Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Bình Tiên nay còn lại gì?

Bạn còn nhớ chuyến đi của mình hồi cuối tháng 9.2010 không? 'Sáu ngày đêm dzọc nát Bình Tiên, Bình Lập' đã cho bọn mình một cảm nhận thật đẹp về một vùng biển tựa xứ tiên, rất hoang sơ và người dân lại chân chất đến không ngờ. Ấy là khi đó nơi này đã được (hay bị?) giải tỏa, khu tái định cư cũng đã xuất hiện rồi nhưng một số nhà dân vẫn còn lác đác ven biển - khách phượt là bọn mình vẫn lang thang thoải mái.

Vậy nhưng bây giờ thì không còn sau mình thấy thông tin về vùng biển này từ báo Lao Động. Hóa ra, rất có thể chuyến vừa rồi mình chạy ngang Bình Tiên và không vào được có lẽ cũng do một nguyên nhân đặc biệt là rất có thể nhà đầu tư muốn 'kín cổng cao tường'?

Khoác “áo rách” cho làng biển Bình Tiên

(LĐO) - Một người dân thôn Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) vừa té chết ở cống nước xây dựng cẩu thả nằm trong khu du lịch Bình Tiên. Vậy là dự án du lịch “khủng” này không chỉ đang khoác “áo rách” cho làng biển, đẩy cuộc sống của người dân ở đây vào cảnh bế tắc, mất kế sinh nhai... mà còn gây chết người!

< Cầu cảng xây dựng nham nhở gây mất mỹ quan biển.

Chị Nguyễn Thị Út Hiền - người báo cho tôi tin tai nạn chết người tại công trình xây dựng khu du lịch Bình Tiên - than thở: Bao đời dân chài nơi đây có cuộc sống ấm êm, sung túc. Nhưng tất cả đã loạn lên kể từ ngày có dự án khu du lịch Bình Tiên (ngày 14.3.2005, với tổng vốn giai đoạn 1 lên đến hơn 2.500 tỉ đồng). Đất đai dọc dài bờ biển bị băm nát ngổn ngang, rồi bỏ dở dang kéo dài đến nay. Dân làng chài được tái định cư (TĐC), nhưng sống lay lắt vì không còn ruộng đồng, không có việc làm; nhiều người lần lượt ly hương kiếm sống...

“Tan đàn xẻ nghé”

Chị Út Hiền tiếp tôi tại nhà trong khu TĐC khang trang, thấp thoáng cả nhà cao tầng. Thắc mắc, nhà cửa thế này mà rên đói thì vô lý quá. Chị phân trần: “Đó chỉ là cái vỏ ngoài thôi. Được vậy là do dân nhận tiền đền bù TĐC rồi dồn vốn vào làm nhà cửa, mua sắm, chứ cuộc sống thật của chúng tôi không giống như vậy. Đói là do bà con cứ tưởng được giải quyết việc làm như lời hứa của Công ty CPĐT và du lịch Bình Tiên (Công ty Bình Tiên). Ai ngờ dự án giậm chân tại chỗ; và năm, bảy năm rồi, dân rỗi nghề chứ không biết làm gì để sinh sống ở nơi mới. Miệng ăn núi lở, bao nhiêu tiền bạc cứ rứa đi hết”. Gia đình chị Hiền được bồi thường hơn 100 triệu đồng để TĐC, chỉ đủ xây nhà và ăn tạm thời gian ngắn. Chồng mất, một mình chị phải bươn chải nuôi 3 con, mẹ già. Gia cảnh kiệt quệ dần, chị đành vay mượn nuôi 3 con bò để trang trải sống qua ngày...

Trưởng thôn Bình Tiên - ông Phạm Hữu Phong - cho hay: Thôn Bình Tiên có 63 hộ với 257 khẩu. Ở nơi cũ, đất đai lên đến 176ha, kéo dài từ eo biển đến chân Vườn quốc gia Núi Chúa. Nhà nhà tha hồ trồng trọt, chăn nuôi, và vươn ra biển khơi đánh bắt con tôm, con cá. Có gia đình sở hữu đến hơn 8ha đất. Khi nhường “bờ xôi ruộng mật” cho dự án, dân chuyển đến nơi TĐC mới chỉ được cấp 400m2 đất ở/hộ và không có một tất đất sản xuất. Hiện nhiều hộ dân có hai, ba người con lập gia đình riêng, nhưng không có chỗ ở. Trong tình cảnh cuộc sống bế tắc, nhiều gia đình, anh em trong làng xóm đành bấm bụng “tan đàn xẻ nghé”, ly hương mưu sinh trong khó nhọc...

Không khỏi chạnh lòng xót xa khi chứng kiến trong thôn có đến 9 hộ không còn tiền lo cái ăn, học hành cho con cái, đành xoay xở bằng cách cắt bán bớt một nửa đất đang ở. Hay sau những tháng ngày “ngồi chơi xơi nước” chờ việc làm, đói lả, cả thảy có 15 hộ dân Bình Tiên lần lượt bán sạch cơ ngơi để đi đến các tỉnh khác tìm kiếm kế sinh nhai. Anh Bùi Xuân Linh, 40 tuổi, quê ở Phú Yên, mồ côi cha mẹ, lấy vợ và lập nghiệp ở Bình Tiên.

< Nhiều người dân vẫn sống tạm bợ trong khu TĐC Bình Tiên.

Cuộc sống gia đình anh đang “phất lên” như diều nhờ thu nhập từ đàn dê nuôi béo tốt, khi dự án du lịch Bình Tiên triển khai, anh đành chuyển đàn dê đi chăn nuôi ở vùng núi Phan Rang, nhưng dê bị chết dần vì thời tiết, đành bán sạch. Ông Nguyễn Kịp - cha vợ của anh Linh - tâm sự: “Ở khu TĐC không thể làm ăn được, thằng Linh đã dẫn vợ và 3 đứa con vào Phan Rang - Tháp Chàm. Còn tui già rồi đành bám trụ ở đây, chứ biết đi đâu, về đâu?”.

“Nhốt” dân TĐC trong khu du lịch!

Mất đất sản xuất, bà con nơi đây kéo nhau đi biển khai thác thủy sản. Nhưng Công ty Bình Tiên lại “tiệt” luôn đường dân sinh từ khu TĐC ra biển. Không có đường, dân đành đi nhờ đường tạm duy nhất ra biển nằm trong vùng dự án. Song, một lần nữa phía công ty này lại làm barie rồi treo biển “Công trường đang thi công, không phận sự cấm vào”! Có thời điểm, nhà đầu tư hoàn toàn không cho phép người dân đi lại trên con đường này. Biển trước mặt bỗng chốc như cách trở, như xa... vời vợi với người dân làng chài Bình Tiên!

< Đường ngách xuống biển bây giờ cũng không còn.

Lòng dân ở đây thêm rối bời, bất an vì đường làng đổ đá cấp phối lởm chởm nằm cạnh đường đất với nắng bụi, mưa lầy, gây đi lại khó khăn và thường xuyên bị tai nạn. Mới đây, cả làng Bình Tiên đau buồn trước cái chết thương tâm của ông Vũ Văn Bình (SN 1961). Ông Võ Thành Lũy - người dân Bình Tiên - nghẹn ngào kể: “Anh Bình vốn khỏe mạnh, đi giữ thuê xe cơ giới cho đơn vị xây lắp mặt bằng trong vùng dự án du lịch. Hôm ấy trời mưa, anh Bình chạy xe Honda đi khỏi nhà chừng vài trăm mét thì trượt xe té ngã và bị nước cuốn vào cống trên đường ra biển. Đơn vị thi công cầu cống đường quá cẩu thả, bỏ dở dang nên mới xảy ra cơ sự chết người đáng tiếc như vậy. Anh Bình ra đi, bỏ lại vợ và 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.

Thêm bất hợp lý khi đất đai xã biển Công Hải dài rộng thế, nhưng không hiểu sao ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận lại quy hoạch xây dựng khu TĐC nằm lọt thỏm trong vùng dự án du lịch Bình Tiên. Ông Phạm Văn Hòa - người dân Bình Tiên - bức xúc: “Ở xung quanh làng này đều là đất và cơ sở hạ tầng dự án du lịch.

Dân muốn kiếm một thẻo đất trồng rau ăn cũng không có. Họ quản tất tần tật mọi ngõ ngách, kể cả đường giao thông đi lại, nên chúng tôi có cảm giác như bị nhốt ở đây”. Không chỉ thế, cuộc sống của dân Bình Tiên chịu nhiều thiệt thòi khi hàng loạt công trình xây dựng cơ bản như trạm y tế, trụ sở thôn, đường dân sinh... không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Trường tiểu học cơ sở tại thôn chỉ bố trí giáo viên dạy lớp mẫu giáo. Vì thế, ngày ngày các bậc phụ huynh phải vất vả chở con đi học cấp 1 ở cách xa cả chục cây số...

Dự án... khoác “áo rách” cho Bình Tiên!

Còn nhớ vào tháng 10.2009, nhà đầu tư cùng với đơn vị tư vấn nổi tiếng thế giới là Công ty Horwth Asia Pacific WATG (Mỹ) của Trung tâm Phát triển vùng Sena tiến hành lễ khởi công hoành tráng và công bố dự án du lịch Bình Tiên xây dựng hiện đại mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

Quy mô với hệ thống khách sạn 5 sao 200 phòng, 59 nhà nghỉ cao cấp, sân golf 18 lỗ... ở ven biển; cụm khách sạn trên núi 100 phòng và 20 nhà nghỉ cao cấp; cụm 60 biệt thự, các dịch vụ công cộng, thương mại, thể thao biển... được vận hành bởi một công ty quản lý khách sạn có thương hiệu danh tiếng trên toàn cầu. Dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2012, hứa hẹn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Và chính quyền tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng lớn vào khu du lịch Bình Tiên sẽ là bước đột phá để khai mở, đánh thức tiềm năng du lịch biển trong tương lai.

Thế nhưng, giờ đây, không chỉ “đẩy” dân mất kế sinh nhai, dự án du lịch Bình Tiên xây dựng ì ạch, kéo dài đã làm phá vỡ môi trường cảnh quan biển gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa đẹp bậc nhất của Ninh Thuận, nằm giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa.

Qua 8 năm triển khai, với 4 đời chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, hơn 90% hạng mục của dự án này vẫn còn... trên giấy! Tại công trình thi công, mặt bằng đã san ủi từng cụm nham nhở như chiếc áo rách; cầu cảng đóng cọc lởm chởm với đất đá ngổn ngang; vài căn nhà biệt thự chỉ mới xây dựng tường gạch rồi bỏ dở. Hàng trăm cây dừa mấy mươi năm tuổi dọc theo biển bị đào lên rồi đưa vào trồng tập trung bị chết sạch, và thân cây dừa khô được đem ra trồng làm trụ điện! Khi chúng tôi đến, công nhân ở đây đều nghỉ việc, chỉ có vài chiếc xe tải, máy xúc đang hoạt động cầm chừng. Đây đó những đàn dê, bò đang ung dung gặm cỏ ngay trên công trường xây dựng khu du lịch Bình Tiên...

Dù tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng nhà đầu tư nại lý do công ty không chủ động được vốn, phải chỉnh sửa thiết kế dự án nhiều lần và chỉ “hứa” suông trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, các công trình dân sinh. Người dân Ninh Thuận đang hoài nghi liệu “bánh vẽ” của dự án “khủng” du lịch Bình Tiên có thể trở thành hiện thực?

< Bình Tiên ngày ấy...

Sẽ thu hồi dự án nếu vẫn chậm triển khai

Ông Trần Quốc Nam - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, dự án Bình Tiên quá chậm tiến độ gây mất lòng tin trong nhân dân. Tại cuộc họp nóng với Cty DL Bình Tiên mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - ông Nguyễn Đức Thanh - đã yêu cầu nhà đầu tư cần nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm cam kết của mình đối với tỉnh; cấp tốc giải quyết những vướng mắc của các dự án để triển khai nhanh các hạng mục công trình theo kế hoạch. Nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm, dây dưa không thực hiện cam kết, thì sẽ xem xét thu hồi dự án trong thời gian tới.
Đáng tiếc cho một vùng biển đẹp, tiếc cho kỳ vọng của bà con khi đã lỡ trông chờ vào một dự án treo!

Theo báo Lao Động
Du lịch, GO!

Can đảm nếm cà lèng

(TNO) - Gợi sự tò mò từ tên gọi, nguyên liệu đến cách chế biến, đặc sản cà lèng của miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) khiến nhiều thực khách miền xuôi vô cùng thú vị, có phần e ngại và phải lấy hết can đảm để nếm thử một lần.

Cửa hàng bán món cà lèng - đặc sản độc đáo miền sơn cước nằm ngay trục đường chính của thị trấn A Lưới, chuyên phục vụ khách các món được chế biến từ thịt dê. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng, nói: “Đối với người đồng bào, món này là món ngon, món quý. Nhưng với người miền xuôi thì không phải ai cũng ăn được. Tuy nhiên, nếu đã ăn được thì khen hết biết, ghiền luôn”.

Chất sền sệt trong ruột non

Cà lèng là chất sền sệt ở trong ruột non của những con vật ăn cỏ như trâu, bò, dê và các loài ăn cỏ khác. Trong đó, dê được ưa chuộng nhất bởi dê được cho là loài có hệ tiêu hóa cực tốt và sạch sẽ. Chất dịch nhũ tương trong ruột non là phần tinh túy nhất, là thức ăn đang được chuyển hóa chuẩn bị ngấm qua mạch máu nuôi dưỡng cơ thể, đồng thời mang vị đắng của mật, vị ngọt của protein.

Khi mổ bò, mổ dê… người ta rất cẩn trọng trong việc lấy phần ruột non. Ruột non được lấy ra ngay khi bộ lòng được mang ra khỏi ổ bụng một cách cẩn thận. Sau khi được lấy ra phải dùng lạt thắt chặt hai đầu để ngăn cách ruột non với ruột già và dạ dày. Chất nhũ tương trong ruột non không bị pha tạp. Sau đó rửa sạch sẽ và cho vào nước sôi luộc chín. Lưu ý khi luộc phải lấy vật nhọn chích vài lỗ nhỏ vào thành ruột để ruột không bí hơi và không bể chất nhũ tương bên trong ra ngoài. Lửa đun vừa phải để ruột không bị phình ra.

Luộc chừng 60 phút thì vớt ráo và cắt từng khúc ngắn. Sau đó cho lục phủ ngũ tạng đã luộc chín, băm nhỏ và cho gia vị như muối, tiêu rừng, ớt rừng, ngò gai vào trộn đều. Lục phủ ngũ tạng phải lấy từ chính con vật dùng làm cà lèng. Ví dụ, làm cà lèng từ ruột non bò thì phải lấy lục phủ ngũ tạng của bò, làm cà lèng từ dê thì lấy lục phủ ngũ tạng của dê… Đó được xem là nguyên tắc cơ bản để có món cà lèng ngon, đúng điệu.

Hương vị sẽ khác nhau đôi chút tùy khẩu vị ẩm thực từng tộc người. Với người Tà Ôi, người ta cho thêm vài giọt mật để tạo vị đắng đặc trưng, thú vị. Mật sẽ tạo vị đắng đầu lưỡi khi ăn và khi nuốt thấy đắng ở cổ họng. Nhưng khi vừa nuốt xong, vị đắng ở cổ họng sẽ chuyển sang vị ngọt.

Người Cơ Tu thì cho thêm lá chim chim, một thứ lá trên rừng có vị đắng và thơm tự nhiên. Người Pa Cô lại trộn thêm một chút búp non của cây xoài. Riêng người Kinh sống tại đây, họ thường nấu lại hỗn hợp cà lèng sau khi trộn đều với gia vị và lục phủ ngũ tạng, cho nhiều tiêu rừng và ớt rừng để đặc hơn và ít mùi hơn. Ngoài ra, người Kinh thường ăn kèm thêm rau sống và tỏi.

Đặc biệt, món này có thể dùng làm nước chấm cho những món thịt rừng nướng, cá nướng... để tăng thêm hương vị cho món ăn. Nhưng khi làm nước chấm thì người ta thường chỉ nêm gia vị cần thiết chứ không cho lục phủ ngũ tạng vào. Cà lèng càng ngon nếu uống cùng với rượu đoác, rượu mây, rượu cần…, những loại rượu truyền thống được chiết xuất từ thiên nhiên của vùng cao A Lưới.

“Món con rể”

Nhìn màu nâu nâu, sệt sệt, mùi hương lạ không dễ ngửi khiến nhiều người lần đầu có phần e ngại, không dám thử. Lấy hết can đảm, chúng tôi nếm thử một miếng, thấy vị đắng, khó nuốt nhưng đầy tò mò, thú vị. Thử thêm vài miếng tiếp theo, thấy cay, thơm mùi ngò gai, tiêu rừng. Nuốt hết thấy vị ngọt đọng ở lưỡi và cổ họng rất dễ chịu.

Ông Hồ Văn Ninh, một người nổi tiếng về ẩm thực, người Tà Ôi, trú tại xã A Ngo, cho biết mỗi khi có lễ tết, cà lèng là món không thể thiếu. Tuy nhiên, một con vật chỉ có một khúc ruột non ngắn làm được món này nên chỉ có mâm trên, mâm của các già làng trưởng bản mới có. Trong nhà, nếu có khách quý, người ta phải tới lò mổ từ sáng sớm để mua về chế biến và đãi khách. Ngày xưa, tiếp cơm con rể thường phải có món này để thể hiện sự trân trọng yêu thương. Vì thế nhiều người thường gọi món này là món con rể. “Mùi vị món này hơi lạ nhưng nó là đặc sản núi rừng, hoang sơ, lành tính. Đặc biệt dễ tiêu hóa và tốt cho bụng dạ sức khỏe. Ăn món này, uống rượu cần rượu đoác thì hết biết. Thú vị hơn, cà lèng còn có tác dụng giải rượu rất hiệu quả. Say rượu mà có bát cà lèng để ăn thì khỏe lắm…”, ông Ninh tỏ vẻ thích thú.

Cà lèng là một nét văn hóa, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao A Lưới. Nếu bạn có cơ hội đặt chân đến vùng đất này, hãy một lần nếm thử và trải nghiệm.

Theo Tuyết Khoa (báo Thanh Niên)
Du lịch, GO!

Đảo Thẻ Vàng - Quảng Ninh

Đảo Thẻ Vàng nằm ở khu vực vịnh Bái Tử Long, cách Cẩm Phả khoảng 13km, cách thành phố Hạ Long 28km. Đảo thuộc xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Điểm cao nhất trên đảo là 184m so với mặt biển, độ cao trung bình từ 80 đến 100m. Diện tích lúc triều thấp nhất là 12,25km² - khi triều cao nhất còn 10km².

Núi đồi chiếm 95% diện tích đảo, có độ dốc lớn và phân cắt sâu nên mùa mưa các suối chảy nhanh và chảy tràn; còn trong mùa khô thì suối cạn kiệt do không giữ được nguồn nước. Trên đảo có một ít cư dân sinh sống.

Rừng ở đảo phát triển trên trên đất feralit với một số loại cây thân gỗ như lim, trầm, hanu, cheo, ngát, vôi thuốc, trám trắng. Một ít chỗ có tre nứa xen kẻ. Trên đá vôi bị phong hóa thường thấy vàng anh, táu mật, sến đất, sâng... v.v. Riêng ở vùng ngập mặn có sú vẹt, cóc, cây mắm.

Rừng trên đảo ngày nay bị tàn phá nhiều, các loại gỗ quý bị khai thác bừa bãi nên cạn kiệt. Động vật trên đảo có lợn rừng, sơn dương, nai, hoẵng, khỉ, trăn... nhưng đã bị săn bắt dữ dội nên ngày càng hiếm.

Bãi tắm ở trên đảo tuy nhỏ nhưng sạch và đẹp. Hiện nay, đảo Thẻ Vàng đang được đầu tư để trở thành khu du lịch sinh thái. Trên đảo đang xây dựng khu du lịch để đón khách nghỉ cuối tuần. Một bãi tắm nhân tạo cũng đã được hình thành. Trong tương lai, một hệ thống nhà nghỉ với các dịch vụ du lịch khép kín sẽ được xây dựng để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần.

Du lịch, GO!

Chợ Lách vào mùa tết

(TTO) - Vào những ngày này, chỉ cần qua khỏi cầu Chợ Lách một đỗi đã thấy không khí tết lan tỏa quanh làng hoa Cái Mơn, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) - “vương quốc” của hoa kiểng miền Tây.

Bến Tre giàu mía Mỏ Cày,
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn (Chợ Lách).
Từ lâu, Chợ Lách đã nổi tiếng là một làng nghề cung cấp cây giống, đồng thời là một vựa hoa kiểng lớn nhứt nhì ở miền Tây, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 8 triệu sản phẩm. Chỉ riêng xã Vĩnh Thạnh đã có tới 2.700 hộ nông dân sống bằng nghề trồng hoa kiểng, mỗi mùa tết tung ra thị trường trên 2 triệu giỏ, trong đó mai vàng chiếm hơn 40%.

Hoa kiểng Cái Mơn rất đa dạng và phong phú, từ những loại kiểng truyền thống như mai vàng, tắc, cúc, vạn thọ, bông giấy, nguyệt quế… cho đến những giống ngoại nhập như bát tiên, sứ màu, dạ yến thảo, phát lộc hoa, đại phát tài, cát tường, môi son, mai vạn phúc…

Một số nhà vườn còn khai thác tối đa các loài cây kiểng đẹp, giàu ấn tượng mỹ cảm, màu sắc hài hòa, tươi sáng, hoa đẹp để phục vụ ngày tết. Ngoài kiểng hoa, kiểng lá, kiểng trái, Chợ Lách còn nổi tiếng với kiểng thú và kiểng hình, từng xuất sang một số nước trong khu vực.

Đến với “vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách, ấn tượng sâu sắc nhất để lại trong lòng du khách có lẽ là tinh thần cần cù lao động và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đặc sắc nhất là kiểng tắc, cúc mâm xôi và các loại kiểng treo với nhiều loại cây có giá trị thẩm mỹ như hoa dừa, dạ ý thảo, môi son, son tím, son hồng, cúc sao băng….

Đặc điểm của kiểng treo là nhánh mềm mại, buông rủ là đà, trông có vẻ thật lãng mạn.

Sau một vòng tham quan các vườn kiểng, du khách có thể đến làng du lịch Đại Lộc ở ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách để tiếp tục khám phá những nét đặc trưng của quê hương Chợ Lách. Đại Lộc là một khu du lịch rộng trên 2ha, trồng rất nhiều loại cây ăn trái để phục vụ khách du lịch. Khu du lịch này mới hình thành từ đầu năm 2013 do dự án xây dựng xã nông thôn mới hỗ trợ.

Đến đây, khách mê khám phá sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng các loài hoa và tận hưởng nhiều loại trái ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, chôm chôm…

Ai muốn ăn sáng ăn trưa thì có chả giò Đại Lộc, bánh xèo nhưn hến ăn với rau sạch do nhà vườn tự trồng. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều món ăn đồng quê hấp dẫn. Đặc biệt còn có nước cacao tươi và rượu cacao do chủ nhân vườn du lịch đặc chế từ cây nhà lá vườn để phục vụ du khách.

Nếu thích, có thể ngồi dưới những tàn cây rợp bóng, trái sai oằn hoặc bơi xuồng dọc theo các con mương hít thở không khí trong lành và tìm lại chút kỷ niệm cũ của một thời thơ ấu. Giữa vườn có nhiều tum (chòi lá) khá khang trang và mát mẻ. Cả nhóm có thể vào nghỉ chân, ăn uống, trò chuyện vui vẻ và nạp năng lượng trước khi quay về.

Hứng thú hơn, khách có thể tham gia bơi xuồng, đánh bắt cá nướng ăn tại chỗ, liên hoan đốt lửa trại và tham gia đờn ca tài tử. Nếu cần có thể ở lại qua đêm vì nơi đây có cả phòng trọ, đủ phục vụ cho một đoàn khách trên 70 người.

Mọi người vừa rong chơi vừa say mê ngắm cảnh, trong lòng cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng. Về tới nhà, hình như bao mỏi mệt cũng dần tan biến sau một chuyến tham quan bổ ích và vô cùng hứng thú.

Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Lang thang ngoại ô Sàigòn (P7)

(Tiếp theo) - Long Thới - Nhơn Đức là con đường nối liền 2 xã cùng tên thuộc huyện Nhà Bè. Đây là con đường đẹp, rợp bóng cây xanh nằm gọn trong xã Long Thới kéo dài từ hướng Tây sang Đông nối liền Hương lộ 34 vào đường Nguyễn Văn Tạo.

< Dù lúc này đã 8h kém 15 nhưng sương vẫn còn phủ lờ mờ.

Những phần đất 2 bên đường đều được quy hoạch các dự án cho tương lai như Khu Trung Tâm Y Tế Kỹ Thuật Cao, Khu dân cư Long Thới - Nhơn Đức (hiện đã bán nền hà rầm), Trung Tâm Y Tế Quốc Tế, Khu Làng đại học 1 và 2 (thuộc dự án di dời 1 số trường Đại Học từ nội thành ra ngoại thành)... với một số dự án đã triển khai khá hoành tráng.

< Không nhiều nhà hai bên vì nơi đây vừa được quy hoạch thành khu dân cư. 20 năm nữa sẽ ra sao? Mong rằng ngày ấy nơi này sẽ đẹp và đẹp hơn.

Xã Long Thới, huyện Nhà Bè nằm về phía Nam Tp.Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Vị trí địa lý xã như sau:
- Phía Đông xã tiếp giáp với xã Bình Khánh huyện Cần Giờ.
- Nam tiếp giáp với xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè và xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An).

< Ngoái chụp phía sau: bọn mình thích những con đường vắng thế này, thưa người nhưng nhiều cây xanh.

- Tây tiếp giáp với xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An) và xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè.
- Bắc tiếp giáp với xã Nhơn Đức và xã Phú Xuân huyện Nhà Bè.
Xã Long Thới được chia làm 3 ấp: ấp 1, ấp 2 và ấp 3. Khu vực trung tâm xã là ấp 2.

< Những tán cây tít phía xa trong làn sương mỏng cho ta cảm giác như sắp vào một vòm hang.

Đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu:
- Về địa hình: Nằm trong hạ lưu sông Sài Gòn, địa hình xã Long Thới tương đối bằng phẳng. Độ cao địa hình thay đổi không lớn từ 0,6m – 1,5m. Nhìn chung địa hình thấp dần từ Tây Bắc sang Đông Nam, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt nên có nhiều vùng trũng và sình lầy.

< Rồi mình chạy qua khu vực quy hoạch làng Đại học. Mong rằng tương lai sẽ là một chốn đáng đến cho giới sinh viên.

- Thổ nhưỡng: Thuộc loại đất trẻ, đang hình thành và chứa nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất phù xa nhiễm mặn. Do nhiễm mặn nên điều kiện canh tác nông nghiệp gây khá nhiều hạn chế, chỉ canh tác được lúa 1 vụ nhờ nước mưa rửa mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản nhưng năng suất chưa cao.

< Phượng vĩ được trồng khá nhiều hai bên đường: trong mùa hè sẽ rực rỡ màu hoa phượng đỏ, màu của tuổi học trò đấy.

- Khí hậu: Xã Long Thới nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mưa nhiều vào tháng 7 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

< Bảng báo sắp đến ngã 3: đoạn cuối của đường Long Thới - Nhơn Đức, cũng là nơi con đường Nguyễn Văn Tạo cắt ngang. Rẽ phải là đi Hiệp Phước, còn trái thì về Phú Mỹ Hưng Q7.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trong năm: 27,550°C. Nhiệt độ cao nhất: 29 – 33°C. Nhiệt độ thấp nhất: 20 – 25°C.

< Mình rẽ trái, chạy một đoạn thì đến bùng binh chân cầu, vị trí nơi này tại đây.

- Thủy văn: do nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn nên hệ thống kênh rạch chằng chịt như rạch Cá Nóc, rạch Cống Mốc, rạch Cống Lớn, rạch Bà Chồi, rạch Cống Cầu, rạch Hai Nhân, rạch Miễu, rạch Bà Sáu, rạch Bông Bồn, rạch Bầu Dừa, rạch Bằng Ổi, rạch Cống Ông Lượng nên nguồn nước mặt tương đối lớn và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều 6 tháng mặn 6 tháng ngọt, nước mặn từ biển Đông theo các sông xâm nhập sâu trong xã gây ảnh hưởng nặng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân.

< Mình chạy thẳng để lên cầu Bà Chiêm. Đây là một trong 2 cây cầu song song và cùng tên trên đường Nguyễn Văn Tạo. Cũng ngay trong khu vực này, nếu hướng về phía trái sẽ qua cây cầu Bà Chiêm khác trên đường Nguyễn Bình rồi nối liền vào cầu Bà Sáu vào xã Nhơn Đức - còn nếu theo hướng phải sẽ vượt cầu Mương Chuối đến xã Phú Xuân.
Khu vực ni đúng là cả một cụm cầu lớn trong vùng sông nước.

< Đường lúc này mang tên Nguyễn Hữu Thọ (thuộc xã Nhơn Đức), rộng thênh thang khi đổ dốc, chỉ một chiều. Chiều ngược lại ở con đường riêng bên kia.

< Lại chuẩn bị qua cây cầu lớn khác là cầu Phước Kiển, cũng là 2 cây cầu song song theo hai chiều riêng biệt.

Dân số toàn xã là 6.732 nhân khẩu với 1.536 hộ gia đình (bao gồm cả hộ đăng ký tạm trú trên 6 tháng), mật độ dân số bình quân 532 người/km².
- Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên địa bàn xã đang và sẽ đón nhận một lượng không nhỏ dân từ nơi khác đến sinh sống. Điều này tác động rất lớn đến sự thay đổi phân bố dân cư, phát triển sản xuất; đồng thời tác động đến việc sử dụng đất trên địa bàn xã.

< Dù chỉ là một sông nhánh thôi nhưng bạn thấy nó khá lớn.
Vị trí cầu tại đây.

Các quy hoạch trên địa bàn xã hiện có gồm:
+ Quy hoạch chỉnh trang khu dân cư ấp 1.
+ Quy hoạch hệ thống thoát nước khu dân cư hiện hữu xã Long Thới.
+ Quy hoạch lộ giới hẻm.
+ Quy hoạch cụm sản xuất Long Thới
+ Quy hoạch khu Long Thới – Nhơn Đức (Viện trường).
+ Quy hoạch chi tiết 1/2000 Phân ranh khu DCHH xã Long Thới.

< Khu vực công trường thi công ở đầu cầu vẫn còn ngổn ngang dù đã thông xe khá lâu.

Hiện trạng hệ thống đường giao thông của xã (đường trục xã, liên xã; đường trục ấp, liên ấp, tổ và đường trục chính nội đồng): 16,286 km đường, trong đó:
+ Đường giao thông trục xã, liên xã đã được nhựa hoá: 8,7 km, đạt 100% gồm các con đường chính: Nguyễn Văn Tạo, Nhơn Đức - Long Thới, Nguyễn Hữu Thọ.

< Trên đường chất nhiều tấm bê tông lớn ven lề, không hiểu để là gì. Hay làm bờ kè sông?
Qua khỏi cầu ni thì bọn mình đã vào  địa phận xã Phước Kiển, cũng thuộc huyện Nhà Bè.

+ Đường ngõ và xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa: 7,586 km, đạt 100%. Tuy nhiên do hiện trạng các tuyến hẻm có bề rộng nhỏ và chủ yếu là đường đan (trung bình là 2,5 m).

< Một đoạn ngắn phải tạm hướng luồng qua mé trái do bên phải đang thì công mặt đường.

Xã có quỹ đất lớn để phát triển cả về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Với lợi thế về tiềm năng đất đai và vị trí quan trọng với trục đường chính được kết nối từ Trung tâm Thành phố về khu công nghiệp Hiệp Phước. Trong nhiệm kỳ qua, xã Long Thới được thành phố và huyện đầu tư nhiều công trình, xây dựng hạ tầng đã thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa làm thay đổi toàn diện bộ mặt của xã, tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động phát triển.

< Chạy ngang trạm biến điện 220Kv Nhà Bè, chỉ thấy rằng nó rất lớn.

Một ít thông tin về xã mà mình đang chạy ngang qua:

Xã Phước Kiển nằm ở phía Tây của huyện Nhà Bè và phía Tây Nam ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Xã có tổng diện tích tự nhiên 1.503,91 ha, chiếm 6,05% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó đất nông nghiệp 729,82 ha chiếm 48,53% diện tích; dân số 24,765 người, là xã có lực lượng lao động trẻ, cần cù và sáng tạo hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh…

< Một góc các tòa cao ốc căn hộ trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Các tòa nhà chọc trời này đã hoàn chỉnh và đã hoạt động, ngoài ra còn nhiều vị trí đất khác đang trong quá trình thi công.

< Sau khi qua đôi cầu Rạch Đỉa thì mình trở ra đường Nguyễn Văn Linh cắt ngang...
Tòa nhà phía phải là IPC Tower - buổi tối có thể thấy nếu đứng trên cầu Phú Mỹ.

< Vào khu vực Phú Mỹ Hưng, mé phải là khu phố Mỹ Toàn 1.
Trong phần sau, mình sẽ phát họa đôi nét về khu vực này.

< Trục đường Nguyễn Văn Linh có tán cây phủ rộng, mát... nhưng bị hẹp bớt sau khi qua ngã 4 Đa Khoa, tức là ngã 4 có đường Nguyễn Thị Thập cắt ngang.

< Vậy nhưng hẹp mà vẫn còn nguồn đất đã giải tỏa từ trước, chỉ cần kinh phí làm đường thôi.
Ngày nay, hai bên dải đất này đang bị lấn chiếm lại thành khu 'trung tâm ăn nhậu'. Trong khi đó, đoạn Nguyễn Văn Linh từ đường xuống cầu Tân Thuận 2 đến ngã 4 Khu chế xuất Tân Thuận đặc keng xe trong giờ cao điểm.
Coi chừng, khi người dân đã chiếm thì giải tỏa khó lắm nhà nước ơi...

< Về đến nhà chỉ mới 8h30. Thành quả của chuyến đi là thứ này: mực tươi...

< ... bông so đũa, cá phi (cá phi sống), tôm sắt..., toàn những thứ mua được ở chợ quê, giá rẻ nhưng rất tươi ngon.

Trong bài sau, mình lại sẽ kể tiếp về buổi lang thang về xã Bình Khánh và Tam Thôn Hiệp thuộc huyện Cần Giờ. Nhưng trước bài đó, mình sẽ có đôi bài và chút hình ảnh về khu vực Phú Mỹ Hưng cũng trong những chuyến hóng gió ngày cũ, bạn đón xem nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Bảo tàng Đăk Lăk

Bảo tàng các dân tộc Đăk Lăk là bảo tàng lớn và hiện đại nhất của khu vực. Đây là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình đến với Tây Nguyên.

< Bảo tàng Đăk Lăk.

Được xây dựng ngay trên phần đất Biệt điện Bảo Đại – một di tích lịch sử của Đăk Lăk, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Đăk Lăk là một công trình kiến trúc văn hóa được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên - Biệt điện vừa có dáng nhà rông, lại có dáng nhà sàn của người Êđê hơn nữa lại có dáng nhà trệt của người M'Nông.

Cây trong khuôn viên Biệt Điện rất đa dạng về chủng loại và kích thước, là nơi duy nhất trong thành phố có nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thụ với tuổi thọ hàng trăm năm như: long não, bằng lăng ối, châm mũi nhọn, sao đen...

Trong đó nổi bật nhất là hai cây long não đối xứng 2 bên cổng vào Biệt Điện với chu vi gốc trên 8m và tán lá bao trùm hơn 200m2. Đây có thể là một trong những cây long não lớn nhất Việt Nam.

Lịch sử hình thành tòa bảo tàng tóm lược như sau:

Năm 1926, Paul Giran-một công sứ pháp tại Đắk Lắk, đã cho xây dựng ngôi Biệt Điện này với gạch và vôi kiên cố và hoàn thành vào năm 1927. Từ đó dân địa phương gọi nơi này là Tòa công sứ. Tháng 11-1947 sau khi được chính phủ Pháp bảo lãnh, Vĩnh Thụy (Bảo Đại) về nước với danh nghĩa là Quốc trưởng. Bảo Đại đã đến đây và làm việc ở khu vực này khoảng 8 tháng (từ tháng 11-1947 đến khoảng tháng 5-1948).

Những năm 1949-1954 hàng năm Bảo Đại thường tới đây vào đầu mùa mưa để nghỉ ngơi và săn bắn. Do đó ngôi nhà này có tên gọi là Biệt Điện Bảo Đại. Và cũng từ đó đến nay cái tên Biệt Điện luôn được đi kèm với chức danh của toàn khu vực như Tòa Công sứ Biệt Điện (1951), Tòa tỉnh trưởng Biệt Điện (1955), nhà khách Biệt Điện v.v....

Từ 1955-1975, Biện Điện là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Đến năm 1977, tòa nhà được sử dụng làm nhà khách và một phần làm bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk. Ban đầu Bảo tàng - một phần của Biệt Điện với hơn 500 hiện vật, tư liệu và hình ảnh về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Năm 2008, tòa nhà mới của bảo tàng được xây dựng tại một vị trí khác cũng trong khuôn viên Biệt Điện này. Đây là công trình kiến trúc độc đáo theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, gồm 2 tầng với chiều dài khoảng 130m, rộng 65m, diện tích trên 9.200m2. Được trưng bày theo quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại.

Ngày 27-5-1991 Hội đồng Khoa học của Bảo tàng Đắk Lắk đã họp và thống nhất lấy tên là "di tích lịch sử số 04 Nguyễn Du" là tên chính thức thay cho Bảo tàng Biệt Điện. Theo quyết định số 675/QĐUB NGÀY 26-4-1975 của UBND tỉnh Đắk Lắk, thì tháng 4-1996-nơi có ngôi nhà "đồ sộ" tên là Biệt Điện được giao cho Bảo tàng để trưng bày các sản phẩm văn hóa của dân tộc.

Bảo tàng Đắk Lắk được chính thức khánh thành trụ sở mới và đưa vào hoạt động từ ngày 21/11/2011. Các hiện vật, tư liệu, hình ảnh và các phóng sự sinh động về đời sống cư dân nơi được trưng bày tại bảo tàng mới - Ngôi nhà dài theo kiến trúc của người Êđê truyền thống. Bảo tàng Đăk Lăk cũng là bảo tàng đầu tiên trong cả nước sử dụng 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê Đê trong trưng bày, thuyết minh.

Trên tầng 2 của nhà bảo tàng bao gồm ba khu trưng bày chính:
- Khu giữa: Đa dạng sinh học. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về hệ sinh thái và thổ nhưỡng của Tây Nguyên.
- Khu bên trái: văn hóa dân tộc. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về đời sống, sinh hoạt của con người Tây Nguyên tiêu biểu là người Êđê bản địa ngoài ra còn các dân tộc bản địa khác và một số dân tộc nhập cư.
- Khu bên phải: Lịch sử. Không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về vật dụng của người cổ đại, vũ khí chiến đấu phục vụ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngoài ra, còn các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất đầu những năm hòa bình.

Ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật, hình ảnh có giá trị. Bảo tàng là một không gian thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ với các loài động, thực vật; cây công nghiệp chủ lực của vùng và về văn hóa của 44 dân tộc cùng sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các tập quán sinh hoạt, làm việc, cùng các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện rõ nét. Hơn thế nữa Bảo tàng có trưng bày các vật khảo cổ, vật dụng, hình ảnh và tư liệu về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Không gian sinh học sống động là những bài học thiết thực trong bảo vệ môi trường và các loại động thực vật quý hiếm. Trong khi đó, lịch sử phát triển và truyền thống cách mạng lâu đời đã xây dựng nên niềm tự hào cho các dân tộc anh em. Sự ra đời của một bảo tàng quy mô như bảo tàng Đăk Lăk đã thay đổi cả những tập tục và nhận thức văn hóa của nhiều du khách đến với Tây Nguyên.

Du lịch, GO! tổng hợp