Khu du lịch sinh thái Tràng An có tổng diện tích 3.177,2 ha, nằm trên địa bàn tám xã, phường thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.
Khu du lịch sinh thái Tràng An gồm bốn phần chính đó là khu Bảo tồn đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu trung tâm, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Ðính và khu du lịch sinh thái hang động Tràng An.
Một vùng sinh thái quyến rũ
Khu du lịch hang động Tràng An nằm trong địa bàn huyện Gia Viễn và Hoa Lư có diện tích 966,4 ha. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại đây có 500 loài thực vật, 73 loài chim, 41 loài thú, 32 loài bò sát sinh sống. Hiện nay, số hang xuyên thủy được ngành văn hóa tỉnh khảo sát có 48 hang xen lẫn 31 thung đẹp cùng nhiều cổ vật di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ.
Nơi đây hiện vẫn còn dấu ấn người tiền sử cách chúng ta ngày nay từ 5.000 đến 300 triệu năm. Các nhà khảo cổ và địa chất khẳng định quần thể danh thắng Tràng An - Hoa Lư xưa là một vùng biển cổ, cách đây khoảng 250 triệu đến 300 triệu năm.
Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An gắn liền với khu di tích Cố đô Hoa Lư. Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở để làm kinh đô. Tại nơi này, ông xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi để phòng ngự, biến núi thành pháo đài hiểm trở, biệt lập với bên ngoài. Khi xây dựng tường thành, Vua Ðinh Tiên Hoàng đã khai thác lợi thế thiên nhiên để phục vụ con người, ông nối những dãy núi đá vôi với nhau bằng các tường thành nhân tạo để dựng lên một kinh đô vững chãi, độc đáo.
Khu du lịch hang động Tràng An thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Chung quanh nơi đây, núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động, điều kỳ diệu ở đây là các hang động được thông với nhau bởi các thung nước hết sức hiểm trở tạo nên một kinh đô Hoa Lư với thế phòng thủ vững chắc. Những ngọn núi cao chót vót chính là đài quan sát, cũng là tường thành bảo vệ kinh đô. Thời gian có thể làm hủy hoại những công trình kiến trúc nhân tạo, nhưng tường thành núi đá vẫn mãi mãi tồn tại, chính vì thế kinh đô Hoa Lư còn được gọi là "Kinh đô Ðá".
Nhiều nhà khảo cổ khi đến khu sinh thái hang động Tràng An đã ví đây là một "bảo tàng địa chất ngoài trời" bởi toàn bộ khu vực Tràng An được các dãy núi đá vôi hình cánh cung bao bọc giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Những khe nứt từ các dãy núi đá vôi thể hiện sự vận động địa chất tạo ra các dòng chảy trong hang động.
Dưới chân núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, đó chính là dấu tích của biển tiến, thoái. Theo các nhà khoa học, hang động các-tơ nổi tiếng của vùng núi đá vôi Hoa Lư - Ninh Bình và phụ cận có cách đây bốn nghìn năm là một "Hạ Long trên cạn" ngày nay. Ðặc sắc nhất trong hệ thống hang động là loại hang nước nằm ngang, xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông giữa các khe núi thành một dòng nối liền giữa các thung với nhau.
Ðiểm du lịch hấp dẫn
Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Ðộng, một bộ phận quan trọng của Di sản Cố đô Hoa Lư, với đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn cùng khu du lịch sinh thái Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An có chín tuyến du lịch đường thủy và hai tuyến du lịch đường bộ.
Các tuyến đường bộ với chiều dài 1,6 km leo qua ba quèn, vào đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm), khởi đầu từ bến Cây Bàng.
Ðây là tuyến du lịch leo núi thú vị qua ba đèo liền nhau. Hiện nay đường leo núi được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần (thờ Quý Minh Ðại Vương - đời Vua Hùng thứ 18) đã dựng bảy chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi. Các tuyến du lịch đường thủy kết hợp leo núi du ngoạn bằng thuyền qua 13 hang và thung nước đến các điểm di tích lịch sử theo lộ trình khép kín.
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhiều dự án và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trực tiếp là đơn vị thi công các hạng mục khu du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Son, người gắn bó với khu vực Tràng An gần 50 năm qua, tại đây còn có khoảng ba mươi hang động xuyên thủy chưa được nạo vét để phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay lượng du khách về khu du lịch Bái Ðính - Tràng An không ngừng tăng lên. Năm 2009, hơn một triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch.
Năm 2011, số du khách tới Ninh Bình đạt mức hơn ba triệu lượt người. Hàng chục nghìn lao động tại các huyện Gia Viễn, Hoa Lư và thành phố Ninh Bình được tạo việc làm, tham gia vào các dịch vụ du lịch như chở đò, hàng ăn, nhà nghỉ... Nhờ phát triển du lịch, nhiều vùng đất được đánh thức tiềm năng trồng cây nông sản, sản xuất nấm các loại, làm nghề truyền thống: thêu ren, gốm, đá mỹ nghệ, v.v. Du lịch Ninh Bình với điểm nhấn Bái Ðính - Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Ðộng đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 thung nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện. Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, thung nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau.
Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh.
Hiện nay khách đến Tràng An đều tham gia Tour du lịch rất thú vị bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ qua: Bến đò – Đền Trình – xuyên hang Địa Linh – xuyên hang Tối – xuyên hang Sáng – xuyên hang Đền Trần – Đền Trần – xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại – xuyên hang Si – xuyên hang Sính – xuyên hang Tình – xuyên hang Ba Giọt – xuyên hang Nấu Rượu – Phủ Khống – xuyên hang Phủ Khống – xuyên hang Trần – xuyên hang Quy Hậu – Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền).
Du lịch, GO! - Theo NDĐT, BTT, ảnh internet
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét