Kể từ khi vua Lê Thánh Tông bình phương nam mở cõi (1471) rồi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, đến nay đã gần 550 năm. Những cư dân thuở ấy, theo vua vào khẩn hoang, khai ấp, lập nên làng xã, xây dựng đình làng, tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Đình cũng chính là nơi sinh hoạt cộng đồng, che chở con dân qua các cuộc kháng chiến, góp phần giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Ngôi đình lớn nhất Quảng Nam
Ở Quảng Nam bây giờ người dân vẫn còn lưu truyền câu ca nói về quy mô của các ngôi đình trên 500 năm tuổi: nhất La Qua, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, tàn phá, hiện chỉ còn đình Chiên Đàn tồn tại.
< Cổng đình Chiên Đàn.
Đình Chiên Đàn là một trong những công trình kiến trúc đình làng cổ nhất Quảng Nam. Hiện đình tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, H.Phú Ninh, cách QL1A chưa đầy 1 km. Theo tư liệu lịch sử, vùng đất Chiên Đàn xưa thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa. Để tưởng nhớ công ơn những bậc tiền nhân, tiền hiền, hậu hiền đã có công khai sơn phá thạch lập nên địa hiệu Chiên Đàn, người dân trong làng, trong xã thời ấy đã cùng nhau xây dựng đình Chiên Đàn có quy mô bề thế và đặt tên là "Chiên Đàn xã đình".
Đình nằm trên một khu đất cao, bằng phẳng. Đình chính được xây dựng theo hình chữ nhất, mặt xoay về hướng đông nam, mái lợp ngói âm dương, hai đầu của mái có trang trí hoa văn tinh xảo với hình tượng "Lưỡng long triều nguyệt" do những người thợ tài hoa làng mộc Văn Hà thi công. Toàn bộ khuôn viên của đình rộng 1.500 m2, riêng ngôi đình chính rộng 500 m2, có đủ chỗ cho trên 100 người.
Đình gồm 5 gian, 2 chái với 30 cột bằng gỗ mít to hơn một vòng tay người lớn, 3 gian giữa dùng làm nơi thờ tự. Bên phải đình có nhà trù (dùng làm nơi để dân đinh canh gác), bên trái là nhà kho đựng lúa, lương thực và tài sản của xã Chiên Đàn… Phía trước cổng tam quan có nhà võ ca, có mái che lớn như sân khấu để biểu diễn võ và ca hát cho nhân dân thưởng lãm trong những kỳ lễ hội. Tuy nhiên, qua thời gian và chiến tranh tàn phá, nhà võ ca chỉ còn lại dấu vết mấy trụ cột.
Phần nội thất là một khung sườn gỗ (tiền đường), hậu tẩm đã sụp đổ (các bàn thờ đã dời ra bên ngoài tiền đình). Mặt chính doanh là một hàng 6 cột phân cách ngôi đình theo bố cục ba gian hai chái. Phần xà ở phía trên ba gian (xuyên hông thượng nối liền liên kết hai bộ vì kèo) còn 3 câu hoành bằng chữ Hán có nội dung như sau:
Câu ở giữa (gian giữa): TRẠC KHUYẾT LINH
- Góc bên trái: CHIÊN ĐÀN XÃ
- Góc bên phải: LONG PHI TÂN MÙI
Câu bên trái (gian bên trái): THỪA KỲ HẬU
- Góc bên trái: CHIÊN ĐÀN XÃ
- Góc bên phải: KỶ MÃO XUÂN
Câu bên phải (gian bên phải): QUAN Ư TIỀN
- Góc bên trái: CHIÊN ĐÀN XÃ
- Góc bên phải: KỶ MÃO XUÂN
Chuyện xưa từ ngôi đình cổ
< Những họa tiết được thể hiện trên các cấu kiện bằng gỗ của đình đã phản ánh nghệ thuật chạm trỗ điêu luyện của nghệ nhân làng mộc Văn Hà.
Theo Trung tâm VH-TT H.Phú Ninh, sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi, ở miền biên viễn phía nam vẫn bất ổn. Mùa xuân năm 1471, vua thân chinh cầm quân tiến đánh Chiêm Thành. Theo Minh quân Lê Thánh Tông và triều thần của tác giả Lê Duy Anh: "Tháng 6.1471, vua lấy đất từ nam Hải Vân đến Thạch Bi sơn (núi Đá Bia, Phú Yên) đặt làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam và đặt Vệ Thăng Hoa… Từ ngữ địa danh Quảng Nam bắt đầu có từ đấy và đạo Thừa tuyên Quảng Nam cũng là đạo thứ 13 trong cả nước thời bấy giờ".
Theo truyền thuyết và lời kể của các bô lão sống gần đình Chiên Đàn, khi vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt, bình phương nam, thì nhà vua đã sử dụng đình Chiên Đàn để nghỉ ngơi và đưa ra những quyết sách phù hợp để giành thắng lợi. Đến đình làng nằm ở một vị trí cao ráo, có thể bao quát cả một vùng đất rộng lớn. Cách Chiên Đàn vài cây số là sông Tam Kỳ che chắn.
Xung quanh làng Chiên Đàn có nhiều nhánh sông nhỏ bao bọc và hơn hết có rất nhiều đồi cao án ngữ trước sau, rất tốt cho việc bố trí lực lượng để tấn công và phòng thủ. "Xét trên nhiều yếu tố về địa thế, quy mô của ngôi đình, cũng như bên trong đình có nơi để lương thực, rất có thể vua Lê Thánh Tông đã chọn đình Chiên Đàn làm nơi nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những trận đánh lớn", một chuyên gia văn hóa ở H.Phú Ninh nhận xét.
Hội quân ở đình làng
Đình Chiên Đàn gắn liền với xã Chiên Đàn xưa, vùng đất được mệnh danh "địa linh nhân kiệt" với nhiều vị anh hùng, khoa bảng một thời vang bóng như: Kiều Phụng, Đống Công Trường, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Huỳnh Thúc Kháng, Dương Thưởng, Dương Thạc… với những kỳ tích lẫy lừng, đã được sử sách lưu danh và người dân khắp nơi mến mộ.
< Nhà bia di tích cách mạng Chiêm Đàn.
Theo tài liệu của Trung tâm VH-TT H.Phú Ninh ghi lại từ những tư liệu được lưu giữ và theo lời kể của các vị trưởng lão ở Chiên Đàn, vào khoảng năm 1782, cơ nghiệp nhà Trịnh đổ nát, binh biến liên miên, nhân dân khắp nơi oán thán. Lúc bấy giờ, Nguyễn Nhạc phái em là Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) kéo quân ra đánh đồn Hải Vân, giải phóng đất Thuận Hóa.
Khi đi ngang đất Hà Đông, Nguyễn Huệ được người dân ở đây rất ủng hộ và tại đình Chiên Đàn ông đã tập hợp, thành lập một lực lượng nghĩa binh lớn lấy tên gọi là "Tiền cơ Trung Nghĩa", trong đó chọn ông Kiều Phụng người xã Chiên Đàn phụ trách hải thuyền và phong làm đô đốc; chọn cụ Đống Công Trường làm cai cơ thống lĩnh đạo nghĩa quân Hà Đông.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ 1885 - 1887, tiến sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo "Nghĩa hội Quảng Nam" đứng lên kêu gọi người dân trong vùng hưởng ứng phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn này, dưới sự chỉ huy của các cụ Võ Đức Mậu, Trần Hoán, Võ Bang, Võ Lê, Xã Xước, đình Chiên Đàn cũng được chọn làm nơi tuyển quân, thu nhận lương thực, khí giới trong dân nổi dậy chống quân Pháp và tay sai.
Cũng theo tư liệu của Trung tâm VH-TT H.Phú Ninh, khi phong trào Duy Tân bùng nổ ở Quảng Nam vào năm 1904 - 1908, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã tập hợp hàng ngàn người dân đến đình Chiên Đàn để diễn thuyết, kêu gọi người dân đấu tranh đòi xin xâu, giảm thuế. Cuộc đấu tranh của người dân ở Chiên Đàn cùng với nhân dân khắp vùng Quảng Nam trong phong trào Duy Tân đã tạo nên tiếng vang lớn khắp cả nước lúc bấy giờ. Khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), đình Chiên Đàn được dùng làm trụ sở của Ủy ban nhân dân lâm thời xã Chiên Đàn…
Từ khi được xây dựng đến nay, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đình Chiên Đàn đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào các năm 1932, 1955, 1967, 1972, 1996 và gần đây nhất là năm 2006.
Dù vậy, kiến trúc của đình vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT H.Phú Ninh, hằng năm, nhân dân cúng đình vào ngày đầu xuân và tổ chức lễ hội linh đình vào ngày rằm tháng 7 âm lịch nhằm giáo dục con cháu đạo lý "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", khơi dậy tinh thần yêu nước, vun đắp tình làng nghĩa xóm...
Xem thêm >
Theo Kienviet tổng hợp
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét