(TBKTSG Online) - Vùng Tam Sơn, Quản Bạ thuộc tỉnh Hà Giang - một tỉnh nằm ở cực Bắc Việt Nam - có một toà thiên nhiên tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên gọi là Núi Đôi.
< Núi Đôi Quản Bạ lấp ló giữa mây mù.
Từ Hà Giang chúng tôi đi thêm 46km về phía bắc, vượt qua dốc Bắc Sum cao tận mây để đến với cổng trời Quản Bạ. Quản Bạ là một huyện nằm ở cửa ngõ phía tây nam của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
< Điểm dừng chân để leo dốc nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu vực Tam Sơn, Núi Đôi.
Dọc theo con đường ngoằn ngoèo giữa chập chùng đồi núi, đá tai mèo, là những ngôi nhà của người dân tộc H’Mông, người Dao, người Tày… phần lớn là kiểu nhà trình tường với vách bằng đất bao quanh dày trên 4 tấc, cửa ra vào nhỏ gọn để chống lại cái nóng và cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi cao. Chung quanh nhà là hàng rào bằng đá được chồng xếp ngay ngắn, chỗ cao chỗ thấp lên xuống theo độ dốc trông khô cứng nhưng rất xinh xắn.
< Hàng rào đá bao quanh nhà người H’Mông, nét văn hoá nhà ở tỉnh Hà Giang.
Người dân vùng cao nguyên đá trồng nương rẫy theo kiểu nương đá nghĩa là chọn những hốc đá rồi bỏ đất vào gieo hạt bắp, dây khoai… để thu hoạch nông sản - một công việc hết sức cực nhọc nhưng lại là nét văn hoá sinh hoạt đặc trưng của vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Muốn nhìn được tận mắt toàn cảnh vùng Tam Sơn, chúng tôi phải đi bộ leo dốc thêm chừng 100 mét. Tại trên đỉnh cao đoạn đường Yên Minh - Tam Sơn này có một điểm dừng chân cho du khách và có xây dựng bậc thang để du khách có thể lên xuống dốc dễ dàng.
Đứng từ độ cao này mọi người có thể ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn đẹp như thơ, quanh năm khí hậu mát mẻ được ví như “Sapa” của Hà Giang với ruộng bậc thang, xen lẫn với núi non trùng điệp và xóm làng. Đặc biệt du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng Núi Đôi tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của sơn nữ đôi mươi.
Chung quanh chân Núi Đôi là cánh đồng lúa bậc thang thay đổi màu sắc theo mùa vụ như chiếc áo của người phụ nữ được thay đổi sắc màu nhiều lần trong năm. Sắc xanh của thời đầu vụ lúa, sắc vàng lộng lẫy của thời kỳ lúa chín, sắc nâu của mùa cày xới cho một vụ mùa lúa mới.
Cảnh quan khu vực Núi Đôi lúc nào cũng hấp dẫn du khách gần xa đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Người dân nơi đây thường kể lại những câu chuyện truyền thuyết về sự tích Núi Đôi. Trong những chuyện kể, có câu chuyện về nàng tiên Hoa Đào. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người H’Mông khôi ngô tuấn tú, có tài thổi đàn môi.
Đàn môi được làm từ một lá đồng mỏng, có chiều dài khoảng 10cm, chiều rộng chừng 1cm. Bộ phận chính của đàn môi là một lưỡi gà hình tam giác được cắt thủng ở giữa của miếng đồng. Miếng đồng được cắt thành hai cạnh của hình tam giác đây chính là bộ phận phát ra âm thanh cho đàn môi hay còn gọi là ‘lưỡi gà’.
< Đàn môi.
Đây là một loại nhạc cụ độc đáo của người H’Mông. Đàn môi có cấu tạo rất đơn giản nhưng khả năng biến tấu của đàn môi khi sử dụng tạo được nét truyền cảm, dễ làm rung động người nghe, nhất là vào những đêm khuya thanh vắng vì âm thanh của đàn môi rất nhỏ. Tiếng đàn môi dùng để tỏ tình hay người thổi mượn tiếng đàn để giãi bày tâm sự.
Khi trình diễn, người diễn ngậm ngang đàn môi, tay phải giữ đầu nhọn cho chắc để đàn môi không bị tuột ra. Tay trái dùng ngón tay cái để gảy vào đầu làm cho miếng đồng rung lên và lưỡi gà tạo ra âm thanh.
< Nhà ở xây dựng theo kiểu trình tường bằng đất dầy trên 4 tấc với cửa ra vào nhỏ nhắn.
Tiếng đàn môi của chàng trai H’Mông réo rắt, lúc sâu lắng, lúc lại da diết trầm bổng như tiếng gió giữa canh khuya vút lên cao, vang xa len vào vách núi rừng sâu. Lúc đó trên thượng giới có một nàng tiên cực kỳ xinh đẹp tên là Hoa Đào vô tình nghe được tiếng đàn môi quyến rũ của chàng trai H’Mông đó và đã nương mây theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi. Phải lòng chàng trai H’Mông khôi ngôi tuấn tú đó nên nàng tiên Hoa Đào tìm cách ở lại vùng đất này. Họ đã nên vợ thành chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Khi Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện bỏ trốn xuống hạ giới lấy người trần gian của nàng tiên Hoa Đào, Ngài vô cùng tức giận, sai người đi bắt nàng về. Hoa Đào khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không được Ngọc Hoàng chấp thuận. Thương con thơ sẽ bị thiếu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới để cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con ngày càng khôn lớn dần dà biến thành hai quả núi có hình dáng như bầu vú mẹ. Nhờ dòng sữa của nàng tiên Hoa Đào mà thổ nhưỡng vùng đất này tươi tốt, cây trái thơm ngon. Còn dòng nước mắt khóc thương chồng con khi tiễn biệt của nàng đã biến thành dòng sông Miện len lỏi giữa rừng đá tai mèo bạt ngàn trên cung đường nối Yên Minh - Quản Bạ của vùng cao nguyên đá Hà Giang.
< Núi Đôi một cặp núi kể về truyền thuyết nàng tiên Hoa Đào với ruộng bậc thang chunh quanh như là mảnh áo thay đổi sắc màu theo mùa lúa.
Núi Đôi ở Tam Sơn, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chỉ là một trong rất nhiều di tích, nhiều thắng cảnh địa danh cực kỳ khác lạ và hấp dẫn của tỉnh Hà Giang, một vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Cung đường Đông Bắc - Tây Bắc chắc chắn sẽ là cung đường tuyệt vời cho những ai yêu thích cách đi du lịch theo kiểu khám phá và trải nghiệm ở Việt Nam.
Để một chuyến đi thêm ý nghĩa, du khách nên chuẩn bị hành trình theo xu hướng du lịch đóng góp, mang theo những món quà như tập vở, bút, quần áo ấm để phần nào góp thêm sự ấm áp cho trẻ em và người dân tộc vùng xa xôi biên ải.
Xem thêm >
Theo Lâm Văn Sơn (The Saigon Times)
Du lịch, GO!
Núi Đôi Quản Bạ
Kỳ lạ núi đôi
chắc hẳn là 1 truyền thuyết gì đó với cắp núi này nè
Trả lờiXóavietnam motorcycle tours Loop Bike Tours