(Autocarvietnam) - Những “chú ong già cỗi” đã hoàn thành hành trình nước Việt, mang hơi ấm tình người miền xuôi lên miền ngược lạnh giá.
< Dốc chữ M đoạn qua xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang).
Đánh thức đam mê
Đang cặm cụi làm việc, nghe tiếng “pạch pạch” của ai đó chạy vèo dưới đường, thò cổ ra nhìn thấy cậu bạn lướt vội qua để lại mùi khói “thơm lừng”, lại hí hoáy gõ bàn phím lách cách. Chuông điện thoại reo, cậu em vốn là dân “mê ong” hạng nặng ở Sài Gòn alô hỏi thăm tình hình và rụt rè xin ý kiến tư vấn về chuyến đi xuyên Việt kết nối bốn điểm cực đất nước, vượt tứ đại đỉnh đèo bằng chính chiếc Vespa cổ đã mấy chục năm tuổi.
Mất gần 30 phút để nói cho nó hiểu cần chuẩn bị những gì, tình hình đường sá ra sao, lo sợ những trục trặc hỏng hóc dọc đường thế nào để rồi chốt lại câu cuối cùng nhỏ nhẹ “mày cho anh đi theo với”.
< Luôn đội mũ fullface và chú ý mỗi khi vào cua.
Đã từng đi qua hết những địa danh trong kế hoạch cậu em đưa ra, lúc thì bằng xe máy, lúc bằng ôtô mà gần đây nhất là chuyến Autocar Roadtrip 2012 mà vẫn rất muốn đi, vẫn rất muốn được lên với núi rừng miền sơn cước xa ngái. Ngồi mơ màng nghĩ ngợi, ba chiếc Vespa mà vượt được dốc Bắc Sum lên miền cực bắc Lũng Cú rồi lại chinh phục Mã Pì Lèng huyền thoại, cố gắng nốt Ô Quy Hồ, qua luôn Khau Phạ, Lũng Lô nữa thì tuyệt quá chừng.
Dáng vẻ cổ lổ sĩ mà điệu đà của các “em ong” khi khoe sắc giữa trời xuân miền núi, tiếng “pạch pạch” thong dong thả nhẹ giữa những con đường tít tắp, rồi những em bé miền biên giới, những phiên chợ, những mái nhà và con đường qua nơi xa đó, chỉ nghĩ đến thôi đã thấy nóng rực trong người dù ngoài trời, Hà Nội đang chịu đợt lạnh nhất trong năm.
Khi tôi đang ngồi gõ lạch cạch những dòng chữ này thì đâu đó trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, chiếc Sprint đang chinh phục nốt những cung đường cuối cùng. Ba kẻ hám xê dịch lại thêm hám “ong” đã không xuất phát cùng nhau, đã không cùng kết thúc, chỉ đi chung chặng đường chừng 2.000km của nước Việt mà thôi.
Ba kẻ đó đã dùng 3 chiếc xe của mình, kẻ thứ nhất sử dụng chiếc PX 200E của thập niên 80 thế kỷ trước, kẻ thứ 2 sử dụng chiếc Sprint 1967, kẻ thứ 3 dùng chiếc Super 1966. Với hành trình lần lượt là kẻ thứ nhất và hai chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội, hội ngộ kẻ thứ ba, rồi cùng nhau đi hết một vòng Đông Tây Bắc, chia tay tại Mộc Châu để kẻ thứ 2 tiếp tục một mình một ngựa ngược dốc chinh phục A Pa Chải, rồi xuôi về Sài Gòn đi miền Tây sông nước.
Tổng quãng đường đi ít nhất là kẻ thứ 3 với 2.000km, kẻ thứ 1 là 4.000km, và kẻ thứ 2 là 8.000km. Tất thảy đều bằng những “chú ong” già cỗi đã mấy chục tuổi đời. Điều mà ở Việt Nam có lẽ chưa có bất cứ chiếc Vespa cổ nào chạy một hành trình dài, vượt qua nhiều kiểu địa hình, thời tiết, vùng miền như thế. Tôi vẫn hay nói với hai người bạn đồng hành đó là: Hành trình kết nối đam mê.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn chia sẻ với độc giả một chặng ngắn trong suốt cả chuyến đi còn dang dở ấy. Đó là chặng đường 2.000km vòng quanh miền Đông Tây Bắc.
Xuân miền núi
Tôi đã đi mùa xuân miền núi đến hàng chục lần, nhưng lạ thay, mỗi lần đi là một khung cảnh khác nhau, một cảm nhận khác nhau. Dù có đi cùng một ngày, nhưng năm nay sẽ khác xa năm ngoái. Đó là điều mà tôi chắc chắn dám nói với những ai đã lên vùng cao Hà Giang vào mùa xuân.
Đoàn chúng tôi lặng lẽ rời Hà Nội vào một buổi sáng, tiết trời vẫn mưa lay bay do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Ba chiếc xe đã được bảo dưỡng kỹ càng, thay dầu loại tốt nhất, bugi được đánh sạch, lửa được căn chỉnh lại cho đúng chuẩn tầm nổ, dầu 2T cũng được chuẩn bị đầy đủ cho một hành trình hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ và thú vị.
Chặng đường Hà Nội – Hà Giang không quá xa lạ với những ai đã đôi lần đi qua đây, không có quá nhiều cảnh sắc để ngắm, để nhìn. Mặt đường quốc lộ 2 có nhiều đoạn đã xuống cấp mà chưa được tu bổ làm hành trình của đoàn chậm lại đôi chút. Những vất vả của chặng đường đầu tiên nhạt nhẽo này đã được mảnh đất địa đầu này bù lại gấp hàng trăm vạn lần trong suốt hành trình qua Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc,…
< Hội ngộ những người bạn khắp mọi miền.
Mặt đường ẩm ướt bởi sương mù, những khúc cua tay áo, những con dốc cao dài mang lại nhiều phấn khích cho đoàn. Vespa cổ vốn sinh ra không phải để leo núi, để ôm cua đổ đèo. Nó sinh ra để đi đường phố, cũng dễ nhận ra điều đó bởi dáng vẻ cổ điển mang chút màu sắc quý tộc. Bánh xe nhỏ, hệ thống phanh tang trống kiểu cũ, điều chỉnh số ở tay và đặc biệt không dùng xích đai truyền động làm cho mọi người nghĩ rằng nó không thể leo nổi những con dốc của miền cao nguyên đá này.
Nhưng thực tế, chúng tôi đã leo lên khá dễ dàng, sử dụng số hợp lý, cùng với xử lý côn đúng lúc làm cho chiếc xe lướt đi một cách êm ái. Tất nhiên, không thể so sánh tốc độ lên dốc của dòng 2 thì cổ lỗ sĩ này với dòng 4 thì như cào cào hay các dòng xe phổ thông hiện nay được.
Qua Quản Bạ với núi đôi cô tiên luôn níu chân những ai qua đây, qua Yên Minh với rừng thông vi vút gió rồi Phố Cáo lên Sùng Là qua Sà Phìn hai bên đường được tô màu sặc sỡ bởi sự đỏ thắm của đào rừng, trắng tinh khôi của mận, vàng rực rỡ của đám cả cánh đồng cải, và thật thiếu sót nếu không thêm vào đó là những ngôi nhà trình tường với hàng rào đá đã rêu phong theo tháng ngày.
Có lúc tôi đã ngỡ rằng mình đang đi lạc giữa rừng hoa anh đào của đất nước Nhật Bản. Nhưng không phải, đó hoàn toàn là Hà Giang, là miền sơn cước nơi địa đầu tổ quốc. Người dân tộc Mông cũng thật khéo léo và tài tình thật. Kết hợp trồng cả đào, mận, cải và cả ngôi nhà vào cùng một khung cảnh, tiết trời xuân làm nở bung hết tất thảy những loài cây đó để bao kẻ lãng du qua đây phải ngã gục vì ngẩn ngơ. Dường như cả mùa xuân đất nước đang nằm hết ở đây vậy.
Từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, từ trầm trồ này đến hết lời khen khác. Chúng tôi đi qua những thung lũng đào mận như thế mà chẳng vội vã. Thả mình thật chậm, nghe rõ tiếng “pạch pạch” của những chú ong già cỗi, để cảm nhận rằng đất nước mình thật đẹp. Miền đá Hà Giang luôn là nàng tiên bí ẩn nằm nép mình nơi đây. Từng con dốc, cung đèo được vượt qua không khó khăn. Có lẽ liều thuốc cảnh sắc thiên nhiên đã làm chúng tôi phấn khích đến tột cùng mà quên đi rằng trời đã về chiều, chiều miền núi tối rất nhanh.
Quả thật, giờ thì ai trong đoàn cũng ngẫm ra rằng, Vespa cổ không dành cho đi đèo đêm. Đèn tối do sử dụng điện “ma vít” đã cổ lỗ sĩ, bánh xe nhỏ, lại chở thêm nhiều đồ đạc, giảm xóc sau đơn đã cũ, máy lệch bên,… tất thảy những điều đó làm cho việc điều khiển chúng trong tiết trời mưa mù rét trở nên “thú vị” hơn rất nhiều.
Mắt căng mỏi, tay ghì chặt, chân luôn thường trực đạp phanh, số đảo liên tục, côn cắt nhả liên hồi, toàn thân xóc nẩy khi qua ổ gà, đường rãnh,… Một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi đá dựng đứng, chúng tôi đi giữa con đường như sợi chỉ vắt mình lên triền núi đó để về miền đất mới.
Côn được cắt nhả liên tục, số phải đảo liên hồi bởi rất nhiều khúc cua tay áo rất ngặt, chênh lệch về độ cao giữa 2 góc cua rất lớn. Ai trong chúng tôi cũng căng mình ghì chặt tay lái. Đã có không dưới một lần, chiếc Super của tôi lên đến nửa dốc, gặp ổ gà thế là “tụt hơi” luôn, phải dừng lại một lúc rồi mới tiếp tục hành trình.
Đối với những kẻ chạy xe 2 kỳ hoặc 4 kỳ dùng côn tay thì việc điều khiển nhịp nhàng côn và số là yếu tố quyết định thành công khi chinh phục những cung đường ngược dốc như thế này. Việc làm ngược lại có thể làm tổn hại nặng nề đến chiếc xe, đầu tiên là xe sẽ không đủ khỏe để lên dốc, thứ 2 là côn có thể bị cháy nếu nhịp tăng ga không đi cùng với nhịp nhả của côn, thứ 3 nữa là hộp số có thể bị hỏng do việc cắt côn sang số không chuẩn.
< Ba chú ong nhỏ trước một trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt.
Tuy nhiên, nếu bạn có đủ kinh nghiệm đi xe côn tay thì quả thực chúng là những “chú ngựa hoang” đã được thuần phục.
Tạm biệt miền đá, Sa Pa chào chúng tôi bằng phiên chợ buổi sáng Chủ nhật rất riêng của miền Tây Bắc, phiên chợ được họp ngay trước khoảng sân nhà thờ đá. Từng đoàn người váy áo sặc sỡ, từng món hàng nhỏ được trao đổi, thật đúng như ai đó đã nói: Ở miền cao này, người ta đi chợ phần vì buôn bán thì nhỏ mà phần vì gặp gỡ trao đổi tâm tình thì nhiều.
Từ đây chúng tôi lên đường chinh phục Ô Quy Hồ, là cung đèo thứ 2 trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt. Công cuộc vượt đèo Mã Pì Lèng (cũng là một trong tứ đại đỉnh đèo) ngày hôm qua đã cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm cho chặng đường leo dốc sắp tới khi Ô Quy Hồ dài chừng 50km vắt mình qua dãy Hoàng Liên Sơn với độ cao trên 2.000m. Từng góc cua, từng con dốc bị bỏ lại đằng sau, ba chú ong nhỏ tiến về phía trước một cách mạnh mẽ.
Xứ Mù Cang Chải đón chúng tôi bằng những thửa ruộng bậc thang đang mùa đổ nước, bằng nắng vàng rực rỡ chiếu sáng cả vùng đồi. Tiếp tục vượt đèo thứ 3 mang tên là “Sừng trời Khau Phạ” đoàn xuôi về Tú Lệ, qua Nghĩa Lộ. Từ đây, chúng tôi chọn cho mình con đường qua Lũng Lô lịch sử sang Phù Yên, rồi từ đó đi dọc dòng Đà giang đang mùa nước xanh ngắt, lên phà Vạn Yên để qua xứ chè Mộc Châu thơ mộng.
Từ đây, chiếc Sprint sẽ lên đường đi Điện Biên, rồi chinh phục cực tây A Pa Chải, sau đó xuôi theo đường Hồ Chí Minh vào lại Sài Gòn, đi hết một vòng miền Tây sông nước. Chú ong khỏe nhất là PX 200E cùng “ông ong” già nhất là Super 1966 trở lại Hà Nội. Miền Tây Bắc như muốn níu giữ chúng tôi khi tặng cho đoàn thêm 2 cung đèo Thung Nhuối, Thung Khe trước khi về với thủ đô phồn hoa náo nhiệt.
Nối yêu thương trên những chặng đường
Trên suốt hành trình từ miền Nam nắng ấm ra miền Bắc giá lạnh, đoàn đã gặp gỡ và giao lưu với những kẻ đam mê du lịch nói chung và ham mê “ong” nói riêng. Đến những cuộc hội ngộ bất ngờ giữa đường như cuộc hội ngộ với anh bạn hội Jeep Sài Gòn cũng chạy một chiếc Acma “giả cầy” từ Sài Gòn lên tận Hà Giang, rồi câu chuyện về anh Thạnh đã ấp ủ giấc mơ chinh phục cực bắc Lũng Cú gần 10 năm trời hôm nay mới thực hiện được.
Trước chuyến đi, chúng tôi cũng đã kêu gọi sự ủng hộ cho chương trình từ thiện mà đoàn sẽ thực hiện trong suốt dọc hành trình. Tất cả những hoạt động đó cũng là tiếp bước của những gì mà chúng tôi đã thực hiện trong hàng chục chuyến đi trước đây cũng như hi vọng rằng, mỗi đoàn “phượt” chúng ta khi đi qua nẻo đường đất nước hãy cùng chung tay vì những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tôi dám chắc rằng, đó sẽ là niềm hạnh phúc vô cùng lớn với lũ trẻ, không tin ư? Bạn hãy một lần làm và nhìn vào mắt chúng khi nhận quà, bạn sẽ hiểu tất cả.
< Những chiếc khăn ấm dành tặng lũ trẻ.
Trải qua suốt hành trình từ Hà Giang ngược lên miền địa đầu cực Bắc, rồi qua miền Tây Bắc, chúng tôi gặp rất nhiều lũ trẻ. Gặp cả lúc chúng ngồi bên vệ đường chơi, gặp cả khi chúng tôi đi vào bản, vào trường học nữa. Ba người bạn đồng hành miền Nam của chúng tôi đã không biết nói như thế nào để diễn tả nổi cảm xúc khi gặp trẻ em miền cao này ngồi bên vệ đường suốt cả ngày, khi trên người chỉ một cái quần cộc và cái áo phông mỏng manh trong thời tiết giá lạnh của miền Bắc.
Chúng tôi, ai cũng đủ quần áo ấm, giày tất, mũ bảo hiểm kín đầu, găng tay chống lạnh. Dừng lại chia kẹo cho chúng mà không khỏi chạnh lòng. Một túi khăn thật to mà chúng tôi chuẩn bị từ trước đã được chia đều cho chúng.
Cái cảm giác run run vì bắt gặp những cái run bần bật bởi trời lạnh của chúng khi tôi choàng chiếc khăn vào người cho lũ trẻ có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên. Từng bàn tay nhỏ xíu đầy bùn đất giơ ra với giọng nói tiếng Kinh chưa rõ “cháu xin” khi hứng lấy nhúm kẹo nhỏ mà chúng tôi chia. Từng câu nói bập bẹ khi được hỏi về việc đi học, việc làm ở nhà, về cuộc sống hàng ngày. Tất cả những điều đó làm cho ai trong chúng tôi cũng nghẹn ngào.
Giá mà xe của chúng tôi chở được nhiều đồ hơn để có thể phát hết cho toàn bộ lũ trẻ miền sơn cước lạnh giá này. Giá mà chúng tôi có hẳn một tháng trời chỉ để đi phát quà cho chúng. Giá mà có nhiều hơn nữa, những tấm lòng hướng về nơi đây, thì có lẽ trẻ em miền núi sẽ ấm lòng hơn rất nhiều.
Tạm biệt lũ trẻ, những ngoái đầu nhìn lại, chúng tôi lại lên đường…
Xem Thêm >
Theo Ovuong (Autocar Vietnam)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét