Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Đặc sản Thịt Chuột Vườn Quốc Gia Bến En

Đặc sản thịt chuột… ngày Tết!
Nằm ở phía cửa Đông Thành nhà Hồ, làng Đông Môn, thuộc xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc – Thanh Hóa) được biết đến như một ngôi làng cổ xưa, còn lưu giữ lại nhiều nét truyền thống. Nhưng nơi đây còn nổi tiếng với một tục lệ khá lạ lùng: ăn thịt chuột trong ngày Tết. Ngày Tết, nhà nào trong làng không có nồi thịt chuột nấu đông thì xem như không có Tết.

Thịt chuột nấu đông: món “độc”
Không giống với một số làng có nghề săn chuột để bán lấy tiền và kiếm sống, người làng Đông Môn chỉ đào chuột để mang về ăn. Và cũng không phải quanh năm đi đào chuột mà chỉ có trong vòng 2 – 3 tháng cuối năm, giáp Tết Nguyên đán. Vào mùa khô, từ tháng 10 cho đến tháng Chạp âm lịch, sau khi lúa trên đồng đã thu hoạch và vụ đông cũng đã làm xong, dân trong làng lại rủ nhau ra đồng đào chuột đồng để tích trữ chuẩn bị cho ngày Tết. Những nhà nào không đi đào chuột được thì mua lại của nhà khác.
Trong số rất nhiều món ăn của Tết cổ truyền người Việt như bánh chưng, giò chả, dưa hành,… thì Tết của người làng Đông Môn còn không thể thiếu nồi thịt chuột đồng nấu đông. Khách quý đến nhà, ngoài các món khác thì thịt chuột cũng được đem ra để thết đãi. Chẳng cần biết khách ở xa đến có thích món này hay không, và dẫu khách có từ chối không ăn thì gia chủ vẫn cứ mời, bởi đó là tình cảm chân thành của gia chủ dành cho khách.


             Chuột đồng sau khi được chế biến


Theo người làng Đông Môn, thịt chuột để làm thức ăn phải là thịt chuột đồng, và không phải thịt chuột đồng mùa nào ăn cũng ngon. Thời điểm thịt chuột đồng béo và thơm ngon nhất chính là vào cuối vụ đông xuân (từ tháng 10 âm lịch trở đi), chuẩn bị bước sang mùa khô. Lúc này, nguồn thức ăn của chuột đồng dồi dào, ngoài ăn thóc, chuột còn bắt được thêm cả cua, cá từ những kênh, đầm đang cạn nước để ăn. Cách làm thịt chuột đồng của người làng Đông Môn cũng khá “dị”: thay vì nhúng vào nước sôi như một số nơi vẫn làm, người làng Đông Môn vùi chuột vào tro nóng khoảng 3 – 5 phút, sau đó mới lấy ra để chuốt sạch lông. Chuột sau khi đã chuốt lông được thui trên lửa đốt bằng rơm cho đến khi vàng ươm. Cuối cùng, dùng lá xả và lá chanh chà xát lên thân chuột rồi mới mổ thịt. Trong khi mổ thịt sẽ chặt bỏ đầu, đuôi, ruột, và màng mỡ, chỉ giữ lại phần thân.
Tùy theo khẩu vị và ý thích của từng người mà thịt chuột được người làng chế biến ra nhiều món khác nhau như: nướng, quay, xào xả ớt, om dưa, kho… Riêng món nấu đông được coi là món gia truyền của làng trong những ngày Tết.

Đằng sau món ăn là câu chuyện lịch sử
Ngày nay, nhiều người trẻ tuổi trong làng không còn nhớ rõ nguồn gốc ăn thịt chuột có từ khi nào, chỉ biết rằng từ xưa lắm, người làng đã có lệ này, và cứ thế truyền lại cho con cháu. Tuy nhiên, nhiều người cao niên trong làng vẫn còn nhớ câu chuyện lịch sử buồn liên quan đến món ăn này, gắn với di tích Thành nhà Hồ…
Ông Vũ Đình Lún (67 tuổi, người làng Đông Môn) cho biết: Từ thuở nhỏ, mỗi khi hội làng vẫn nghe các cụ cao niên trong làng kể về sự tích của việc ăn thịt chuột ngày Tết. Chuyện kể, tục lệ ăn thịt chuột vào ngày Tết của làng Đông Môn bắt đầu có từ thời nhà Hồ.
Ông Vũ Đình Sén (63 tuổi, người đang trông coi đền thờ nàng Bình Khương, một trong những hạng mục di tích Thành nhà Hồ) thì kể lại, vào năm 1397, Hồ Quý Ly cho khởi công xây dựng thành Tây Đô với ý định dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa.

Để đốc thúc việc xây thành, ngoài huy động tất cả quân lính và thợ thuyền ra, Hồ Quý Ly còn bắt hàng vạn dân chúng trong vùng tham gia phục dịch. Công việc xây thành rất khó khăn, nhiều người đã chết vì đá sập, kiệt sức hoặc bị quan lại trách phạt đánh đập. Có người làng đói quá, tối bèn lẻn ra bẻ trộm măng tre (trồng làm lũy xung quanh thành) để về luộc ăn, quan quân bắt được, liền chém đầu và treo trước cổng thành để răn đe.

Khi xây thành, đoạn thành phía Đông qua làng Đông Môn không hiểu sao cứ xây xong lại bị đổ sụp xuống. Nghi ngờ tướng đốc xuất xây thành là Trần Công Sỹ có ý đồ làm phản, Hồ Quý Ly bèn sai người bắt trói và đem chôn sống. Vợ Công Sỹ là nàng Bình Khương biết tin bèn đến để kêu oan cho chồng nhưng không được. Nàng đã đập đầu vào đá chết theo chồng (nay vẫn còn đền thờ dân làng Đông Môn lập để thờ nàng Bình Khương).
Hồ Quý Ly còn trách phạt dân làng Đông Môn vì tội xây thành chậm bằng cách tịch thu hết thóc gạo, trâu bò, lợn gà trong làng để làm thức ăn cho quân lính xây thành. Sắp Tết, không còn gà lợn, dân làng bèn rủ nhau ra đồng đào chuột để về giết thịt ăn Tết. Về sau thành lệ, người dân trong làng cứ đến những ngày giáp Tết là ra đồng đào chuột về ăn, như một sự tưởng nhớ đến người xưa và cũng là để nhắc nhau đừng bao giờ quên câu chuyện dân làng bị trách tội, phải gánh chịu những hình phạt đau thương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét