(TTO) - Nhiều năm trước, quốc lộ 19 vốn là một trong vài tuyến đường đẹp nhất nước. Nhưng hiện nay quốc lộ này trở thành “con đường đau khổ”, tan nát bởi hằng ngày phải cõng trên mình vô số xe quá khổ, quá tải từ Tây nguyên về cảng Quy Nhơn.
< Một đoạn trên QL19 trước kia, nay thì...
Bắt đầu từ cảng Quy Nhơn nối dài đến cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai), quốc lộ 19 dài 238km. Đây là tuyến đường huyết mạch không chỉ nối cảng Quy Nhơn với Tây nguyên mà nối thẳng vào tuyến hành lang kinh tế Đông Tây trong cụm tam giác phát triển VN - Lào - Campuchia.
Cung đường kinh hoàng
< Đèo Mang Yang trên QL19.
Chính “sứ mạng” đặc biệt của quốc lộ 19 làm tuyến đường này dần xuống cấp. Kinh phí duy tu bảo dưỡng hằng năm quá ít ỏi, trong khi xe vận chuyển hàng hóa ngày càng nhiều hơn. Suốt ngày đêm tuyến đường này bị những đoàn xe siêu trường siêu trọng cày xới. Khắp mặt đường đầy ổ voi, khiến giới tài xế lẫn cộng đồng dân cư sống dọc quốc lộ lúc nào cũng nơm nớp trước những tai họa giao thông bất trắc, khó lường.
Tài xế Lê Minh Hoài (Quy Nhơn) - người có hơn chục năm lái xe khách xuôi ngược trên tuyến đường này - cho biết xe khách Mercedes Sprinter 16 chỗ của ông mua cách đây năm năm mà giờ đã xộc xệch, tơi tả. “Đường xấu quá, không xe nào chịu thấu, coi như mình bán hao mòn xe cộ mà ăn dần. Trước khi chạy mỗi ngày phải thắp hương cắm trước đầu xe khấn vái, cầu mong bình yên. Đường sá hầm hố lung tung, xe bò qua mà cứ vặn qua vặn lại dặt dẹo như xoắn dây thừng. Chiều nào về tới Quy Nhơn xe không hỏng hóc dọc đường là mừng hú vía”- ông Hoài than thở.
Tại khu vực xã Song An, từ cuối thị xã An Khê tới đỉnh đèo An Khê là một cung đường kinh hoàng bởi hầm hố nối tiếp nhau, lớp nhựa trải đường bị cày xới vỡ toác, bong từng mảng lớn, xe tải trọng nặng đi qua hằng ngày tạo lún, nứt thành những hố sâu, đá dăm lót đường trồi lên lởm chởm. “Để phòng nổ lốp, cánh tài xế chúng tôi truyền nhau kinh nghiệm xả nước xuống lốp xe rồi từ từ bò qua từng mét. Ngày trước, đây là tuyến đường chạy xe sướng nhất, bây giờ không nói hết nỗi khổ trần ai” - ông Trần Ngưu (54 tuổi), tài xế lái xe đầu kéo container, phân trần.
Qua khỏi thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) là một đoạn đường dài hơn 3km hư hỏng nặng nề. Mỗi chuyến xe gầm rú bò qua là bụi ngùn ngụt thốc vào nhà dân. Cây cối ven đường quanh năm phủ một màu bụi đỏ ngầu. “Cả nhà ăn cơm phải dọn ở nhà sau, vậy mà mỗi khi xe chạy qua bụi cũng thốc vào tận nơi. Ngủ dậy giũ màn thấy đầy một lớp bụi dày. Tránh hầm hố giữa lòng đường, ôtô chạy lấn vào mép đường, sát rạt hàng rào, cổng ngõ, rất nguy hiểm bởi trẻ con hay chạy ra chạy vào trước nhà” - cụ Lê Bân (72 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) phàn nàn.
Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết ngoài việc thời gian sử dụng kéo dài, bảo dưỡng hạn chế, lưu lượng xe cộ tăng thì nguyên nhân chính khiến quốc lộ 19 nhanh chóng hư hỏng là do thường xuyên phải gánh trọng tải lớn. Nhiều xe tải chỉ cho phép chở 20-30 tấn nhưng trọng tải thực tế tới 40-50 tấn. Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai đã lập gần 700 biên bản xe quá tải.
Tai nạn gia tăng
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, quốc lộ 19 phải “gánh” trung bình 9.500 lượt xe ôtô/ngày đêm. Tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra và có xu hướng ngày càng tăng do đường xấu. Trong ba năm từ 2008 - 2010, trên tuyến đường này xảy ra 136 vụ tai nạn làm chết 142 người, gần 200 người bị thương. Năm 2011, tai nạn giao thông làm 54 người tử vong, đến năm 2012 tăng lên 62 người.
Phó đội trưởng đội CSGT Phòng CSGT Bình Định Ngô Hoài Bảo cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 19, trong đó có vấn đề chấp hành tốc độ lưu thông, vấn đề trục trặc kỹ thuật phương tiện. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy hầu như các vụ tai nạn giao thông đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chất lượng con đường ngày càng tan nát, nhiều đoạn lầy lội hơn đường làng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với tài xế” - ông Bảo nói. Đại tá Nguyễn Đăng Hải - trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định - nói: “Nhìn lại suốt hơn 20 năm qua, hàng triệu tấn thiết bị siêu trường siêu trọng được vận chuyển lên các công trình lớn ở Tây nguyên. Tuyến đường này làm nhiệm vụ vận chuyển to lớn như thế mà kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạn chế thì làm sao tránh khỏi hư hỏng, xuống cấp và gây tai nạn giao thông”.
< Trước kia, bây giờ không còn.
Thông tin sáng sủa nhất của quốc lộ 19 là cuối năm 2012, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Định đã khởi công xây dựng lại đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm nối quốc lộ 1 trên nền tuyến mới dài gần 18km. Dự án có tổng kinh phí gần 5.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này chỉ là đoạn đường quá ngắn, 220km còn lại chưa biết bao giờ mới được thay đổi.
Xem thêm >
Theo B.Trung - T.B.Dũng (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Xem ra cung Quy Nhơn - Pleiku - Chư Sê - Buôn Hồ - Ban Mê Thuột - Ninh Hòa... mà mình dự tính trước sẽ vỡ kế hoạch vì đoạn QL14 Pleiku - BMT cũng không ra gì. Có lẽ sẽ tính lại phương án khác vậy: lang thang nhưng vẫn cần an toàn.
ĐGD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét