Theo đà phát triển của đất nước và thành phố, cộng đồng dân cư ở làng Đồng Tử xưa, nay trở thành các tổ dân phố ở phường Phù Liễn (quận Kiến An). Trong ký ức của mỗi người dân nơi đây vẫn in đậm truyền thống đầy tự hào của khu núi Vọ, di tích lịch sử từng thấm máu các chiến sĩ anh hùng năm xưa quyết hy sinh để bảo vệ mỗi tấc đất quê hương trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập…
Từ xa nhìn lại, ngọn núi đá xanh nhỏ ven sông nhô lên khỏi mặt nước bao quanh cộng đồng dân cư, đồng ruộng trù phú người dân quen gọi là núi Vọ ẩn chứa bao huyền thoại về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử đấu tranh cách mạng. Từ năm 1962, cùng với di tích núi Voi, núi Xuân Sơn ở An Lão, di tích núi Vọ được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nơi ghi dấu chiến tích xưa oai hùng
Với vị trí địa lý trọng yếu, địa hình đa dạng, núi Vọ khắc ghi rõ lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên địa phương tham gia phong trào yêu nước do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Khu vực núi Vọ trở thành nơi hoạt động bí mật của họ.
Nhiều người cao tuổi trong làng còn nhớ, địa bàn dân cư bao quanh núi Vọ trở thành căn cứ quan trọng của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1946, liên tỉnh Hải - Kiến được thành lập. Ủy ban Kháng chiến mặt trận liên tỉnh Hải - Kiến có cuộc họp ở nhà ông Trần Văn Phồn, một người dân ở gần núi Vọ. Để bảo vệ Kiến An, trong trận đánh do đồng chí Trần Thành Ngọ chỉ huy, các đơn vị vệ quốc quân vượt sông Đa Độ, qua đò Vọ và đình Đồng Tử tiến công quân Pháp ở Tiên Lãng.
Giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp ác liệt nhất (từ năm 1947 đến 1950), địch mở nhiều cuộc càn quét lớn. Các chiến sĩ cách mạng địa phương lấy núi Vọ làm căn cứ hoạt động, lãnh đạo kháng chiến.
Một số cán bộ chủ chốt, trong đó có xã đội trưởng, công an xã, trinh sát trung đoàn 42 hy sinh anh dũng ngay tại núi Vọ vào ngày 30 Tết năm 1950.
Đặc biệt, trong cuộc càn quét lớn vào làng Đồng Tử, địch chiêu hàng các cán bộ, chiến sĩ đang cố thủ tại các hang trên núi nhưng thất bại, chúng tức tối cài bộc phá nổ làm tan tành, sập tảng đá núi Vọ khá to. 8 người dân làng là cơ sở bí mật cho các chiến sĩ cách mạng bị địch bắn chết tại chân núi. Đau thương, tang tóc bao trùm núi Vọ, dân làng căm hờn càng quyết tâm đi theo cách mạng bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Đến cộng đồng dân cư năng động
Dân cư quanh khu vực núi Vọ những năm trước Cách mạng Tháng Tám chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Khi Tây đóng đồn ở làng, chúng rình rập, bắt phạt dân chúng, vì vậy người dân ra khỏi làng không dám ăn mặc tươm tất. Làng mạc ngày đó xơ xác, tiêu điều. Năm 1945, trong làng nhiều người chết đói. Nhưng cũng có những gia đình khá giả chia sẻ, cứu đói cho bà con”. Bà Ngán còn nhớ vào thời điểm dân làng đói nhất, nhà ông Trần Văn Phồn, một gia đình khá giả trong làng, thường xuyên nấu cháo chia cho nguời nghèo.
Thấm thoắt qua 65 năm kể từ mùa thu lịch sử năm 1945, vùng quê có núi Vọ nhô lên, chung quanh là dòng sông Đa Độ hiền hòa với những vùng đầm lầy cạnh triền núi nay trở thành các tổ dân phố. Tuy nhiên, những dấu tích xưa vẫn ghi dấu từ tên mỗi con đường, các vùng đầm đậm hồn quê như đầm hai, đầm bốn, đầm bầu, đường vàng, đường xanh, đường xung…
Quá trình đô thị hóa làm cộng đồng dân cư khu vực quanh núi Vọ có nhiều đổi thay đáng kể nhưng không mất đi nét văn hóa truyền thống. Đó là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được coi trọng. Đặc biệt, so với nhiều tổ dân phố khác, khu vực quanh núi Vọ hiện còn quỹ đất khá dồi dào khoảng 200 ha mặt nước đầm, ao; có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Được tự nhiên ban tặng địa thế hài hòa với nhiều vùng đầm trũng, khu sông nước quanh núi Vọ… cùng sự năng động của người dân nơi đây, mỗi tấc đất quê hương xơ xác, tiêu điều năm xưa nay trở thành nguồn lợi phát triển kinh tế lý tưởng. Địa phương tạo điều kiện khuyến khích nhân dân đầu tư hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện các vùng đầm trũng quanh núi Vọ có 22 hộ khai thác kinh tế thủy sản, chủ yếu nuôi cá nước ngọt, tôm càng xanh.
Một số hộ đầu tư đầm thành trung tâm sản xuất giống thủy sản nước ngọt lớn, cung cấp cho nhân dân địa phương và các tỉnh bạn. Địa phương có các trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô lớn, mang lại thu nhập cao cho người dân”. Vài năm gần đây, địa phương tạo điều kiện thu hút các dự án phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại đây có dự án khu du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 75 ha do Công ty TNHH Phú Cường đầu tư.
Về thăm núi Vọ hôm nay, hiển hiện trước mắt là cảnh quan sinh thái độc đáo do tự nhiên ban tặng. Theo nhiều người dân ở đây kể, trên núi có hơn 10 hang động tự nhiên, thực vật đa dạng. Một số hang động tự nhiên khá đẹp từ bao đời được người dân quen gọi như hang Hàm rồng, hang rơi, hang Sẻ, hang Bàn tay tiên…
Tương truyền, trước đây, sau núi Vọ còn có bãi tắm tiên. Trên núi có hòn đá to, sừng sững như quyển sách lớn. Dưới hòn đá phía chân núi có giếng trời, quanh năm, nước ở vách đá nhỏ xuống trong vắt.
Tuy nhiên, do thời gian, ảnh hưởng của chiến tranh, núi Vọ mai một một số di tích tự nhiên. Vì vậy, trong quy hoạch mới của địa phương hôm nay, đánh thức tiềm năng núi Vọ cùng với khuyến khích sự năng động của người dân nhằm phát triển nơi đây thành trung tâm du lịch sinh thái, khu nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp nông sản, thực phẩm sạch cho thành phố là vấn đề quan tâm của chính quyền, địa phương.
Vị trí Núi Vọ >
Theo Hương An (báo Hải Phòng) + ảnh Khatraphuong.blogs
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét