Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 1

Vùng biển phía Tây Việt Nam có khá nhiều quần đảo đẹp, ví dụ như quần đảo Bà Lụa (xưa gọi là cụm đảo Bình Trị), quần đảo An Thới, quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du... và xa nhất là quần đảo Thổ Châu. Trong đó có các nhóm đảo được mệnh danh là 'Tiểu Hạ Long' của phương Nam.

Dân cư đa phần sống tập trung trên các đảo lớn, có chuyến tàu ra vào hàng ngày hay hàng tuần. Riêng nhiều đảo nhỏ rất thưa người cư ngụ, thậm chí có những đảo hoàn toàn không có ai. Dân thạo biển đảo ở Phú Quốc từ lâu đã có hẳn những danh sách các đảo lớn nhỏ: đảo nào có người ở, đảo nào vẫn còn là đảo hoang.

Chỉ tính riêng tại quần đảo An Thới (phía nam Phú Quốc), trong số 15 hòn đảo lớn nhỏ thì chỉ có 3 đảo là Hòn Thơm, Hòn Rọi và Hòn May Rút Ngoài là có người ở, còn lại 12 đảo khác vẫn là đảo hoang. Trong số đó, đảo xa Phú Quốc nhất cũng chỉ cách 6 hải lý. Ở phía bắc đảo Phú Quốc còn ít đảo hoang hơn, nhưng hòn Móng Tay và Đồi Mồi ở đây có bãi cát rất đẹp.

< Một hòn đảo nhỏ ở phía Nam Phú Quốc vừa có bãi cát và bãi đá nhưng lại hiếm người lui tới.

Một ví dụ khác như quần đảo Bà Lụa hay còn gọi là quần đảo Bình Trị gồm khoảng 45 đảo lớn nhỏ khác nhau ở ngoài khơi huyện Kiên Lương - Kiên Giang. Dân cư ở đây tập trung trên các đảo như hòn Heo, hòn Ngang và hòn Nhum. Những đảo còn lại ít người hay không người. Độc đáo ở chỗ xung quanh quần đảo Bà Lụa là vùng biển nước nông; ở nhiều nơi, người ta có thể đi bộ từ đảo này sang đảo khác lúc nước ròng mà nước biển ngập không quá lưng người lớn.

Vậy nhưng trời biển bao la, có những nơi tại chốn này tìm ra bòng người cũng khó như lên trời. Do vậy, tương lai thì đây cũng là điểm chú ý của các CTy du lịch để tạo nên các tour trăng mật ra các đảo thiên đường hoặc tour khám phá để khách tìm đến để được vài giờ làm… chúa đảo! Đây cũng là đích nhắm đến của những kẻ phượt hay nhóm phượt thích lang thang khám phá vùng đảo hoang dã.

Trước khi đến chuyện 'lang thang ra đảo hoang' thì ta cũng cần biết sơ qua ít nhiều thông tin về những 'Chúa đảo hoang' ở vùng biển Tây, học hỏi kinh nghiệm. Biết đâu có ngày ta sẽ được làm 'chúa đảo' đấy!
Bài viết từ báo Thanh Niên và Lao Động sẽ tựa như câu truyện kể hay, còn mình 'lòi mắt' ra để tìm thêm ảnh liên quan vì thứ này không nhiều. Mời bạn xem:

(Thanh Niên) - Hiệp sĩ mù trên 'đảo ma'
Một người đàn ông mù lòa không chỉ sinh tồn giữa hòn Móng Tay hoang vắng mà còn tạo ra sức sống cho hòn đảo này.

Lãnh địa cô đơn

Người ta gọi đảo Móng Tay (xã Dương Hòa, H.Kiên Lương, Kiên Giang) là “hòn cô đơn”. Nằm chếch một bên giữa quần đảo Bà Lụa và quần đảo Hải Tặc, nhưng đảo Móng Tay lại… chẳng chịu thuộc quần đảo nào. Hòn đảo này nằm khuất với đường vận chuyển hàng hải nên ít tàu bè qua lại. Một ngư dân nói rằng Móng Tay là hòn đảo “lập dị” nhất ở vùng biển này. Nhưng sự lập dị của hòn đảo không nổi tiếng bằng “ông chúa đảo” Dương Hoài Ân (49 tuổi), vốn là đề tài đồn thổi của cánh đi biển với biệt danh “hiệp sĩ mù”. Đại loại như anh có thể bơi một mạch từ ngoài đảo vào đất liền, cả tháng không ăn uống cũng chẳng sao, rồi anh có khả năng đoán biết trước được những cơn bão biển mà không cần đến chiếc radio bên cạnh…

Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm gặp anh Ân nơi đảo vắng. Ngư dân Năm Kiên đồng ý nổ máy đưa chúng tôi ra hòn Móng Tay. Đám ngư phủ cũng tình nguyện xin theo chỉ để gặp được “hiệp sĩ mù”. Thế nhưng, sóng gió đã sớm làm thất vọng những ngư phủ nhát gan. Họ phải cho tàu trở lại đất liền khi gặp phải nước xoáy ở giữa đường ra đảo. Thế là phải thêm vài cuộc đàm phán, một ngư phủ “chán đời” khác mới chịu cùng chúng tôi bắt đầu hành trình tra tấn của sóng biển để đến với hòn đảo nhiều giai thoại này.

Chúng tôi đến nơi, khác trong mường tượng về một chúa đảo đi mây về sóng, ông mang dáng vẻ cục mịch chào khách với giọng nói hiền từ, chậm rãi và không giấu được niềm vui có khách lạ ghé thăm đảo. Chưa cần biết khách thế nào, ông hỏi ngay: “Làm tí rượu nhé, tôi xuống bãi lấy mồi?”.

Và câu chuyện đời ông được gợi mở với cả một quãng dài tăm tối cùng nỗ lực hơn người để vượt qua số phận. Sau một cơn bạo bệnh hồi năm 6 tuổi, ông phải bắt đầu cuộc đời mù lòa. Đến 8 tuổi, gia đình 9 người của ông chỉ còn ông cùng một chị gái và một đứa em nhỏ; Cậu bé Hoài Ân mù lòa khi đó đã mò lên tàu lưới bao của một người quen để kiếm sống. Thương tình, chủ tàu tốt bụng cho Ân làm ngư phủ bất đắc dĩ, với ý nghĩ “nuôi cơm làm phước”.

Thế nhưng chỉ 1 năm sau, cậu bé Hoài Ân đã là một ngư phủ thực thụ đến khó tin. Ông kể lại, 9 tuổi ông có thể làm được tất cả những việc mà một ngư phủ cần làm. Theo tàu được 10 năm cũng là khoảng thời gian ông đi khắp nơi từ biển Tây sang biển Đông và được biết đến như một ngư phủ giỏi nghề, nổi tiếng cả vùng biển.

Không hợp với đời sống trên bờ

Tháng 7.2000, Hoài Ân bất ngờ từ giã biển khơi. Trở lại đất liền mua chiếc xuồng nhỏ để đi câu cá, đánh bạch tuộc ven bờ. Ông nói khi những cơn gió biển có thể làm ông lạnh buốt da, thì ông biết rằng mình không thể tiếp tục cuộc đời lang bạt. Thế nhưng, ở đất liền, ông lại cảm thấy mình không hợp với đời sống trên bờ. Ra khơi không được, ở đất liền cũng không xong, chỉ còn đảo hoang là ông chưa ở.

Một sáng đẹp trời, người ta thấy ông Ân mang theo 2 can nước, một mình giong xuồng hướng ra đảo Móng Tay. Hòn đảo này lúc chiến tranh là nơi đến của dân tản cư. Tuy nhiên, điều kiện sống khắc nghiệt, thiếu nước ngọt khiến người ta không có lý do gì để sống ở thời bình. Hoài Ân kể, ông từng có thời gian sinh sống trên đảo này. Gia đình ông là những người cuối cùng rời hòn Móng Tay, mà dân đi biển gọi đây là “đảo ma”. Khi trở lại đây với đôi mắt mù lòa, ông chẳng biết sẽ sống ra sao khi đơn thân giữa đảo.


< Chúa đảo Dương Hoài Ân còn có biệt danh là “hiệp sĩ mù” trên đảo cô đơn.

Mò mẫm tìm lối đi, phát hoang bụi rậm để dựng chòi. Khi đói thì xuống biển lặn bắt ốc, bắt cá qua bữa. Thỉnh thoảng, người trên ghe đánh cá qua lại hay ghé đảo xem Hoài Ân còn sống không. Có người tới, ông lại gửi số cá, ốc bắt được về đất liền nhờ bán để mua nhu yếu phẩm gửi ra. Không những thế, “hiệp sĩ mù” còn dọn cây, phát cỏ, trồng cây ăn trái, cây lấy gỗ… biến sườn nam của đảo Móng Tay thành khu vườn xanh mát. Thậm chí, về sau, ông cất nhà, tự làm các vật dụng như tủ, bàn, ghế. Rảnh rỗi, “hiệp sĩ mù” trồng cây thuốc nam để giúp chữa trị cho mình qua những cơn đau yếu. Ông nói sở dĩ đảo này có tên là hòn Móng Tay vì trước đảo này rất nhiều cây móng tay, hay còn gọi là cây sơn hải tùng. Biết được, người trong đất liền đi tàu ra bứng mang về làm kiểng. Hiện trên đảo chỉ còn 4 cây, ông mò mẫm trồng ở nơi khuất để bảo tồn loại cây mà theo ông là rất quý này.

Thấy ông sống một mình trên đảo, chính quyền địa phương hồi năm ngoái đã cất căn nhà tình thương, rồi nhắn ghe bảo ông về đất liền sinh sống. Hoài Ân nói ông rất cảm kích, nhưng đã quen sống trên đảo rồi, về đất liền không thích nghi được. Thương ông, vợ chồng người em út cũng dọn ra đảo nhưng chỉ được thời gian, người em mải mê biển cả có khi vài tháng mới ghé qua đảo. Người vợ ở nhà vừa sống khắc khổ, lại buồn tẻ nên quay về đất liền. Khi được hỏi sao không tính đến việc cưới vợ, sinh con, thì “hiệp sĩ mù” cười hiền: “Nhỏ lớn sống trên biển, trái tim tôi bị nước biển ăn sét rồi. Với lại mình mù lòa tăm tối...”.

Về tới đất liền, người ngư dân chở tôi ra đảo lại bất ngờ hỏi: “Đố nhà báo từ ngoài đảo bơi vô đây mất bao lâu?”. Tôi chắc chắn: “Không thể có ai bơi vô được”. Chàng ngư phủ to khỏe trùng trục phán: “Tôi cũng không dám bơi. Nhưng không hiểu sao ông ấy lại bơi từ đảo vào đây được, nể luôn”. Đó là một trong những chuyện đáng nể về khả năng vượt lên số phận của người chúa đảo mù lòa này.
Xem thêm >
Còn tiếp Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6

Theo Tiến Trình (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét