Trên tuyến quốc lộ số 2 Tuyên Quang - Hà Giang có một ngôi đền mang tên Thác Cái. Đền Thác Cái nằm tại đỉnh dốc ở km64 thuộc xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
< Đây là nơi khí thiêng sơn thủy hội tụ, bốn mùa thời tiết trong lành mát mẻ, tĩnh mịch.
Mặt trước ngôi đền hướng về phía sông Lô, nơi có một khu đá thác lớn hiểm trở chắn ngang sông, quanh năm nước réo, thuyền bè đi lại rất khó khăn.
Do sự đổi thay của thời gian, ngôi đền nhiều lần thành phế tích, rồi lại phục hồi. Gần đây, đền Thác Cái được một số người tái lập làm nơi thờ phụng nhưng ít ai biết tường tận về lịch sử ngôi đền này.
< Đền nằm ở chân một ngọn núi lớn.
Việc tìm hiểu nguồn gốc đền Thác Cái, chúng tôi dựa vào các tài liệu lịch sử, các sách địa chí, các ghi chép về danh lam thắng cảnh của các nhà Nho, ghi chép của các thầy địa lý, những người làm nghề sông nước lâu đời, các cụ cao niên ở địa phương và kết hợp khảo sát thực tế về các di vật cũ của đền cùng các sinh hoạt thờ cúng trong nhân dân vv… Tất cả cho thấy một bức tranh khái lược về lịch sử nơi thờ vọng được hình thành từ nhu cầu tín ngưỡng và tục thờ Thần Mẫu gắn với một địa hình hiểm trở từ ngàn xưa từng gây nhiều tai họa cho con người mỗi lần vượt thác.
< Cảnh sắc núi non đẹp đẽ và linh thiêng.
Trước thời Pháp thuộc, mạch giao thông Tuyên Quang- Hà Giang chủ yếu bằng đường thủy và men theo sông Lô là con đường bộ nhỏ heo hút, nhân dân đã lập một am nhỏ làm nơi nghỉ chân và bái vọng. Từ thế kỷ XV, trong sách Dư địa chí (Nguyễn Trãi), Thác Cái có tên là Tiên thiềm mẫu tử (Cóc mẹ cóc con), ám chỉ đá thác mấp mô hiểm trở liên kết nhau. Thác nước chảy mạnh tạo âm thanh lớn có tên là Hý tượng cảng (Thác voi rống), Tẩu mã cảng (Thác ngựa phi) để diễn tả sự dữ dội của nó. Đến thế kỷ XVIII, trong một lần hành binh qua đây, chúa Trịnh Sâm đã ra lệnh phá đá thác nhưng thất bại, chúa phải sai giết bò tế đá thác để cầu an…
< Mặt trước ngôi đền hướng về phía sông Lô...
Tấm văn bia cổ trong điện thờ cũ có dòng chữ Hán: “Đại Than thủy khẩu, cảm ứng Long Mẫu nương nương thần vị”. Đại ý là: Ghềnh đá lớn cửa sông cảm ứng các vị Thần Mẫu”. Trước năm 1978, khi ngôi đền còn nguyên vẹn, trên ban thờ chính điện có một bức tượng Long Mẫu và hai bên, mỗi bên có một tượng Nương Thần bằng gỗ. Theo tục tế lễ của người dân ven sông, Long Mẫu được xem là vị thần tối thượng, trong lời khấn Nôm được gọi là Bà chúa Thượng ngàn (hay Chúa Bà).
< ... nơi có một ghềnh đá thác lớn chắn ngang sông, quanh năm nước réo.
Trong bài tế đó có kèm lời phụng hai vị Nương Thần là Ngọc Nương và Phương Nương. Theo truyền thuyết từ thời đại Hùng Vương, đó là Ngọc Lân công chúa và Phương Dung công chúa. Hai vị nương Thần này đã được thờ làm chính Thần ở đền Hạ và đền Thượng (thị xã Tuyên Quang), đã được ghi trong Đại Nam Nhất Thống chí. Như vậy, đền Thác Cái bắt nguồn từ tục thờ Mẫu của nhân dân Lạc Việt có từ xa xưa trong lịch sử.
Về ý nghĩa của địa danh: Đại than thủy khẩu, có nghĩa là Ghềnh đá lớn cửa sông, đá thác lớn, cách gọi Nôm là: Thác Cái để phân biệt với Thác Con ở khúc sông khác. Cụm từ: Cảm ứng long mẫu nương nương Thần vị, như trên đã nói đều tương ứng với truyền thuyết và phong tục tín ngưỡng vốn có trong nhân dân (Thánh Mẫu cùng hai nương Thần).
< Từ khi xây dựng, Đền Thác Cái đã nhiều lần bị tàn phá do giặc ngoại xâm (Quân Thanh thế kỷ thứ XVIII, Quân Cờ đen thế kỷ thứ XIX...). Đến đầu thế kỷ XX, nhân dân đã khôi phục đền như cũ. Năm 2003, Đền được chuyển lên vị trí cao đẹp hơn như hiện nay và vẫn giữ nguyên hướng và kiểu kiến trúc cổ.
Cảm ứng, ở đây muốn nói sự tác động linh thiêng của Thánh Mẫu nơi con thác được xem là kỳ bí linh thiêng. Cho nên sự sùng tín và thờ vọng có thể hình thành sớm hơn sử sách sau này đã ghi. Theo Thần phả đền Bắc Mục cho biết: Đền Thác Cái còn có tên là đền Ghềnh, đền Ghềnh Mẫu từng bị giặc phương Bắc phá hủy hai lần (quân Thanh thế kỷ XVIII, quân Cờ Đen cuối thế kỷ XIX), sau lại được nhân dân khôi phục.
< Do nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Đền còn được thờ thêm Bà Chúa thượng ngàn.
Về kiến trúc cảnh quan, trước 1978 đền Thác Cái có một chính miếu, trong điện có ban thờ Mẫu, một tấm bia bằng gỗ lim, hai bên có câu đối. Người trông coi hương hỏa là ông Từ Dê. Mặt tường ngoài đền có hình hổ phù, ngoài sân có các cây hương (tiểu am) nơi thắp hương bái vọng. Phía tường bao điện thờ có khắc vẽ hình thuyền rồng, cờ xí triều Trần và binh mã, lối vào đền có hình tượng lính canh.
Năm 1980, Bảo tàng tỉnh có nhận được tập tài liệu (dã sử) bằng chữ Hán, trong bài vị có ghi: Đền Thác Cái thờ vị tướng tên là Phạm Dụ đời Trần, nhưng trong văn bia cùng các tài liệu lịch sử và nhân dân địa phương không nhắc tới (đây là vấn đề cần phải khảo sát thêm?). Phía bờ sông trước đền có một cây cổ thụ, còn lại cây cối quanh đền vừa và nhỏ. Sau đền, trong núi có một khe nước nhỏ chảy xuống sông Lô.
< Ngày 30-1-2008, Đền Thác Cái được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật”.
Cảnh quan hoang vắng không có nhà dân. Nhưng đây là nơi có phong cảnh đẹp tự nhiên, từ trên cao trông xuống thác có nhiều tảng đá gập ghềnh. Về mùa lũ con thác có tiếng réo ghê rợn dễ gợi ra những ký ức dân gian về xứ sở của thủy thần. Xung quanh con thác này đã để lại nhiều truyền thuyết lạ trong dân gian.
Về phương thức thờ cúng, từ xưa có hai lối tế lễ: Lễ thác và Lễ bộ hành.
Lễ thác: Những chủ bè và thuyền hàng trước khi trổ thác sắm một lễ xôi thịt (một thủ lợn hoặc một con gà sống thiến với mâm xôi) vào đền dâng lễ thắp hương bái lạy, sau đó mới tiến hành trổ thác.
Lễ bộ hành: Người qua đường, đến đỉnh dốc vào đền, tuỳ tâm hành lễ (hoa quả, bánh kẹo, tiền) thắp hương bái lạy xin thượng lộ bình an. Cách tế lễ đều do ông từ đền hướng dẫn hoặc tế giúp. Đại ý bài vị cúng: Người hành lễ xin bái vọng thần linh được phép qua xứ thác thiêng, lòng thành cầu nguyện được khỏe mạnh bình an, may mắn và được Thần phù trợ. Mỗi người tùy theo chức nghiệp và hoàn cảnh lại có lời thỉnh cầu riêng.
Năm 1978, thực hiện chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, Uỷ ban nhân dân xã sở tại đã tổ chức phá hủy đền Thác Cái. Nhưng người qua đường vẫn chọn nơi đây là điểm dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh và tự làm lễ thờ cúng như xưa. Năm 1985-1986, Bảo tàng tỉnh Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang) đã bước đầu nghiên cứu về đền Thác Cái, nhưng còn thiếu tư liệu và do hoàn cảnh chiến tranh biên giới nên chỉ có một số kết luận ban đầu: Thác Cái là đền cầu may.
< Ngay những ngày đầu xuân, Đền đã thu hút nhiều du khách thập phương đến vãn cảnh, thờ cúng cũng như cầu phúc, cầu tài, cầu lộc...
Gần đây, nhiều người dân đã tự góp vốn xây dựng đền Thác Cái quy mô hơn trước, khách thập phương về tế lễ ngày càng đông. Nhưng phương thức tế lễ không hoàn toàn như trước. Thực tế nơi đây cũng gây quan ngại cho các nhà quản lý văn hóa và an ninh ở địa phương. Qua tìm hiểu dư luận người đi lễ được biết, họ đến đền Thác Cái để cầu cúng Thần Mẫu, Bà chúa Thượng ngàn, hay Thần tài, cầu tự… Mục đích là cầu may giải hạn.
Hằng tháng, ngoài việc tế lễ của khách qua đường, nhân dân đến lễ đông nhất là ngày rằm và mùng một âm lịch. Còn lịch Lễ thác xưa theo bài vị chữ Hán trong thần tích lại ghi: Hành niên thất nguyệt thập tứ nhật hành lễ (hàng năm làm lễ vào ngày 14-7). Thời điểm lễ cũng trùng với những đỉnh lũ hàng năm.
Như vậy có thể thấy, đền Thác Cái được hình thành từ tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ một hiện tượng trở ngại của thiên nhiên đối với con người từ xa xưa hòa trộn với truyền thuyết và tục thờ Mẫu của người Việt cổ, gắn với quan niệm vạn vật hữu linh, tạo nên biểu tượng Thần linh trong tiềm thức nhân dân suốt dọc thời gian lịch sử.
< Trong tương lai, Đền Thác Cái sẽ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
Hàng nghìn năm qua sông Lô đã bao nỗi đầy vơi, nhưng con thác linh thiêng vẫn còn đó. Ai đã một lần đi qua Hý Tượng Cảng và Tẩu Mã Cảng chắc không thể phai mờ trong tâm trí về một danh lam kỳ thú phía bắc tỉnh Tuyên Quang.
Thác Cái sẽ là điểm tham quan du lịch đầy hấp dẫn mang lại nguồn lợi về kinh tế, văn hóa... khi ta có cái nhìn mới về môi trường sinh thái, nhân văn trên mảnh đất này. Là một di tích văn hóa tín ngưỡng – đền Thác Cái, thác Cái cần được đặt dưới sự quản lý của nhà nước để trở thành một điểm hẹn hấp dẫn trong tương lai.
Theo PGS. TS. Trần Mạnh Tiến (báo Tuyên Quang), ảnh Phan Thu - Hồng Vân (báo Hải Quan)
Du lịch, GO!
nhìn dàn trái cây mà thấy mê quá nhỉ
Trả lờiXóavietnam motorbike tours Loop Bike Tours