Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Làng nghề hương xạ Cao Thôn

Hưng Yên xưa có một số làng chuyên làm hương, nay chỉ còn hai nơi duy trì nghề này: Thôn Hạ, xã Trai Trang, huyện Yên Mỹ chuyên làm hương đen nhưng nay quy mô bị thu hẹp do không có thị trường; thôn Cao (quen gọi là Cao Thôn) xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên chuyên làm hương xạ.

Nghề làm hương ở Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) đã có từ rất lâu. Các cụ cao tuổi trong làng cũng không ai biết rõ là nghề truyền thống này có từ bao giờ. Trải qua bao thăng trầm, hương Cao Thôn vẫn giữ được những đặc tính mà ít loại hương nào sánh được. Hương tại đây có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn chứ không sực nức như nhiều loại hương khác.

Hương xạ Cao Thôn vốn là sản phẩm truyền thống đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Hưng Yên và nhiều tỉnh lân cận. Người dân trong làng đã trải qua gần hai trăm năm sống và gắn bó với những nén hương.

Theo tục truyền, xưa kia, bà Đào Thị Khương, người con gái quê có tài có sắc lấy chồng tận bên Trung Quốc đã học được nghề làm hương xạ. Sau này bà trở về quê hương truyền dạy nghề cho dân làng.
Trải qua bao thăng trầm, nén hương xạ Cao Thôn đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được, từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương Cao Thôn có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu.

Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa... và cả trong miền Nam. Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc như: xuyên đại hoàng, xuyên quy, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương, mỏ quạ. Tùy từng thợ mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau do cách pha chế của mỗi người mỗi khác.

Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý.

Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Trời nắng thì phơi một ngày, trời râm thì phải phơi từ hai đến ba ngày. Họ tránh đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi. Sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu của hương Cao Thôn.

Công nghệ sản xuất hương đơn giản, dụng cụ có thể tự tạo hoặc mua sắm không tốn kém, nguyên liệu làm hương đều lấy từ thảo mộc, vốn sản xuất cũng không đòi hỏi lớn lắm, thế nhưng không phải ai cũng có "duyên" với nghề này.

Người thực sự sống bằng nghề làm hương chỉ có thể là người ở Cao Thôn. Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Vạn Hoa, Hoàng Phát (Hà Nội), Đồng Phát (Hà Đông), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn), Đồng An Mỹ (Hải Dương),...

Đến thời vụ làm hương, vào hai tháng giáp Tết Nguyên Đán, người Cao Thôn còn đổ ra các thành phố, thị xã làm hương bán tại chỗ để giảm bớt chi phí chuyên chở, tuy vậy sản lượng hương sản xuất tại địa phương vẫn là chính.

Người Cao Thôn cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...

Về Cao Thôn những ngày giáp Tết mới thấy không khí làng nghề thật náo nhiệt. Ngay từ ngoài Quốc lộ 39 đã san sát những gian hàng bầy bán hương, đủ loại hương quế, hương đen, hương vòng, hương đậu tan...

Mùi thơm của hương toả khắp nơi. Trong làng, khung cảnh lao động diễn ra rất khẩn trương. Từ những em bé mới chỉ học lớp một, lớp hai đến những cụ già tóc bạc, răng rụng, ai đấy đều rất tất bật sản xuất hàng phục vụ cho mùa làm ăn tốt nhất trong năm. Cả làng có 120/190 hộ làm hương. Công việc không nặng nhọc nên có thể tận dụng được hết nguồn lao động trong làng, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được.

Nghề làm hương đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong làng. Hiện nay ở Cao Thôn có khoảng 300 lao động làm hương, sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm với doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Thời vụ làm hương đông nhất là hai tháng giáp Tết Nguyên Đán.

Nghề làm hương ở Cao Thôn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn rất thân thiện với môi trường. Nhiều năm nay, người thợ vẫn lưu giữ được những bí quyết truyền thống để bảo đảm cho chất lượng hương ngày càng tốt mà không phải sử dụng bất cứ chất hóa học nào. Từ xa xưa đến nay, những loại cây, thuốc bắc như quế chi, hoàng đàn, hồi... vẫn là nguyên liệu để làm ra sản phẩm hương truyền thống.

Để đáp ứng nhu ngày càng cao của người tiều dùng, cả làng không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi.

Một trong những cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Cao Thôn hiện nay phải kế đến là cơ sở hương Thế Hưng của ông Đào Văn Cơ. Hiện cơ sở này đã xây dựng được nhà xưởng thu hút trên 40 lao động thường xuyên, có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, thường xuyên xuất hàng đi Ấn Độ.

Tin vui đã đến với người dân, mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đã về nghiên cứu, xây dựng logo riêng cho làng nghề nhằm từng bước quảng bá, xây dựng thương hiệu. Làng nghề hương xạ Cao Thôn vẫn có triển vọng giữ được nghề và ổn định phát triển.

Theo Hoidisan.vn + ảnh iHay.Thanhnien
Du lịch, GO!

1 nhận xét:

  1. mình thích north vietnam motorbike tours Loop Bike Tours ở chỗ là không đi theo lói mòn có sẳn tự mình tìm ra con đường đi cho bản thân

    Trả lờiXóa