(TNO) - Khác với những cơn lũ dữ dội ở các vùng miền khác, mùa lũ ở ĐBSCL được gọi là mùa nước nổi và cũng là mùa “hái ra tiền” của hàng chục ngàn hộ dân vùng đầu nguồn. Không những vậy, mấy năm gần đây, lũ về còn là mùa thu hút đông khách du lịch.
Phượt mùa lũ
Sau khi tham quan chợ nổi Cái Răng, vườn trái cây Mỹ Khánh và có một buổi tối nghe đờn ca tài tử trên Du thuyền Cần Thơ, nhóm của Lê Minh Tĩnh (SV ĐH Cần Thơ, quê ở Đắk Lắk) quyết định về vùng đầu nguồn của tỉnh An Giang để trải nghiệm mùa nước nổi, nơi mà nhiều người sinh sống ở thành phố như Tĩnh chưa hề biết tới.
Cả nhóm đi xe máy đến TP.Long Xuyên rồi theo quốc lộ 91 lên Châu Đốc tham quan miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chợ biên giới Tịnh Biên… rồi tiếp tục hành trình đến nơi nước lũ đầu nguồn đang đổ về. Dọc tuyến đường từ Tân Châu sang An Phú, nhiều cánh đồng nước lũ đã ngập trắng xóa.
Nhiều chỗ, giữa đồng chỉ còn những rặng cây bạch đàn, dấu tích của 2 bên bờ những con kênh lớn. Tại kênh Bảy Xã, (đoạn qua ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, TX.Tân Châu), hàng chục chiếc ghe của dân chài lưới nổ máy phành phạch, tiến về phía cánh đồng ngập lũ.
Chòng chành trên chiếc xuồng mỏ quạ cùng ông Đặng Văn Bé, nhóm của Tĩnh tiến về cánh đồng mênh mông nước, giáp nước bạn Campuchia. Khi xuồng cách xa bờ kênh chừng 500 m, ông Bé liền trầm mình xuống dòng nước để “thăm” dớn.
Hàng dớn của ông Bé dài mấy chục mét, ngoằn ngoèo như một ma trận dẫn dụ cá tôm vào đáy. Lê Đình Tình (SV Trường ĐH Cần Thơ, quê ở Hải Dương) phấn khích: “Trước đến giờ chỉ nghe nói đến dớn, đú, lợp, lờ chứ chưa bao giờ thấy tận mắt. Hôm nay được đi nhấc dớn đã quá”.
Khi ông Bé nhấc đáy dớn lên rồi đổ cá ra khoang xuồng. Chừng 30 kg cá linh, cá heo, lòng tong bay… thi nhau nhảy tanh tách. Cả nhóm xúm lại bắt cá, cười giỡn vang đồng. Ông Bé tiếp tục thả đáy dớn rồi cho xuồng quay đầu đi nhấc lưới. “2 năm nay, có khá nhiều khách du lịch đến đây ngắm lũ. Họ xin quá giang theo bắt cá rồi nhờ nấu mấy món mùa lũ để họ thưởng thức”, ông Bé nói.
Hôm ấy, nhóm của Tĩnh cũng được ăn bữa cơm “nhớ đời” tại nhà ông Bé, chỉ với món đặc sản mùa lũ duy nhất: lẩu cá linh nhúng bông súng, bông điên điển.
Tour mùa nước nổi
Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ lữ hành An Giang, cho biết ngoài loại hình du lịch “bụi” như nhóm bạn trẻ trên tự tổ chức, những năm gần đây, nhiều công ty du lịch cũng triển khai các tour mùa nước nổi. Riêng năm nay, lượng khách từ TP.HCM, Đông Nam bộ và miền Trung đăng ký tour mùa nước nổi ở An Giang tăng lên khá cao. Hiện công ty đã chuẩn bị xong phương tiện, địa điểm và nhân lực để sẵn sàng phục vụ tốt cho khách. Cũng theo bà Kiều, năm nay công ty sẽ tổ chức đưa khách tham quan mùa nước nổi ở 2 điểm là rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, H.Tịnh Biên) và Búng Bình Thiên (H.An Phú).
Mùa lũ, ở rừng tràm Trà Sư cá tôm sinh sản nhiều, chim cò cũng về nhiều hơn. Khám phú khu rừng bằng những chiếc xuồng lướt nhẹ trên mặt nước phủ kín màu xanh mơn mởn của bèo tấm, khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn những cây tràm cổ thụ cùng nhiều loài chim, cò, vạc, chàng nghịch...Vọng gác giữa rừng là nơi khách có thể ngắm toàn cảnh khu rừng tràm trải rộng giữa đồng nước mênh mông, nhìn về phía đông là dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đêm đến, khách được đưa lên núi Cấm, nơi có khí hậu như Đà Lạt để nghỉ ngơi và giao lưu văn hóa với người Chăm ở địa phương.
Còn tại Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời lớn nhất miền Tây, ngoài hoạt động tham quan, khách còn được tham gia sinh hoạt cùng người dân địa phương, như: thi tài hái bông điên điển, đua xuồng, bắt lươn…
Bữa cơm tại đây là thứ khách chờ đợi nhất với các món ăn đồng quê mùa nước nổi như: cá linh nướng trui, bánh xèo cá linh, canh chua bông điên điển cá linh, gỏi tép bông súng đồng… Kết thúc tour du lịch mùa nước nổi, khách còn có thể mang về những đặc sản như: dưa bông điên điển, mắm cá linh, cá linh kho mía, cá linh kho cà đóng hộp… Đó là những món quà chỉ có từ vùng nước nổi.
Xem thêm >
Theo Tú Uyên (Báo Thanh Niên), ảnh internet
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét