chưa chắc đã làm khách hài lòng, mà còn phải sạch và bắt mắt nữa. Riêng khâu chế biến thì phải sạch. Trên đảo Xanh, khách lúc nào xuống bếp kiểm tra cũng được. Ngay cả khâu bưng bê cũng rất được chú ý, món ăn phải đặt ra khay, lúc để lên bàn ăn, nhân viên phải dùng 2 tay để đặt.
Còn tại khu vực ăn uống, khi khách đứng dậy là chúng tôi thu dọn ngay mọi thứ, kể cả mẩu thuốc lá cũng được nhân viên nhặt cho vào thùng rác cẩn thận. Tôi đã nói với nhân viên, mọi thứ mình có không phải do mình tạo ra, mà do khách hàng đem lại", anh Thủy tâm sự rất thật lòng.
Cứ đến cuối tuần, chị Vân lại tất bật cùng chồng chuẩn bị đón khách. Chị cho biết: "Vợ chồng tôi luôn chuẩn bị tỉ mỉ từ mớ rau, con cá, đàn gà, bầy lợn sao cho ngon và sạch. Với những sản phẩm sạch như trên đảo, chỉ thấy khách khen thức ăn ngon chứ chưa thấy ai chê bao giờ. Nhiều người còn mua gà, lợn để mang về nhà nữa.
Lượng khách đông dần, mình sẽ mở rộng trang trại chăn nuôi hơn nữa để làm du lịch khép kín, biến đảo Xanh thành một khu du lịch thân thiện với môi trường để khách đến với Đà Giang luôn được thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của sông núi và không bao giờ phải bận lòng với hai từ chặt chém...".
Sau một bữa ăn ngon và ấm lòng với những bát rượu ngô sóng sánh, đặt lưng xuống sàn nhà gỗ ngay sát mép nước sông Đà, đánh một giấc ngủ ngon lành và sáng ra tỉnh dậy bởi tiếng sáo trên sông của vợ chồng anh đi đặt đó tôm... Một cảm giác nhẹ nhàng, hư ảo, sảng khoải đến lạ thường, điều mà có lẽ chỉ trên đảo Xanh giữa Đà Giang mới thấy.
Theo Nguyễn Gia Tưởng (Báo Dân Việt)
Du lịch, GO!
đà giang nhìn quá trời cảnh đẹp luôn đó
Trả lờiXóavietnam motorbike tours Loop Bike Tours