< Từ khu công viên đầu hầm, mình theo lối rẽ trái vào đường ven sông mang tên Cây Bàng, thật mộc mạc.
Vùng đất Thủ Thiêm nằm chung trong môi trường sinh thái của khu vực Sài Gòn và Đông Nam bộ với hai mùa mưa nắng cùng khí hậu nóng ẩm trong năm. Dù nằm kế trung tâm thành phố, chỉ cách một dòng sông, nhưng sông nước thiên nhiên của Thủ Thiêm còn khá hoang sơ.
< Từ cua quẹo vào tầm 50m thì gặp miếu Cô, còn gọi là miễu bà Thiên Hậu. Khi người tứ xứ vào khai phá Thủ Thiêm, họ đã dựng lên đình, miễu. Miễu (theo nhà nghiên cứu Sơn Nam là do chữ miếu nói trại ra) - miễu Thiên Hậu ở phường Thủ Thiêm có từ thời ấy. Năm 1945 Nhật qua giật sập miễu này. Năm 1956, ông Lương Văn Châu (vị thủ từ đã mất) đứng ra kêu gọi bà con đóng góp dựng cái miễu trên nền cũ. Gần đấy còn có miếu Cây Me đã có hàng trăm năm tuổi, đang thờ các Mẫu, Ngũ vị nương nương và Phật bà Quan Âm...
< Chỉ dừng thoáng qua bấm tấm ảnh miễu rồi lại đi. Nghe nói miễu từng có lúc bị kẻ xấu phá sạch lấy sắt, vậy nhưng hiện giờ trông rất khang trang.
Vị trí miễu tại đây >
Dòng Sông Sài Gòn chảy qua vùng đất Thủ Thiêm bắt nguồn từ lưu vực hồ Dầu Tiếng đến ngã ba sông Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 107 km qua tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Sông Sài Gòn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trên lưu vực: tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển thủy, du lịch sông nước…
< Ngày trước, ven đường này là nhà dân. Bây giờ đã giải tỏa hết để quy hoạch lại Thủ Thiêm, dân chuyển vào khu tái định cư An Lợi Đông. Còn ở đây thành bãi bụi um tùm chờ ngày thay da đổi thịt.
Dòng sông Sài Gòn uốn khúc quanh Thủ Thiêm, cùng với những kênh rạch, con sông đã tạo cho vùng đất một cuộc sống gắn liền với sông nước. Cũng chính dòng sông này chuyên chở những con người và văn hóa từ vùng đồng bằng sông Cửu Long về đây, tiếp biến với cư dân tại chỗ trong cảnh quần cư, hình thành nên cộng đồng làng xã, nếp sống sông nước mang đậm âm hưởng Nam Bộ.
< Mé phải là sông Sàigòn với đầy những cụm cảng bên kia bờ, lúc nào cũng hoạt động tấp nập.
< Gặp cây cầu nhỏ có tên 'Cầu phao số 5', trên đó có vài thanh niên đang câu cá.
Rồi bắt đầu từ năm 2000, đề án phát triển Thủ Thiêm được công bố với kỳ vọng biến bán đảo này thành khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào thế kỷ 21. Thủ Thiêm sẽ là nơi không chỉ giảm tải cho trung tâm 930 ha mà thực sự sẽ là một nơi thực hiện các chức năng mà trung tâm cũ không làm được, như là trung tâm tài chính, dịch vụ lớn của Đông Nam Á, là nơi hiện diện của các cao ốc văn phòng cao 40 - 50 tầng...
< Qua cầu nhỏ, ngoái nhìn ngược về con đường đã đi. Khúc này vẫn còn thấy tòa nhà Bitexco hình cánh sen sừng sửng.
< Chạy thêm một đoạn, chợt nhìn thấy tấm bảng đỏ ghi: 'Chú ý! Khu vực vắng người, dễ xẩy ra cướp tài sản, trộm xe máy. Đề nghị mọi người cảnh giác'. Dưới cùng là số điện thoại của CA phường An Lợi Đông với số đẹp: 08.35038590.
Ớn chưa? Vậy nhưng trộm cướp thấy mình còn ớn bội phần, ta cứ đi thôi!
< Đường vẫn vắng teo, chiều tà thoang thoảng mùi cỏ và cây bụi, gió mát lạnh. Bên kia sông tìm không ra món này đâu!
Khi kế hoạch được tiến hành, Thủ Thiêm đã không còn là bán đảo bị cô lập mà được liên thông bởi cầu Thủ Thiêm 1, hầm chui qua sông Sài Gòn, những hạng mục quan trọng được tiến hành như trục đường xuyên tâm, việc đền bù giải tỏa về cơ bản đã hoàn thành, đất sạch đã sẵn sàng. Có lẽ nếu không có cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ 2008 thì chắc hẳn nơi đây không dễ kiếm miếng đất cắm dùi.
< ... Tìm không ra, chỉ vì đơn giản bên kia là các cảng của quận 4: cảng Sàigòn tấp nập. Mà bao giờ các cảng mới dời đi hết nhỉ?
< Xưa kia mé phải là bờ kè, mé trái có nhà. Giờ đây nhìn kỹ lắm họa chăng thấy lại... cái nền cũ giữa cỏ cây um tùm.
< Gặp tiếp cây cầu nhỏ khác: Cầu phao số 11. Tên cầu ở đây lấy theo các phao neo tàu dưới sông.
< Bầu trời xanh ngắt, bên kia là cảng Khánh Hội - Q4.
Dù bức tranh toàn cảnh về bán đảo Thủ Thiêm nay đã khác xưa nhưng những chứng tích lịch sử đã in đậm về một Thủ Thiêm của quá khứ vẫn còn lưu giữ ở thế hệ ngày nay. Những tên gọi quen thuộc như Bến Đò, Cá Trê, Cây Bàng, đồn Giác Ngư, cầu Ông Cậy, xóm Than…, là những sự kiện, dấu tích lịch sử từ lâu đã khắc sâu trong trí nhớ, tình cảm của người dân vùng đất Thủ Thiêm qua nhiều thế hệ.
< Rồi mình chạy qua một cơ quan gì đó. À không, đó là xí nghiệp Đông lạnh Thủy sản 6. Vắng người cũng do nghỉ lễ (hôm ấy là 1.9).
< Nhà nguyện Thánh Tâm, đường không bóng người.
Ở Thủ Thiêm nhiều địa danh được đặt theo tên gọi dân gian rất chất phác, hay theo tên gọi những vật hiện hữu trong tự nhiên, hoặc mượn tên của một công trình kiến trúc gần đó như xóm Đình, xóm Chùa. Những địa danh, tên đường đặt theo tên người anh hùng, danh nhân chỉ mới xuất hiện sau này…
< Mình lại đến cây cầu nhỏ thứ 3 có tên là 'Cầu phao số 13' vì nó nằm ngay phao neo cũng mang con số xúi quẩy ni.
< Dưới cầu, hướng đất liền là con rạch nhỏ với nước lẵng lặng chảy.
Tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này được giải thích như sau: Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, một đơn vị hành chính nào đó, giống như thủ lĩnh, thủ thư, thủ tướng...
< 'Tặc tử' mình đây: nhìn cái áo khoác vàng, nhớ mấy chuyến phượt đầu tiên.
... Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Có thể do người chỉ huy đồn binh tên là Thiêm nên dân gian quen gọi đồn binh đó là Thủ Thiêm và sau đó tên này trở thành tên của vùng đất.
< Bên kia sông, ở khu vực này đã là quận 7.
< Kéo zoom gần thêm thấy cầu Tân Thuận 1, cũng là cây cầu gần nhà.
Một địa danh quen thuộc, đã có tên tuổi, cùng với lịch sử hình thành vùng đất này, trước tiên phải kể đó là Bến đò Thủ Thiêm. Bến đò là địa điểm tiếp nhận đầu tiên của cư dân vùng đất này. Tại đây con người bắt đầu xây dựng, tổ chức cuộc sống của mình bằng nghề chài lưới, buôn bán trên sông...
< Qua cầu một đỗi ngắn sẽ đến bến đò ngày xưa. Bây giờ chả biết có còn hay không nhưng vài mươi năm trước: nơi này xuất phát những chuyến đò qua lại nối liền Thủ Thiêm và quận 7 (gần cầu Tân Thuận 1).
Chạy thêm trăm mét nữa là gặp cua quẹo 90° dẫn vào con đường theo ảnh bên: đây là đoạn nối dài của đường Trần Não.
< Từ chỗ này vẫn nhìn thấy tòa nhà Bitexco Financial Tower và Saigon One Tower đang xây dựng.
< UBND phường An Lợi Đông nằm trơ trọi: khu tái định cư và tạm cư nằm cách đây 700m, tít trong kia.
... Dần dần về sau bằng sức mạnh của cộng đồng làng xã, họ đặt chân đến những vùng đất liền để khai hoang, định cư và sinh sống, tạo dựng nên một cộng đồng dân cư như Thủ Thiêm ngày nay.
< Sắp qua cây cầu, dân địa phương gọi là cầu Cá Trê nhỏ - Trùng với cây cầu lớn hơn trên đường Mai Chí Thọ ngoài kia. Thủ Thiêm đúng là miệt sông nước: ba bốn mươi năm trước, có lẽ 'cầu tre lắt lẻo' không thiếu tại đây.
Vị trí cầu >
< Trong tương lai, nếu Thủ Thiêm phát triển tốt như kế hoạch ở trên thì đây sẽ trở thành đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm 5 nối liền quận 7, thông ra đường Lưu Trọng Lư (đường vào cảng kho 18).
< Con rạch phía dưới cầu thông ra sông Sàigòn, theo hướng Tây bán đảo Thủ Thiêm.
< Mé trái đường là cỏ bò và rừng dừa nước, cây bụi um tùm.
Cá Trê là một tên gọi được dùng để chỉ cho nhiều địa danh. Đó là các con rạch Cá Trê Lớn, Cá Trê nhỏ và đó cũng là tên một đồn binh được lập vào thế kỷ XVIII. Đồn Cá Trê có là tên chữ Hán là Giác Ngư, còn sách sử triều Nguyễn gọi là Tả Định, nằm trong hệ thống phòng thủ của Gia Định vào thời kỳ giao tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn (1782). Đối diện với đồn Cá Trê bên kia sông là đồn Hữu Bình, còn gọi là Thảo Câu.
< Chạy thêm một đoạn nữa sẽ đến giao lộ: Đại lộ Mai Chí Thọ cắt ngang.
Từ phà Thủ Thiêm đi dọc theo bờ sông về phía Nam, theo đường Cây Bàng chúng ta đi qua nhiều cầu bắc qua các con rạch là cầu Ông Cậy, cầu phao số 5, cầu phao số 11, cầu phao số 13. Mỗi địa danh ấy đều có xuất xứ từ những đặc điểm của địa hình.
< Mình rẽ trái, trở vào đường Mai Chí Thọ, qua cầu Kênh 2. Khi chạy đến giao lộ có đường dẫn đến cầu Thủ Thiêm thì thấy được điều đặc sắc trên trời...
< Hàng trăm con diều bay phất phới tít trên cao, hướng đường Trần Văn Khê đi cầu Thủ Thiêm, vậy là rẽ vào ngắm. Vị trí chỗ này tại đây >
Tên gọi Cây Bàng là vì trên đường dọc theo bờ sông này là những hàng cây bàng, vốn là loại rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của những người nơi đây. Vào những buổi trưa người dân thường mắc võng dưới những tán bàng đầy bóng mát để nghỉ ngơi hay ngồi nhâm nhi cà phê hay một ít rượu đế...
< Không chỉ trẻ con thả diều, ở đây đa phần lại là người lớn, các thanh niên cả nam lẫn nữ, vui thích thiệt nha!
Đông diều và đông cả người, các xe bán nước ngọt chai, kem... cũng ăn theo. Đồng diều sẽ tồn tại đến khi nào 'hết đất' chứ người mê diều khó 'hết hứng'.
< Ngắm thỏa thuê một hồi rồi bọn mình lại đi: chạy thêm một đoạn đến giao lộ Lương Định Của thì mình quẹo trái, lối này dẫn qua vài chùa như Từ Phong, Liên Trì... và đình An Khánh. Đây cũng là con đường chạy thẳng ra bến Phà Thủ Thiêm cũ, nay thì hiu quạnh lắm.
Cận bến phà gặp lại đường Cây Bàng nhánh phải của hầm sông Sàigòn, từ đây nhìn qua bờ đối diện là quận 1 với khu trung tâm tráng lệ. Bao giờ phía này như phía kia? Từ từ rồi cũng sẽ tới thôi. Vị trí ở đây >
Lúc này đã quá 18h, cũng không còn đủ ánh sáng để chụp đẹp. Bấy giờ cũng là giờ 'măm' buổi chiều nên bọn mình chạy về Giồng Ông Tố, đoạn đường Nguyễn Duy Trinh có nhiều quán nhỏ, ngon nhưng giá rất mềm.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
lang thang sài gòn từ nội ô đến ngoại ô bạn sẽ có nhiều trãi nghiệm cực kì thú vị
Trả lờiXóavietnam motorcycle tours Loop Bike Tours