Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Kẻng Mỏ: nơi sông Đà chảy vào đất Việt

(TTO) - Đi Kẻng Mỏ thực sự là một cuộc hành xác bằng xe máy, xe đi chậm như đi bộ và nhiều lúc phải đi bộ thật để đẩy xe trên quãng đường chỉ khoảng… 260km tính từ thị xã Lai Châu! Nhưng tại sao phải khổ sở để đi đến đó? Bởi một lẽ đơn giản thôi, đó là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt!

< Đường đi Kẻng Mỏ.

Để đi đến Kẻng Mỏ, là một chuyến du ngoạn mạo hiểm và kỳ thú, và tất nhiên là phải… đủ khỏe. Từ hướng thị xã Lai Châu xuống hoặc từ hướng Điện Biên lên thị trấn Mường Lay đều khoảng 100km.

< Hợp lưu sông Đà và sông Hồng.

Là một chi lưu chính của hệ thống sông Hồng, sông Đà là con sông hùng vĩ dữ dội vào bậc nhất Việt Nam. Đoạn chảy trên đất Việt Nam của sông Đà cũng dài hơn sông Hồng tới gần 20km (gần 550km). Bắt đầu vào biên giới nước ta từ Kẻng Mỏ, Mường Tè, Lai Châu, len lỏi qua cả một miền đá dựng toàn núi là núi của vùng trời Tây Bắc, cho đến tận ngã ba Trung Hà.

Hai con sông Đà - Hồng, một con sông màu đỏ, một con sông màu xanh mới hợp lưu lại thành một ở ngã ba Hồng Đà, đi thêm một đoạn nữa tới ngã ba Bạch Hạc lại hợp lưu với sông Lô, từ đó mới trở thành con sông lớn nhất của miền Bắc Việt Nam.

Ngã ba huyền thoại Mường Lay là nơi dòng Đà giang gặp dòng Nậm Na, nơi nổi tiếng với những di tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long nay chỉ còn rêu phong nền móng. Đây vốn là thị xã bình yên “cuối trời Tây Bắc”, là tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu cũ trước khi chia tách với Điện Biên thành hai tỉnh.

Từ Mường Lay, đi dọc hữu ngạn sông Đà theo tỉnh lộ 127, đi thêm 40km con đường dưới vách núi dựng đứng, một bên là vực sông sâu thẳm thì đến vách đá Pú Huổi Chỏ “mây nâng bánh xe” để xem lại bài thơ của Ngọc hoa động chủ (danh xưng của người anh hùng áo vải Lê Lợi).

Khi đó ông đã giành được nước, thân chinh đem quân đi dẹp nội loạn Đèo Cát Hãn trở về, đề bài thơ Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn lên vách đá.


< Một đoạn ghềnh thác trên thượng nguồn sông Đà, trên đường đi vào Kẻng Mỏ.

Huyền thoại kể rằng vua Lê Thái Tổ đã rút kiếm ra viết thẳng bài thơ bằng mũi kiếm vào vách đá, chuyện không biết có thật không, nhưng xem nét chữ đã trải qua 680 năm vẫn không mờ, mộc mạc nhưng đầy hùng khí:

"Thảo mộc kinh phong hạc/ Sơn xuyên nhập bản đồ/ Đề thi khắc nham thạch/ Trấn ngã Việt Tây ngung (tạm dịch: Cây cỏ (chỉ quân giặc Man) nghe (uy thế của đại quân) chim kêu gió động cũng phải run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ này khắc vào vách núi đá cứng/ Để ghi dấu trấn giữ phía Tây nước Việt ta”.


< Vách đá Pú Huổi Chỏ, nơi tảng đá viết bài thơ của vua Lê Thái Tổ, nay đã được cưa về để tại đền bia Lê Lợi, gần thủy điện Lai Châu.

Đi 100km nữa thì tới thị trấn thủ phủ của huyện Mường Tè. Lại men theo sông, đi ngược 70km nữa thì tới ngã ba Nậm Lằn. Đoạn đường này là đoạn đường tuyệt đẹp về cảnh quan, nhưng cực khó vì đường xấu, con sông Đà len lỏi như một sợi chỉ nước đỏ ngầu giữa hai bên bờ núi cao chót vót chạm mây.


< Cây cầu treo đầu tiên bắc qua sông Đà phần lãnh thổ Việt Nam.

Từ ngã ba Nậm Lằn, nếu đi thẳng là tới xã Ka Lăng, xã Thu Lũm, rồi tới cửa khẩu biên giới Việt Trung có cái tên thú vị là U Ma Tu Khoòng. Dân nhiếp ảnh cứ hay nhắc những cái tên quen thuộc, ruộng bậc thang Sa Pa, Mù Căng Chải, Xín Mần… nhưng với tôi, nếu so với ruộng bậc thang trên đường từ Ka lăng đi Thu Lũm, thì cánh ruộng bậc thang kể trên kia chỉ là… đàn em mà thôi!

Rẽ trái, đi 20km trên đoạn “đường mà chẳng giống đường lắm”, như anh bạn cùng đoàn nhận xét, là tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn Ka Lăng. Đoạn sông Đà này thu nhỏ lại, và nước thì lại biến thành sợi chỉ xanh ngắt ở đáy vực thăm thẳm mầu ngọc bích.


< Lòng sông xanh ngắt và đầy bãi đá nổi, ảnh chụp từ trên chiếc cầu treo đầu tiên bắc qua lòng sông trên đất Việt Nam, cách biên giới khoảng 5km.

Tới đây, khách lãng du trải qua con đường dài mệt mỏi sẽ được các chiến sĩ biên phòng ở trạm Kẻng Mỏ nhiệt tình đón tiếp. Ở đây không có sóng điện thoại nhưng ruồi vàng thì có và nó có thể tìm bất cứ chỗ hở nào trên người bạn để đốt.

Trạm nhìn ra mặt sông, bên cạnh chiếc cầu treo qua sông đầu tiên trên đất Việt Nam. Để đi đến tận mốc biên giới 17, là nơi “điểm chạm” của sông Đà vào nước Việt, phải đi qua cầu treo rồi xuyên rừng thêm 5-6km nữa. Nơi ngã ba sông cắm mốc 17, có một con suối lớn phụ nhánh tuôn ra, nên cột mốc biên giới được chia làm ba: 17 (1), 17 (2), 17 (3).


< Tại Mốc 17 (1), phía biên giới Việt Nam tại ngã ba sông biên giới.

Đại úy Lý Xuân Cà, đồn phó đồn Ka Lăng, cho biết ý nghĩa của cái tên Kẻng Mỏ ấy: theo một số giải thích đó là tên con thác Kẻng Mỏ (bằng tiếng Quan Hỏa), tạm dịch là “thác rơi chảo”.


Do con sông Đà “hung dữ nhất Đông Dương” này chảy trên lưu vực có độc dốc cao, xiết, quá nhiều ghềnh thác, người đi bè xuôi thác ngày xưa đặt những cái tên “khủng” cho từng con thác để miêu tả sự hung hiểm của nó: Kẻng Cớn nghĩa là đá lăn, Kẻng Mỏ là bè lật dựng đứng lên, cái chảo nấu ăn (là vật rất quý của người đi bè) đã buộc vào bè rồi mà còn rơi mất…

< Hình thù kỳ dị giống như những vết chân người vừa bước đi trên đá .

Giờ đây, do phía bên kia Trung Quốc cũng có thủy điện tích nước, nên nước chỗ đầu nguồn đoạn tiếp giáp biên giới nước khá cạn. Khi thủy điện bên đó chưa xả nước, ô tô tải có thể đi qua lòng sông để chở vật liệu xây mốc. Lòng sông Đà chỗ ngã ba sông biên giới này rất hẹp, chỉ khoảng chừng hơn 100m, nước rất xiết và lạnh, lòng sông cũng như bờ sông toàn đá cuội, có nhiều viên hình thù kỳ dị như bàn chân người, đủ màu sắc rất đẹp…

Đặt chân được tới đây, một trong những điểm mốc cuối cùng của miền Tây Bắc tổ quốc, có lẽ mỗi người sẽ đều sinh ra những cảm xúc khác nhau, nhưng niềm xúc động bồi hồi vì đã tới tận nơi ngọn nguồn của một con sông kỳ quan, dữ dội nhất nước sẽ còn đọng lại là mãi mãi.
Xem thêm >

Theo Vũ Lâm (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét