Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Đèo Khánh Lê: con đường nối biển và hoa

Con đèo dài nhất Việt Nam từ Nha Trang đi Đà Lạt, nối liền hoa và biển, có nhiều tên, nhưng chỉ có một sườn. Khánh Lê đúng là một con đường đèo đầy chất thơ và nhiều cảm xúc.

1.Đường tỉnh 723 / 652 nối đoạn cuối tỉnh lộ 723 tại huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng với tỉnh lộ 652 tại huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa. Do đó nó cũng là đường nối thẳng biển Nha Trang với cao nguyên Lâm Đồng, nối Quốc lộ 20 trên cao nguyên với Quốc lộ 1A ven biển.
Vì vậy nó  còn được gọi là "con đường nối biển và hoa". Đây là con đường liên tỉnh mới mở nên tên gọi cũng chưa thống nhất. Lâm Đồng coi nó là tỉnh lộ 723 của Lâm Đồng nối dài.

Còn Khánh Hòa coi nó là tỉnh lộ 652 nối dài. Con đường ra đời rút ngắn khoảng cách từ Nha Trang đến Đà Lạt gần 80km, chỉ còn gần 140km so với con đường vượt đèo Ngoạn Mục, Ninh Thuận dài 220km trước đây.

2.Tên con đèo cũng đa dạng. Người Khánh Hòa gọi là đèo Khánh Lê theo tên của xã Khánh Lê thuộc huyện Khánh Vĩnh nằm dưới chân đèo. Người Lâm Đồng gọi là đéo Bi Đoup theo tên đỉnh núi  Bi Đoup  cao 2287 m của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng mà con đèo cắt qua gần đó.

Cũng có người gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm xế phía bắc con đèo, tuy đỉnh Hòn Giao cao 2062m nằm trên cao nguyên Lang Biang của Lâm Đồng nhưng cái tên Hòn Giao lại là tên kiểu Khánh Hòa đặt cho dãy núi ranh giới này (cùng các dãy núi khác của Khánh Hòa có tên bắt đầu bằng chữ Hòn như Hòn Bà, Hòn Sạn,…). Dù tên là gì thì con đèo vẫn là con đường du lịch đầy chất thơ và cảm xúc, cả ngẩn ngơ vì vẻ đẹp lẫn lo ngại vì sự cheo leo hiểm trở bậc nhất Việt Nam

3.Theo hướng từ Đà Lạt về Nha Trang, rời khỏi những cánh rừng lá kim giá lạnh trên lập địa thoai thoải của cao nguyên Lang Biang là tới những cánh rừng lá rộng nhiệt đới xanh ngắt trên sườn dốc dựng đứng thuộc địa phận Khánh Hòa. Đỉnh đèo có độ cao tuyệt đối so với mặt nước biển 1.700m.

< Thác trên đèo Khánh Lê.

Đây cũng là khu vực của Vườn quốc gia Bi Đoup - Núi Bà với diện tích đến 64.800ha, nơi duy nhất trên thế giới được xác định còn sót lại loài thực vật thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) có tổ tiên xuất hiện cùng thời với khủng long. Do VQG giữ nước tốt nên cung đường đèo có rất nhiều thác nước trong vắt. Ở độ cao trên 1000m ( vùng đỉnh đèo) - nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, sương mù luôn xuất hiện vào bất cứ thời gian nào trong năm.

4. Đèo Khánh Lê dài 33 km là con đèo dài nhất Việt Nam (con đèo dài thứ hai là đèo Pha Đin 32 km) , thực chất là đèo một sườn. Sườn phía Khánh Hòa chiếm đại bộ phận chiều dài con đèo, từ cao trình khoảng 200m ở Khánh Lê lên đến 1700m. Sườn phía Lạc Dương thoai thoải tử độ cao 1700m xuống 1500m nên du khách có cảm giác con đèo chỉ là một con dốc lớn. Con dốc vĩ đại này cũng chính là sườn đông của Trường Sơn Nam.

5.Các đợt phun trào basalt dữ dội kể từ cuối kỷ Neogen (chừng 5 triệu năm trước) đến gần đây đã đẩy trồi vùng đất Tây Nguyên lên cao, hình thành các cao nguyên phân bậc mà Lâm Đồng là một trong số đó. Các cao nguyên Tây Nguyên có dạng lệch sườn: sườn tây thoải dần về phía sông Mekong, còn sườn đông dốc tuột thẳng xuống dải đồng bằng hẹp ven biển Đông.

Đường đèo Khánh Lê cắt qua sườn dốc vĩ đại này, làm phơi bày các tầng đá móng của một cung đảo núi lửa cổ. Đó là các đá phun trào andesite và daxite, nạc mịn như những khối bánh đúc màu đen hay xám, chồng chất lên nhau. Những chủ nhân của “thánh địa” Cát Tiên (Lâm Đồng) và tháp Chăm xưa đã sử dụng loại nndesite rắn chắc này để tạc ra những khối Linga – Yoni và tượng thần hàng ngàn năm đã qua mà vẫn như mới tạc.

6.Đèo Khánh Lê là một bảo tàng thiên nhiên vĩ đại về cảnh quan, về đất đá, về các quá trình địa chất xa xưa, về tính đa dạng sinh học của VQG Bi Đoup – Núi Bà, và cả về văn hóa bản địa của người Lạch ở Lạc Dương vốn trước đây là chủ nhân vùng đất Đà Lạt được người Pháp tái định cư về Lạc Dương để lấy đất xây dựng thành phố Đà Lạt.

Thiên nhiên kỳ thú và con người nhân hậu, cảm giác hứng thú và sợ hãi khi đi trên con đèo hiểm trở ẩn hiện trong mây, những khao khát được trải nghiệm, được hiểu biết, …đã tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Rất thường gặp những nhóm du khách đi xe máy thậm chí xe đạp vượt đèo. Đường đèo Khánh Lê không chỉ nối hoa với biển mà chính nó cũng là một đối tượng du lịch đắt giá.

Du lịch, GO! - Theo Vacne, internet

Bạn tìm trong Du lịch, GO! với từ khóa "đèo Hòn Giao" để có thêm nhiều thông tin liên quan khác về con đèo này.

Link to full article

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét