Hồi năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam để lập ra 2 dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn (tức Gia Định). Hai nơi này được thành lập cùng một lượt nên khi Sài Gòn kỷ niệm 300 năm thành lập (năm 1998) thì Biên Hòa cũng kỷ niệm 300 năm luôn.
Tuy lập cùng một lúc nhưng khi ấy Trấn Biên (Biên Hòa) mới là xịn, còn Phiên Trấn (Sài Gòn - Gia Định) thì... chỉ là đồ xơ-cua thôi!
Ngay khi thành lập (1698), Biên Hòa đã có cù lao Phố lừng lẫy rồi, cù lao Phố được sách Tàu gọi là Nông Nại Đại Phố (Tàu họ đọc Đồng Nai thành Nông Nại!), sách Việt gọi là Giản Phố, Đông Phố... Tóm lại là thành phố lớn. Còn lúc đó Phiên Trấn đâu có cái gì đâu!
Còn nhớ hồi năm 1679, Trần Thượng Xuyên từ bên Tàu chạy qua Việt Nam, chúa Nguyễn đã cho người đưa đến vùng Biên Hòa. Ông cùng tùy tùng 3.000 người đã lập nghiệp ở cù lao Phố, xây dựng nên phố phường sầm uất, kinh doanh nhộn nhịp. (Nhóm còn lại do Dương Ngạn Địch dẫn đầu, về miền Tây, lập nên Mỹ Tho Đại Phố, còn ở Gia Định hổng có cái đại phố nào hết á!). Cù lao Phố nằm cách biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, và phía Nam có thể ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên. Cùng với nhóm lưu dân người Việt đến trước, Trần Thượng Xuyên và lực lượng của mình tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đàng Trong! Vậy đó, 17 năm sau, khi Nguyễn Hữu Cảnh đến, đất Biên Hòa đã có Đại Phố!
Đại Nam nhất thống chí viết: Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội..
Quả thật xứng đáng là thủ phủ của xứ Đàng Trong - Nam bộ.
Nếu sự đời cứ êm trôi thì giờ đây Biên Hòa chớ không phải Sài Gòn mới là thủ phủ của miền Nam. Than ôi, Nông Nại Đại Phố chỉ làm đại ca của miền Nam được non một thế kỷ (97 năm). Cù lao Phố kết thúc thời kỳ huy hoàng của mình năm 1776. Vì đâu nên nổi?
Ấy là tại... Quy Nhơn!
Như đã nói, người Hoa ở Cù lao Phố làm ăn rất giỏi, tạo nên trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam, và họ ủng hộ Nguyễn Ánh! Cù lao Phố tạo nên nguồn lực tài chính chủ yếu để hỗ trợ chúa Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn.
Vì vậy năm 1776 và 1777, Nguyễn Nhạc kéo đại quân Tây Sơn tràn đến Cù lao Phố tàn sát người Hoa (để trị tội dám ủng hộ chúa Nguyễn) đồng thời phá tan nát Đại Phố này để tiêu diệt đầu não kinh tế của chúa Nguyễn. Sách Gia Định thành thông chí viết: "(Quân Tây Sơn) chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, tài vật chở về Quy Nhơn".
Người chết, phố phường tan hoang, người Hoa lóp ngóp chạy theo chúa Nguyễn về Gia Định. Từ 1776 cho đến sau này, trong suốt thời gian Gia Long tẩu quốc và phục quốc, họ không dám léo hánh về cù lao Phố nữa, Cù Lao Phố dần điêu tàn còn Sài Gòn Gia Định dần dần trở nên lớn mạnh cho đến tận ngày nay để trở thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Cù lao Phố bây giờ như thế này nè (ảnh chụp năm 2010):
Hu hu, còn đâu Nông Nại Đại Phố ngày xưa? Bắt đền ai bây giờ đây? Bắt đền Nguyễn Nhạc từ Quy Nhơn vô Nam tàn phá đại phố? Hay bắt đền Nguyễn Ánh chả giữ nổi đất cù lao?
Chẳng biết bắt đền ai, thôi đành bắt đền... Lịch Sử vậy!
Link to full article
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét