Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Nét đẹp đền Thượng

(TQĐT) - Đền Thượng, thôn Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) là nơi thờ phụng và ngưỡng vọng Mẫu Thượng Ngàn. Đền được dựng trên đồi Đăng Châu, theo hướng Tây Nam, phía trước là dòng sông phó Đáy. Xung quanh có nhiều cây cổ thụ, bốn mùa rợp bóng mát tạo cho đền một vẻ đẹp thanh tao, cô tịch. Đền có kiến trúc chữ “nhất” gồm 3 gian ứng với 3 toà: Tiền tế, thượng điện và hậu cung.

Toà tiền tế là nơi đặt nhang án thờ. Phía trên toà tiền tế là bức hoành phi bằng gỗ có đề 4 chữ Hán “Thượng đẳng tối linh”, tức thần thượng đẳng rất linh thiêng. Phía dưới bức hoành phi có bộ cửa võng bằng gỗ, được sơn son thếp vàng.

Cửa võng được chạm khắc rất tinh sảo với chủ đề tứ quý, “lưỡng long chầu nguyệt”. Đây là sự kết hợp giữa kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng và chạm bong kênh rất nhuần nhuyễn, thể hiện đôi bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ và trí sáng tạo độc đáo, tinh tế của người nghệ nhân dân gian.


< Đền Thượng thôn Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương.

Hai bên cột cái là đôi câu đối chữ Hán bằng gỗ: “Linh địa nguy nga thiên cổ miếu/Anh linh thánh mẫu vạn niên tồn” (Mảnh đất linh thiêng có ngôi miếu cổ nguy nga/Thánh Mẫu anh linh ngàn năm sáng soi mãi mãi). Chính giữa gian tiền tế là nơi hành lễ và đặt bàn thờ Thánh. Phía trong cùng toà tiền tế là nơi đặt tượng thờ Ngọc Hoàng thượng đế, tượng quan Nam Tào và tượng quan Bắc Đẩu. Gian bên phải của toà Tiền tế là nơi đặt bàn thờ bà chúa Sơn Trang và gian bên trái đặt quả chuông lớn. Quả chuông được đúc theo phong cách triều Nguyễn.

Phía trên toà hậu cung có treo bức cuốn thư. Đây là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là sự kết hợp của kỹ thuật chạm khắc dân gian và truyền thống, các mảng khối trong cuốn thư rất mềm mại và uyển chuyển. Bức cuốn thư được chạm khắc nguyên khối, phía ngoài là các linh vật (long, lân, quy, phượng), phía trong là hình bức cuốn thư đang mở có đề 4 chữ Hán “Vạn cổ anh linh” - Linh thiêng muôn đời.

Toà thượng điện của đền Thượng là nơi linh thiêng nhất - nơi đặt tượng thờ Tam toà Thánh Mẫu. Bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu được đặt trong khám thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Khám thờ chính giữa đặt linh tượng Mẫu Thượng Thiên - là vị Mẫu cao nhất trong Tam toà Thánh Mẫu, cũng là nơi cao nhất trong di tích. Khám thờ bên phải là Mẫu Thoải và khám thờ bên trái là Mẫu Thượng Ngàn. Ngoài ngôi đền chính ra, đền Thượng còn có các đơn nguyên kiến trúc khác như am thờ Sơn thần (thần núi) và am thờ các cô. Quan Sơn thần là người trông coi vùng núi quanh khu vực đền, ngài được coi là thổ công của đền. Lầu thờ các cô là ba vị cô nương: cô Chín, cô Bơ, cô Bảy. Ba cô là thị tỳ của Thánh Mẫu.

< Lễ rước mẫu đền Thượng.

Trong năm, đền Thượng có các ngày Lễ: Lễ khai bút (2-1 âm lịch) là ngày mở cửa đền cho các sĩ tử trong làng đến trình làng, cầu mong cho con đường học hành rộng mở, thi cử đỗ đạt. Lễ Thượng nguyên (10-1 âm lịch) là ngày lễ giải hạn cho nhân dân, đồng thời cũng là ngày làm lễ xuống đồng, bắt đầu một mùa màng mới. Lễ cầu mưa (từ 8-4 đến 10-4 âm lịch) là ngày lễ cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Những lễ hội Đền Thượng đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân thị trấn Sơn Dương, thu hút sự tham gia của khách thập phương.

Đền Thượng là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn với nhiều di vật, hiện vật. Hiện ngôi đền còn nhiều văn bản, thư tịch Hán Nôm cổ như hoành phi, câu đối giá trị giúp nghiên cứu về nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Xem thêm >

Theo Chúc Ngọc Huyền (báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét